Câu hỏi: Hậu quả pháp lý của việc hủy phán quyết trọng tài
Tôi là nhân viên của một công ty chuyên cung cấp vật liệu gỗ. Ngày 23/12/2016, công ty tôi có ký kết hợp đồng mua bán với một công ty khác tạm gọi là công ty A. Hai bên cũng đã thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng là thương lượng, trong trường hợp không thương lượng được thì vụ việc sẽ được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Ngày 17/03/2017, do công ty A không thanh toán số tiền mua vật liệu gỗ và tiền nẹp chỉ cho công ty chúng tôi nên công ty chúng tôi đã khởi kiện công ty A ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Ngày 22/03/2017, công ty chúng tôi và cả công ty A đều đã nhận được công văn kèm theo quyết định trọng tài của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam giải quyết vụ kiện của chúng tôi công bố ngày 22/03/2017. Đến đầu tháng 5 vừa rồi bên công ty chúng tôi nhận được tin báo công ty A đã làm đơn yêu cầu Tòa án hủy quyết định trọng tài giải quyết vụ việc giữa hai công ty vào ngày 03/05. Xin hỏi, công ty A có quyền làm vậy không? Trong trường hợp Tòa án hủy quyết định trọng tài thì vụ việc của công ty tôi sẽ được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về hộp thư tư vấn của Phamlaw. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Căn cứ vào khoản 2 Điều 31 BLTTDS năm 2015 thì công ty A hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp giữa công ty bạn và công ty A.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật trọng tài thương mại năm 2010 thì thời hạn yêu cầu Tòa án hủy phán quyết của trọng tài là 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết nhưng do thời gian công ty A nhận được phán quyết vào ngày 22/03 mà đến ngày 03/05 công ty A mới làm đơn yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài, tức là sau hơn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết công ty A mới làm đơn yêu cầu, chính vì thế, trong trường hợp công ty A không gặp sự kiện bất khả kháng nào dẫn tới việc nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài muộn thì công ty A sẽ không còn quyền yêu cầu nữa. Trong trường hợp Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu của công ty A thì Tòa án cũng sẽ ra quyết định trả lại đơn yêu cầu do quá thời hạn.
Còn đối với trường hợp công ty A gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến nộp đơn muộn và được Tòa án thụ lý giải quyết thì căn cứ quy định tại Điều 71 Luật trọng tài thương mại 2010, Tòa án sẽ xem xét việc hủy hoặc không hủy phán quyết của trọng tài. Trong trường hợp Tòa án ra quyết định hủy phán quyết của trọng tài, công ty bạn và công ty A có quyền thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết vụ việc.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi câu hỏi “Hậu quả pháp lý của việc hủy phán quyết trọng tài” có liên quan đến quyền yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài và hậu quả pháp lý của việc hủy phán quyết trọng tài. Nếu bạn còn điều gì thắc mắc muốn được tư vấn thêm hoặc cần chúng tôi thực hiện các thủ tục pháp lý, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0973938866 hoặc qua tổng đài 19006284.
Xịn trân trọng cảm ơn!
Xem thêm: