Yêu cầu đối với bản mô tả kiểu dáng công nghiệp

Yêu cầu đối với bản mô tả kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này (Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019). Kiểu dáng công nghiệp là một trong bảy đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, để kiểu dáng công nghiệp được xác lập quyền sở hữu công nghiệp thì chủ sở hữu phải thực hiện đăng ký bảo hộ và được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được thực hiện thông qua việc nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp bao gồm nhiều giấy tờ nhưng giấy tờ thể hiện được chi tiết nhất về kiẻu dáng công nghiệp là bản mô tả kiểu dáng công nghiệp. Pháp luật sở hữu trí tuệ đặt ra các yêu cầu, điều kiện đối với bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, để làm rõ các yêu cầu này, Luật Phamlaw tư vấn như sau:

Yeu Cau Doi Voi Ban Mo Ta Kieu Dang Cong Nghiep
Yêu cầu đối với bản mô tả kiểu dáng công nghiệp

1. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp là gì?

Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp là tài liệu để xác định kiểu dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Trong bản mô tả kiểu dáng công nghiệp bao gồm phần mô tả kiểu dáng công nghiệp và phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp sẽ thể hiện đầy đủ tất cả các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp và nêu rõ các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất đã biết, phù hợp với bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ.

Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sẽ nêu rõ các đặc điểm tạo dáng cần được bảo hộ, bao gồm các đặc điểm mới, khác biệt với các kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.

2. Yêu cầu đối với Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp

Căn cứ vào Điều 103 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, Điểm 33.5 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, có thể thấy yêu cầu của pháp luật đối với Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải có các nội dung sau như sau:

Tên kiểu dáng công nghiệp: là tên của chính sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện một cách ngắn gọn bằng các từ ngữ thông dụng, không mang tính chất quảng cáo, không chứa ký hiệu, chú thích, chỉ dẫn thương mại.

Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp: là lĩnh vực sử dụng cụ thể của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp, trong đó nêu rõ mục đích sử dụng, công dụng, chức năng của sản phẩm đó.

– Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất: nêu rõ có hay không có kiểu dáng công nghiệp tương tự, nếu có thì chỉ ra kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất với kiểu dáng công nghiệp của cùng loại sản phẩm nêu trong đơn, đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên), trong đó phải chỉ ra nguồn thông tin bộc lộ công khai kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất đó.

Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ: liệt kê lần lượt các ảnh chụp, bản vẽ phối cảnh (ba chiều), hình chiếu, mặt cắt… của kiểu dáng công nghiệp, phù hợp với số thứ tự được ghi của ảnh chụp, bản vẽ.

Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật Sở hữu trí tuệ, và cần được mô tả chi tiết như sau:

+ Bộc lộ hoàn toàn bản chất của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ, trong đó nêu đầy đủ các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp, đồng thời chỉ ra các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất nêu tại điểm 33.5.c trên đây, phù hợp với các đặc điểm tạo dáng được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ.

+ Các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ được trình bày lần lượt theo thứ tự: các đặc điểm hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc (nếu có).

+ Đối với sản phẩm có các trạng thái sử dụng khác nhau (ví dụ sản phẩm có nắp hoặc có thể gập lại được…) thì mô tả kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm ở các trạng thái khác nhau.

+ Nếu kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì phải nêu phương án cơ bản và đánh số lần lượt các phương án biến thể khác, trong đó chỉ rõ các đặc điểm tạo dáng khác biệt của từng phương án biến thể so với phương án cơ bản.

+ Nếu kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì mô tả kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ đó.

Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (hoặc “yêu cầu bảo hộ”): phải liệt kê đầy đủ các đặc điểm tạo dáng cần và đủ để xác định bản chất kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ và phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện trên ảnh chụp, bản vẽ nêu trong đơn, bao gồm các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết..

3. Căn cứ pháp lý

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.

Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định số 103/2006/NĐ-CP.

Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.

Xem thêm: >>> Đánh giá sự phù hợp của kiểu dáng công nghiệp

——————

Luật Phamlaw- Tư vấn dịch vụ 097 393 8866 hoặc 091 611 0508

5/5 - (1 bình chọn)