Cháu nội có được hưởng di sản thừa kế hay không?
Anh/chị cho em hỏi!
Khi mẹ em mất có để lại 1 căn nhà. Nhà em muốn bán đi để chia cho 10 người con ở hàng thừa kế thứ nhất. Vậy cháu nội đích tôn có được chia phần hay không? Xin cám ơn.
Gửi bởi: dovangieng@………
Với câu hỏi của bạn Phamlaw xin được trả lời như sau (câu trả lời chỉ mang tính tham khảo):
Do câu hỏi bạn ko nêu rõ trường hợp mẹ bạn mất có để lại di chúc hoặc di chúc có hợp pháp hay không, nên luật Phamlaw xin được tư vấn 2 tình huống xảy ra để bạn có thể tham khảo:
Trường hợp 1: Mẹ bạn mất không để lại di chúc hoặc di chúc bị vô hiệu.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
– Không có di chúc;
– Di chúc không hợp pháp;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Vậy trong trường hợp mẹ bạn mất và không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia dựa theo quy định về thừa kế theo pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người được thừa kế theo pháp luật chia làm ba hàng thừa kế như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết.
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết.
Những người thừa kế trong cùng một hàng sẽ được hưởng một phần thừa kế như nhau. Những người thừa kế hàng phía sau sẽ chỉ được hưởng thừa kế trong trường hợp không còn người nào ở hàng thừa kế phía trước hoặc những người thuộc hàng thừa kế phía trước không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản thừa kế hoặc từ chối nhận di sản.
Đối với trường hợp con của bạn thuộc hàng thừa kế thứ 2 của mẹ bạn, sẽ được hưởng thừa kế nếu không còn những người được thừa kế hàng thứ nhất hoặc những người thừa kế hàng thứ nhất không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trường hợp 2: Mẹ bạn mất để lại di chúc, di chúc hợp pháp.
Căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Với quy định này, di chúc phải có các yếu tố sau:
+ Thể hiện ý chí của cá nhân mà không phải là của bất cứ chủ thể nào khác;
+ Mục đích của việc lập di chúc là chuyển tài sản là di sản của mình cho người khác;
+ Chỉ có hiệu lực sau khi người đó chết.
Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc, do đó di chúc phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau:
+ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
+ Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Bởi vậy, Người để lại di chúc hoàn toàn có quyền tự mình quyết định, định đoạt ai là người được hưởng số tài sản của mình, vì vậy mẹ bạn hoàn toàn có thể lập di chúc để định đoạt di sản của mình, cho cháu nội được hưởng di sản của mình.
Lưu ý: Trong trường hợp cháu nội được hưởng di sản thừa kế thì bố mẹ có được quyền quản lý thay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
– Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
– Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
– Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
– Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.
Theo quy định trên thì trường hợp con bạn được hưởng di sản thừa kế và có tài sản riêng nhưng con chưa thành niên thì bạn có quyền quản lý tài sản riêng của con.
Trên đây là câu trả lời của Phamlaw đối với trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể kết nối trực tiếp đến Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508, chúng tôi rất sẵn lòng để giải đáp mọi vướng mắc của bạn.
Cháu nội có được hưởng di sản thừa kế hay không – Luật Phamlaw