Quy định người đại diện theo pháp luật của Luật Doanh nghiệp 2020

Quy định người đại diện theo pháp luật của Luật Doanh nghiệp 2020

Mỗi một doanh nghiệp thành lập ra đều cần một người đại diện theo pháp luật, người này sẽ nhân danh và thay mặt doanh nghiệp thực hiện các thủ tục, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chủ thể khác. Nếu doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật thì dẫn đến nguy cơ đình trệ hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí rơi vào tình thể không thể cứu vãn. Để làm rõ hơn về chủ thể này, Luật Phamlaw xin giới thiệu tới quý khách hàng bài viết sau đây:

I. Người đại diện theo pháp luật là gì?

Khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có đưa ra định nghĩa người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Vậy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người thay mặt công ty thực hiện các quanheej pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Quy Dinh Nguoi Dai Dien Theo Phap Luat Cua Luat Doanh Nghiep 2020
Quy định người đại diện theo pháp luật của Luật Doanh nghiệp 2020

Pháp luật có đặt ra yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật trong doanh nghiệp: Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Nếu hết thời hạn ủy quyền mà người này chưa trở về Việt Nam và không thực hiện ủy quyền khác thì sẽ xử lý theo hai cách được liệt kê tại khoản 4 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Nếu người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không thực hiện ủy quyền hoặc thuộc các trường hợp đặc biệt không thể đại diện cho doanh nghiệp theo khoản 5 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

II. Quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Tùy từng loại hình công ty thì việc quy định người địa diện theo pháp luật lại khác nhau, cụ thể:

1. Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

Điều lệ công ty cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Điều này được khẳng định tại điểm g khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020 cụ thể: Điều lệ công ty quy định số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật.

Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cụ thể hơn, trong trường hợp Công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu mà Điều lệ công ty không quy định về người đại diện theo pháp luật của công ty thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty. Đồng thời Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (khoản 3 Điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

2. Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

Cũng giống như Công ty TNHH một thành viên, số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật được quy định tại Điều lệ của công ty.

Trong trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm bình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty (khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

3. Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần

Công ty cổ phần lên có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

Cúng tương tự như Công ty TNHH, số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật được quy định tại Điều lệ của công ty.

Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty (khoản 2 Điều 137 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

4. Người đại diện theo pháp luật của Công ty hợp danh

Do tính chất đối nhân của mình nên việc quy định người địa diện theo pháp luật của Công ty hợp danh cũng khác với các loại hình công ty khác. Cụ thể:

Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty (khoản 1 Điều 184 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

Bên cạnh đó tại điểm đ khoản 4 Điều 184 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có nghĩa vụ đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án; đại diện cho công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Vậy có thể hiểu chỉ khi nào thành viên hợp danh là Chủ tịch Hội đồng thành viê, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của Công ty hợp danh thì khi đó mới là người đại diện theo pháp luật của công ty.

5. Người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp tư nhân

Do doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân và tài sản không có sự tách bạch với tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân nên doanh nghiệp tư nhân không được nhân danh chính mình để tham gia hoạt động tố tụng với tư cách độc lập mà tham gia với tư cách là chủ doanh nghiệp tư nhân.

Khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân: Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Và có thể thấy đây là người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp tư nhân.

Trên đây là nội dung tư vấn Quy định người đại diện theo pháp luật của Luật Doanh nghiệp 2020. Quý khách hàng hỗ trợ tư vấn thêm có thể kết nối tổng đài 1900- Hỗ trợ dịch vụ doanh nghiệp kết nối 2 đầu số, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm: Các trường hợp không có quyền thành lập và quản lý Doanh nghiệp

———————

Phòng tư vấn Luật Doanh nghiệp – Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)