Có bắt buộc phải hòa giải khi vợ chồng muốn ly hôn?

Có bắt buộc phải hòa giải khi vợ chồng muốn ly hôn?

Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ bạn có email Maianh…@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:

Tôi và chồng đã kết hôn được 3 năm. Hiện tại, do mâu thuẫn với chồng nên tôi muốn ly hôn. Tôi muốn hỏi trong vụ án ly hôn có quy định bắt buộc vợ, chồng muốn ly hôn phải tiến hành việc hòa giải hay không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi. Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật hôn nhân và gia đình 2014

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Luật Hòa giải ở cơ sở 2013

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Hòa giải trong ly hôn là gì?

Hòa giải là việc một bên thứ ba tiến hành thuyết phục, hỗ trợ các bên trong việc thỏa thuận, thương lượng để chấm dứt hoàn toàn hoặc một phần những xung đột, tranh chấp, bất đồng với nhau.

Trong các vụ án ly hôn, hòa giải có ý nghĩa vô cùng to lớn để hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt, giải quyết các tranh chấp, xung đột giữa hai vợ chồng một cách ổn thỏa, đảm bảo quyền, lợi ích của cả vợ chồng và con cái.

Theo đó, trong hôn nhân, gia đình, khi hòa giải một vụ ly hôn, cần phải dựa vào các nguyên tắc sau:

  • Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của vợ chồng;
  • Không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, buộc vợ, chồng phải hòa giải mà không theo ý nguyện của họ;
  • Nội dung thỏa thuận trong hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Có bắt buộc phải hòa giải khi vợ chồng muốn ly hôn?

Co Bat Buoc Phai Hoa Giai Khi Vo Chong Muon Ly Hon
Có bắt buộc phải hòa giải khi vợ chồng muốn ly hôn?

Căn cứ tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quan hệ hôn nhân và gia đình nếu được xác lập dựa theo quy định của pháp luật thì được tôn trọng và bảo vệ. Do đó, khi đứng trước nguy cơ bị chấm dứt thì cần phải kịp thời hòa giải.

Ngoài ra, căn cứ Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về khuyến khích hòa giải tại cơ sở như sau: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”. Trong đó, cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013). Người được lựa chọn có thể là người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về hòa giải tại Tòa án như sau: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Như vậy, khi bạn có yêu cầu ly hôn thì sẽ không bắt buộc hòa giải ở cơ sở, hình thức hòa giải này chỉ được pháp luật khuyến khích. Tuy nhiên khi bạn nộp đơn xin ly hôn thì Tòa án bắt buộc phải tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự 2015.

2.1 Hòa giải tại cơ sở

Hòa giải tại cơ sở là thủ tục không bắt buộc khi giải quyết ly hôn. Việc tiến hành hòa giải tại cơ sở chỉ được thực hiện khi hai bên vợ chồng có nhu cầu. Việc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở phải tuân thủ các nguyên tắc về hòa giải tại cơ sở theo Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013.

Nguyên tắc về hòa giải tại cơ sở được quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

Thứ hai, Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

Thứ ba, Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên.

Thứ tư, Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

Thứ năm, Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Thứ sáu, Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

2.2 Hòa giải tại Toà án

Hòa giải tại Tòa án đối với trường hợp ly hôn thuận tình được áp dụng theo quy định tại Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Cụ thể: “Trước khi thực hiện hòa giải: Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan để có có hướng hòa giải cho phù hợp”.

Thủ tục tiến hành hòa giải tại Tòa án:

Bước 1: Thẩm phán phổ biến quyền và nghĩa vụ của các đương sự; phân tích kết quả nếu hai vợ chồng đoàn tụ;

Bước 2: Các đương sự trình bày nội dung tranh chấp, bổ sung yêu cầu căn cứ để bảo vệ cho yêu cầu ly hôn của mình và đề xuất những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết (nếu có);

Bước 3: Thẩm phán xác định và kết luận những vấn đề hai vợ chồng đã thống nhất, chưa thống nhất và yêu cầu bổ sung, trình bày những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;

Bước 4: Thẩm phán lập biên bản và ra các quyết định

Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện: hai bên thực sự tự nguyện ly hôn; hai bên đã thỏa thuận được với nhau việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng và chăm sóc, giáo dục con cái; sự thỏa thuận đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ, con.

Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

 

5/5 - (2 bình chọn)