Kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp (KDCN) đang được sử dụng một cách rộng rãi và phổ biến hiện nay đối với các sản phẩm trên thị trường. Những chai nước, những gói mì, những chiếc điện thoại…có kiểu dáng của riêng mình. Để được coi là kiểu dáng công nghiệp thì những kiểu dáng trên phải được đăng ký bảo hộ và được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Để hiểu kỹ hơn về kiểu dáng công nghiệp, Luật Phamlaw giới thệu tới quý khách hàng bài viết sau đây:

Kieu Dang Cong Nghiep
Kiểu dáng công nghiệp

I. Kiểu dáng công nghiệp là gì?

Là một trong bảy đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Nó được định nghĩa là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này (khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019).

Sản phẩm ở đây được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.

Từ định nghĩa trên có thể rút ra nhận xét sau đây: Kiểu dáng công nghiệp là phần bên ngoài của sản phẩm mà có thể nhìn thấy được và hoàn toàn độc lập vưới các bộ phậm khác của sản phẩm.

II. Điều kiện bảo hộ 

Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 quy định kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng được ba điều kiện sau: Tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Cụ thể:

1. Tính mới

* KDCN được coi là có tính mới khi:

KDCN đó khác biệt đáng kể với những KDCN đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

Để xác định tính mới có thẻ thấy có hai từ khóa cần được làm rõ là: khác biệt đáng kể và bộc lộ công khai. Cụ thể:

– Hai KDCN không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai KDCN đó.

– KDCN được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về KDCN đó.

* KDCN không bị coi là mất tính mới khi:

Được công bố trong các trường hợp sau với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

– KDCN bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.

– KDCN được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 công bố dưới dạng báo cáo khoa học.

– KDCN được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

2. Tính sáng tạo 

Điều kiện về tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp được hiểu như sau:

KDCN được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các KDCN đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký KDCN trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

3. Khả năng áp dụng công nghiệp

Điều kiện về khả năng áp dụng công nghiệp được hiểu là:

KDCN được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là KDCN đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

III. Đối tượng không được bảo hộ 

Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 quy định có ba đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp, cụ thể bao gồm:

– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có.

– Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp.

– Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Ngoài ra thì còn có đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp là: Đối tượng trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.

Xem thêm: >>> Đánh giá sự phù hợp của kiểu dáng công nghiệp

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Phamlaw. Quý khách hàng có nhu cầu hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối số tổng đài tư vấn thủ tục hành chính 1900. Hỗ trợ đại diện thực hiện các thủ tục có liên quan đến Đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, gia hạn…trong sở hữu trí tuệ, vui lòng kết nối số hotline 097 393 8866 hoặc số 091 611 0508, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)