Tìm hiểu về hợp nhất doanh nghiệp
Một trong những cách thức để tiến hành tổ chức lại doanh nghiệp là hợp nhất doanh nghiệp. Hợp nhất doanh nghiệp chính là biện pháp khá hữu hiệu để nhanh chóng gia tăng số vốn cũng như tiềm lực của doanh nghiệp. Pháp luật có những quy định điều chỉnh rất cụ thể để doanh nghiệp có thể tham khảo tiến hành thực hiện hình thức tổ chức lại này. Vậy tìm hiểu về hợp nhất doanh nghiệp hiểu đúng nhất nghĩa là gì? Kính mời quý khách hàng cùng Luật Phamlaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Khái niệm hợp nhất doanh nghiệp
Khái niệm về hợp nhất được đề cập đến trong một số văn bản pháp luật. Khái niệm về hợp nhất pháp nhân quy định trong Bộ Luật Dân sự năm 2015; khái niệm hợp nhất doanh nghiệp quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Cạnh tranh năm 2018.
Theo khoản 1 Điều 88 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Các pháp nhân có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới.”. Việc hợp nhất giữa các pháp nhân dẫn đến hậu quả là chấm dứt sự tồn tại của các pháp nhân cũ và các quyền, nghĩa vụ dân sự của các pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.
Khoản 1 Điều 200 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng có quy định “Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.”
Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh năm 2018 cũng nêu ra khái niệm về hợp nhất tại khoản 3, Điều 29 “Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.” Vấn đề hợp nhất doanh nghiệp trong Luật Cạnh tranh được quy định khá giống với Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, hợp nhất doanh nghiệp trong Luật Cạnh tranh được coi là một hoạt động tập trung kinh tế còn Luật Doanh nghiệp coi hợp nhất công ty là một trong các trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp. Mặt khác, Luật Cạnh tranh nghiên cứu hợp nhất đối với các chủ thể là doanh nghiệp sẽ bao quát hơn các chủ thể hợp nhất trong Luật Doanh nghiệp là các công ty. Các doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình cho doanh nghiệp mới. Và khi doanh nghiệp mới hình thành thì hai doanh nghiệp cũ chấm dứt sự tồn tại.
Như vậy, có thể rút ra khái niệm chung nhất về hợp nhất doanh nghiệp, đó là hình thức hai hoặc một số doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp bị hợp nhất) hợp nhất thành một doanh nghiệp mới (sau đây gọi là doanh nghiệp hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang doanh nghiệp hợp nhất, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.
Việc hợp nhất doanh nghiệp sẽ đi đến hình thành một doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp này là sự kết hợp của các doanh nghiệp thành viên. Các doanh nghiệp thành viên sẽ chấm dứt sự tồn tại.
Từ đó có thể thấy, hợp nhất doanh nghiệp có thể nói là một hình thức tập hợp nguồn lực nhanh và ngắn nhất từ hai hoặc nhiều doanh nghiệp thành một doanh nghiệp lớn mạnh hơn nhiều về tài chính, nhân sự hay cả thị phần kinh tế,…Việc hợp nhất giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực sẽ tạo được sức mạnh, sức cạnh tranh trên thị trường so với các doanh nghiệp cũ phải cạnh tranh riêng lẻ. Tuy nhiên, việc hợp nhất thì doanh nghiệp phải tổ chức lại nhân sự, quy trình khi mô hình doanh nghiệp lớn hơn.
Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp đang gặp phải các khoản nợ thì có thể sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp mới nếu hợp nhất lại với nhau. Vì vậy, khi hợp nhất, các doanh nghiệp thường phải chú ý đến các vấn đề tài chính, vì suy cho cùng mục đích của kinh doanh là làm cho doanh nghiệp lớn mạnh hơn và đem lại tiềm năng kinh tế tốt hơn lúc chưa hợp nhất.
Cần lưu ý, đối với trường hợp hợp nhất mà theo đó doanh nghiệp hợp nhất có thị phần từ 30% đến 50% thị phần liên quan thì đại diện hợp nhất của doanh nghiệp bị hợp nhất phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hợp nhất, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác. Cấm các trường hợp hợp nhất mà theo đó doanh nghiệp hợp nhất có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác (Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018).
2. Đặc điểm hợp nhất doanh nghiệp
Thứ nhất, chủ thể hợp nhất doanh nghiệp là các doanh nghiệp, toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp bị hợp nhất được chuyển cho doanh nghiệp hợp; doanh nghiệp bị hợp nhất sẽ chấm dứt sự tồn tại.
Thứ hai, hợp nhất doanh nghiệp có thể thực hiện trên cơ sở tự nguyện hoặc bắt buộc. Tự nguyện hợp nhất việc các doanh nghiệp tự nguyện hợp nhất để phù hợp với mục tiêu phát triển và nguyện vọng của chủ sở hữu. Bắt buộc hợp nhất là việc các doanh nghiệp không đảm bảo được mức vốn pháp định theo quy định hiện hành (đối với một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm…) hoặc hoạt động yếu kém hoặc bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt không thực hiện được theo hình thức tự nguyện hợp nhất và có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống phải hợp nhất. Có thể nói hợp nhất là quyền và cũng là nghĩa vụ của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể tự nguyện hợp nhất với nhau thông qua thỏa thuận, đàm phán. Trong trường hợp này hợp nhất được hiểu là quyền của các doanh nghiệp. Nhưng trong trường hợp doanh nghiệp yếu kém, mất khả năng thanh toán nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống thì buộc các doanh nghiệp phải hợp nhất lại. Ví dụ: Ngân hàng Nhà nước có thể ra quyết định buộc ngân hàng phải hợp nhất (khoản 12, điều 4, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010; Điều 49 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010) trong trường hợp ngân hàng yếu kém, mất khả năng thanh toán nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, việc hợp nhất doanh nghiệp phải tuân theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ vì việc hợp nhất doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến các chủ thể thuộc doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, các nhà đầu tư, nhà nước và toàn bộ nền kinh tế nên phải quy định những trình tự, thủ tục nghiêm ngặt để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, cũng như sự ổn định của nền kinh tế. Trình tự, thủ tục nghiêm ngặt thể hiện ở khoản 2 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020:
“Công ty bị hợp nhất chuẩn bị hợp đồng hợp nhất, dự thảo Điều lệ công ty hợp nhất. Hợp đồng hợp nhất phải gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị hợp nhất; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty hợp nhất; thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị hợp nhất thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty hợp nhất; thời hạn thực hiện hợp nhất;
Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty bị hợp nhất thông qua hợp đồng hợp nhất, Điều lệ công ty hợp nhất, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty hợp nhất và tiến hành đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp nhất theo quy định của Luật này. Hợp đồng hợp nhất phải được gửi đến các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua”.
Thứ tư, hợp nhất doanh nghiệp là một trong những biện pháp để giúp các doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản. Nếu như phá sản, giải thể doanh nghiệp được coi như là những phương thức giải quyết số phận của những doanh nghiệp gặp khó khăn và kinh doanh kém hiệu quả thì hợp nhất doanh nghiệp sẽ góp phần cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả song không làm giảm đi giá trị đầu tư của thị trường cũng không làm tổn hại tới lợi ích của khách hàng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Mặc dù có những đặc điểm giống nhau như nhưng hai hoạt động sáp nhập và hợp nhất lại có đặc trưng riêng. Đó là sau khi hợp nhất doanh nghiệp sẽ hình thành một pháp nhân mới (pháp nhân mới này là sự kết hợp của hai doanh nghiệp bị hợp nhất). Trong khi đó sau khi sáp nhập doanh nghiệp sẽ không hình thành pháp nhân mới mà doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ biến mất và chỉ còn lại doanh nghiệp nhận sáp nhập. Đây là điểm khác nhau căn bản giữa hai hoạt động sát nhập và hợp nhất doanh nghiệp.
3. Thủ tục chung về hợp nhất doanh nghiệp
Bước 1: Chuẩn bị hợp nhất doanh nghiệp:
– Lập và phê duyệt phương án kinh doanh tiền khả thi;
– Tìm kiểm, kiểm tra, phân tích mức độ hợp pháp đối với trụ sở doanh nghiệp;
– Xây dựng ý tưởng và kiểm tra mức độ hợp pháp đối với tên doanh nghiệp;
– Xây dựng ngành nghề công ty được hợp nhất phù hợp với ngành nghề đã đăng ký;
– Nghiên cứu và kiểm tra quy định pháp luật đối với người đại diện công ty được hợp nhất;
– Phân tích các quy định pháp luật khác liên quan đến vấn đề hợp nhất doanh nghiệp;
Bước 2: Hoàn thiện hồ sơ thành lập doanh nghiệp:
– Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến thủ tục hợp nhất doanh nghiệp;
– Xây dựng quy chế hoạt động công ty được hợp nhất;
– Xây dựng mô hình và cơ cấu tổ chức công ty được hợp nhất;
Bước 3: Nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở kế hoạch và Đầu tư:
– Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ra phiếu nhận và hẹn ngày trả kết quả;
– Nếu hồ sơ chưa đúng, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả yêu cầu bổ sung;
– Nếu hồ sơ thiếu: bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ra văn bản yêu cầu bổ sung.
Bước 4: Nhận kết quả Đăng ký kinh doanh:
– Xuất trình giấy hẹn nhận kết quả;
– Nộp lệ phí Đăng ký kinh doanh;
– Nhận kết quả Đăng ký kinh doanh;
– Thực hiện thủ tục khắc dấu pháp nhân.
Trên đây là bài viết về Tìm hiểu về hợp nhất doanh nghiệp? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.
Tìm hiểu về hợp nhất doanh nghiệp, Luật Phamlaw