Điều kiện thành lập công ty cổ phần

Điều kiện thành lập công ty cổ phần

Tự do kinh doanh không chỉ là nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường mà còn là một trong những quyền cơ bản của công dân. Quyền tự do kinh doanh trước hết được thể hiện ở quyền thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, điều kiện thành lập doanh nghiệp là một nội dung, một chế định quan trọng trong pháp luật doanh nghiệp. Vậy điều kiện thành lập công ty cổ phần được quy định như thế nào? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Công ty cổ phần là gì?

Theo quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

– Cổ đông trong công ty có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật doanh nghiệp 2020;

Ngoài ra, công ty cổ phần là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cuối cùng, công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

2. Khái niệm điều kiện thành lập công ty cổ phần?

Điều kiện thành lập CTCP được hiểu là gì những yêu cầu mà pháp luật quy định phải đáp ứng để có thể thành lập và đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp dưới hình thức CTCP.

3. Quy định pháp luật về điều kiện thành lập công ty cổ phần

Để một CTCP có thể ra đời và hoạt động cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định do pháp luật doanh nghiệp đề ra, đó là:

3.1 Điều kiện về chủ thể có quyền thành lập CTCP

Hiến pháp năm 2013 tại Điều 33 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng được quyền tự do kinh doanh, cụ thể trong vấn đề thành lập doanh nghiệp trong đó có CTCP, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chủ thể có thể thành lập CTCP gồm tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập CTCP trừ những tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, đó là:

+ Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật doanh nghiệp 2020, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

+ Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

+ Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, CTCP muốn thành lập phải đảm bảo điều kiện tối thiểu 03 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa.

3.2 Điều kiện về người đại diện CTCP

CTCP có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ của CTCP phải quy định cụ thể số lượng người đại diện, chức danh quản lý, quyền và nghĩa vụ của từng đại diện theo pháp luật.

Người đại diện của CTCP có thể đồng thời là đại diện của nhiều công ty khác nhau (không căn cứ vào loại hình hay quy mô doanh nghiệp) ngoại trừ cá nhân đang giữ vị trí giám đốc, tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước không được phép làm người đại diện của CTCP.

3.3 Điều kiện về kinh tế

Muốn thành lập CTCP tổ chức, cá nhân phải chuẩn bị những điều kiện vất chất cần thiết để công ty ra đời như nhà xưởng, kho bãi, văn phòng, máy móc thiết bị…phù hợp với từng loại hình và ngành nghề kinh doanh.

3.4 Điều kiện về vốn điều lệ và vốn pháp định

Vốn điều lệ là số vốn do các cổ đông góp hoặc cam kết góp vốn và được ghi vào Điều lệ công ty. Thời hạn góp vốn được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020, các công ty phải góp đủ vốn đăng ký trong thời hạn 90 ngày kể từ khi thành lập. Và chế tài xử phạt kèm theo cũng quy định: công ty không góp đủ thì vốn mặc định giảm xuống đến mức đã góp, cổ đông nào không góp thì không còn là cổ đông của công ty và công ty phải điều chỉnh vốn cũng như loại hình tương ứng.

Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu do pháp luật quy định áp dụng đối với một số ngành nghề kinh doanh đặc thù như chứng khoán, vàng, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tiền tệ, bất động sản… và được quy định cụ thể trong luật chuyên ngành tương đương. Ví dụ:

–  Kinh doanh bất động sản (được quy định cụ thể trong Luật kinh doanh bất động sản 2014) là 20 tỷ.

– Kinh doanh cảng hàng không, sân bay nội địa, quốc tế là 100 tỷ và 200 tỷ (Khoản 2 Điều 14 Nghị định 92/2016/NĐ-CP).

– Cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng là 30 tỷ (Điều 1 Nghị định 57/2016/NĐ-CP).

– Kinh doanh hoạt động mua bán nợ là 100 tỷ (Khoản 2 Điều 7 Nghị định 69/2016/NĐ-CP).

– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ từ 200 đến 400 tỷ (Nghị định 73/2016/NĐ-CP)…cùng nhiều lĩnh vực khác.

Nếu quý khách hàng có nhu cầu thành lập CTCP trong những lĩnh vực yêu cầu có vốn pháp định, quý khách cần phải chuẩn bị nguồn vốn đủ lớn với từng ngành nghề để có thể đăng ký thành lập công ty thành công.

3.5 Điều kiện về ngành nghề kinh doanh

Ngành nghề kinh doanh là yếu tố được kiểm soát chặt chẽ khi thực hiện thủ tục thành lập CTCP. Công ty chỉ có thể thực hiện đăng ký thành lập công y với các ngành nghề không bị cấm kinh doanh.

Luật Đầu tư 2020 quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh, bao gồm:

– Các chất ma túy cấm đầu tư kinh doanh (phụ lục I);

– Danh mục hóa chất, khoáng vật cấm (Phụ lục II);

– Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm I (phụ lục III);

Ngoài ra, Luật đầu tư 2020 còn quy định về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Phụ lục IV) đó là những ngành nghề pháp luật quy định khi CTCP kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề đó phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định, thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác

3.6 Điều kiện về tên công ty

Một CTCP muốn được biết đến trên thị trường hoạt động kinh doanh thì cần phải có các yếu tố đặc trưng của mình. Nói cách khác là CTCP đó cần phải có đặc điểm để phân biệt với các CTCP khác trên thị trường để các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng có thể phân biệt sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của CTCP đó với CTCP khác. Một trong những yếu tố cơ bản làm nên tư cách chủ thể đó của CTCP chính là “tên doanh nghiệp”. Tên doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với bất kỳ một công ty nào vì nó hình thành, tồn tại và phát triển trong suốt quá trình hoạt động của công ty.

Việc đặt tên cho CTCP phải tuân thủ quy định cụ thể tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 (Ví dụ: CTCP + tên riêng)

Tại khoản 3 Điều 37 quy định: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu => Như vậy việc cho phép tên CTCP có thể kem theo các chữ cái F, J, Z, W cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận tên riêng của CTCP bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, không phải tất cả các tiếng nước ngoài đều được mà chỉ có những tiếng nằm trong bảng chữ cái theo quy định. Bởi vì, tiếng nước ngoài thì có thể có nhiều thứ tiếng: Trung Quốc, Nhật, Thái Lan…những tiếng này không nằm trong bảng chữ cái được quy định. Điều này, nhìn từ góc độ của các CTCP nước ngoài đã có sự không công bằng trong vấn đề đặt tên doanh nghiệp.

CTCP cũng có thể lưu ý những điều cấm trong đặt tên công ty:

+ Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của công ty đã đăng ký được quy định tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020;

+ Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;

+ Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Đối với tên công ty bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của công ty

+ Tên công ty bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của công ty có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

+ Trường hợp công ty có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của công ty được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của công ty tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do công ty phát hành.

+ Tên viết tắt của công ty được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

3.7 Điều kiện về địa điểm kinh doanh

Trụ sở chính của CTCP có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

3.8 Điều kiện về cổ phần

CTCP phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

– Cổ phần ưu đãi cổ tức;

– Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

– Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

– Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.

Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu cổ phần đó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau

Trên đây là bài viết về Điều kiện thành lập công ty cổ phần? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (2 bình chọn)