Quyền thừa kế
Email: Hoanghai.saigon@….
Xin nhờ luật sư Phamlaw tư vấn cho gia đình tôi như sau:
Ba tôi có 4 người con, hiện ba sống với tôi là con cả. Năm 2010 Ba tôi có chia đất cho bốn anh em tôi bằng nhau nhưng khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ba tôi chỉ làm cho 3 em tôi còn mảnh đất mà ba đang ở với vợ chồng tôi ba chỉ cho tôi ở chứ không tách sổ vì ba tôi với tôi không hợp tính. Nay ba tôi già yếu, nếu ba tôi mất đi mà chưa làm giấy chuyển quyền sở hữu đất cho tôi thì mảnh đất tôi ở có bị chia đều không?
Trả lời: (Câu trả lời mang tính chất tham khảo)
Xin chào bạn Hoanghai, với câu hỏi của bạn LuậtPhamlaw xin trả lời bạn như sau:
Thứ nhất về vấn đề “thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản” pháp luật quy định tại Điều 168 Bộ luật Dân sự như sau:
“ 1. Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Như vậy, bố bạn cho bạn một phần thửa đất nhưng chưa tiến hành thủ tục tách thửa và sang tên quyền sử dụng theo quy định của pháp luật thì bạn chưa phải là chủ sử dụng thửa đất. Hiện tại, bố bạn vẫn là chủ sử dụng của thửa đất đó.
Thứ hai, tính đến thời điểm bố bạn mất mà thửa đất vẫn chưa được sang tên cho bạn thì thửa đất bạn đang ở trở thành di sản của bố bạn và được chia thừa kế cho các hàng thừa kế. Nếu bố bạn lập di chúc chia tài sản, thì thửa đất đó được chia theo di chúc. Nếu bố bạn không để lại di chúc thì di sản được chia theo pháp luật bởi quy định tại Điều 676 “Người thừa kế theo pháp luật”. Theo đó:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, trong trường hợp nếu bố bạn mất mà không để lại di chúc thì thửa đất bạn đang ở được coi là di sản sẽ chia cho các hang thừa kế thứ nhất gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi.
Trên đây là câu trả lời của chúng tôi đối với trường hợp của bạn, nếu còn những khó khăn, vướng mắc bạn có thể liên hệ trực tiếp đến luật sư theo số tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu 19002118; hoặc số hotline 0973938866 của Phamlaw để được hỗ trợ.
– Liên hệ với luật sư tư vấn của chúng tôi để có được câu trả lời thỏa đáng nhất!
Trân trọng./.
=========================
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết
Công ty Luật Phamlaw
Tầng 7, Tầng 12, Tòa nhà Licogi 13
số 12, Thanh Xuân Trung, đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Hotline: 097.393.8866; Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6284
Email : pham.lawyer8866@gmail.com