Án hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế – Kinh nghiệm và thực tiễn

1.      Thẩm quyền giải quyết của Tòa án                             

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính ( Luật TTHC) thì những khiếu kiện sau thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

>>> Dịch vụ kế toán thuế

“1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức…”

Như vậy, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Theo đó, các khiếu kiện hành chính về thuế sẽ bao gồm các quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực thuế.

–         Đối với quyết định hành chính về thuế, có các loại quyết định sau:

+ Quyết định thu thuế:

+ Quyết định truy thu thuế;

+ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hành chính trong lĩnh vực thuế;

+ Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế;

+ Các quyết định hành chính khác.

           -Hành vi hành chính trong lĩnh vực thuế bị khiếu kiện là hành vi của cơ quan có thẩm quyền quản lý thuế hoặc của cán bộ, công chức trong cơ quan đó khi giải quyết công việc thuộc phạm vi liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật về thuế. Hành vi hành chính trong lĩnh vực thuế có thể bị khiếu kiện bao gồm:

+ Hành vi hành chính trong việc thu thuế: Là hành vi của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước khi tiến hành thu thuế đối với đối tượng chịu thuế.

+ Hành vi hành chính trong việc truy thu thuế: Là hành vi của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước khi tiến hành truy thu thuế đối với đối tượng chịu thuế (còn nợ thuế hoặc khai man để trốn thuế).

+ Các hành vi hành chính khác.

Vì vậy, khi nhận đơn khởi kiện liên quan lĩnh vực thuế, thẩm phán cần nghiên cứu kỹ xem có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo Khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính hay không.

Một vấn đề nữa được đặt ra là trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, chúng ta cần xác định vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện hay cấp tỉnh.

Theo Điều 29, 30 Luật TTHC thì TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng địa giới hành chính với TAND cấp huyện đó.

+ TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định cuả TAND cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức cấp tỉnh trên cùng địa giới hành chính với TNND cấp tỉnh đó; Các khiếu kiện, quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức trung ương, người có thẩm quyền thuộc các cơ quan này mà người khởi kiện cư trú, làm việc hoặc có trụ sở trên cùng địa giới hành chính với Tòa án đó; Các khiếu kiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện mà TAND cấp tỉnh lấy lên giải quyết.

Tòa phúc thẩm TANDTC có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định cuả TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Như vậy, thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp quận huyện, tỉnh, thành phố  trong tố tụng hành chính khác với quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự, một trong những căn cứ phân biệt thẩm quyền của cấp quận, huyện, tỉnh thành đó là yếu tố nước ngoài nhưng trong tố tụng hành chính thì căn cứ để phân biệt thẩm quyền của Tòa án cấp quận, huyện với Tòa án cấp tỉnh, thành phố là dựa vào đối tượng bị khởi kiện và người đã ban hành quyết định hành chính bị khởi kiện chứ không căn cứ vào vụ án có yếu tố nước ngoài hay không.

Ví dụ: Ông Minh Nguyen có quốc tịch Mỹ, không định cư ổn định tại Việt Nam, kiện Thông báo nộp thuế của Chi cục thuế quận P thành phố H. Tòa án nhân dân quận P đã thụ lý vụ án, sau đó chuyển vụ án đến Tòa án nhân dân Thành phố H vì cho rằng ông Minh Nguyen là người có quốc tịch nước ngoài nên thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh. Việc chuyển vụ án này là chưa đúng quy định tại Điều 29, 30 Luật Tố tụng hành chính. Vì đối tượng khởi kiện trong vụ án này là quyết định hành chính của Chi cục thuế cấp huyện nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp quận, huyện cụ thể là Tòa án nhân dân quận P.

2.Thời hiệu khởi kiện:

Theo Điều 104 Luật TTHC thì thời hiệu khởi kiện là 1 năm  kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính..

 Tại Điều 12 Chương II  Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn cụ thể về thời hiệu khởi kiện như sau:

-Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính và họ là đối tượng được nhận quyết định thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ nhận được quyết định.

-Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải là đối tượng bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính và họ không phải là đối tượng được nhận quyết định và thực tế là họ không nhận được quyết định đó thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ biết được quyết định đó

– Trường hợp hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày hành vi hành chính đó được thực hiện (nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức đã chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó) hoặc kể từ ngày được thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện (nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó nhưng họ đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện) hoặc kể từ ngày biết được hành vi hành chính đó (nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó và cũng không được cơ quan có thẩm quyền thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện, nhưng họ đã biết được hành vi hành chính đó qua các thông tin khác như được người khác kể lại);

– Trường hợp hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó Điều 12 Chương II Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng hướng dẫn cụ thể về thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở khách quan khác thì không tính vào thời hiệu khởi kiện. Cụ thể sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan được hướng dẫn như sau:

– Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan như thiên tai, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do lỗi của cơ quan nhà nước làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu khởi kiện;

– Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

 Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.

3.Xác định người bị kiện là cơ quan hay tổ chức trong các khiếu kiện hành chính về thuế

Người bị kiện trong vụ án hành chính về thuế là cơ quan quản lý thuế hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý thuế hoặc cơ quan nhà nước khác.

  – Cơ quan quản lý thuế gồm: Tổng cục thuế, Cục thuế, Chi cục thuế, Đội thuế; Tổng cục Hải quan, Cục hải quan, Chi cục Hải quan, Chi cục kiểm tra sau thông quan (quản lý và thu các loại thuế gắn với hàng hóa xuất,nhập khẩu).

-Người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý thuế ban hành các quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế: Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Cục trưởng Cục thuế, Chi cục trưởng Chi cục thuế …

     – Ngoài ra, Chủ tịch UBND các cấp cũng có thẩm quyền ban hành các quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế.

Vậy khi nào chúng ta xác định tư cách của bên bị kiện là khi nào là cá nhân hay tổ chức?

Điều 2 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn vấn đề này như sau:

Để xác định người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyến giải quyết vụ việc đó. Trường hợp có nhiều luật cùng quy định thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính về một lĩnh vực quản lý thì việc xác định thẩm quyền của người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào luật chuyên ngành.

Luật Quản lý thuế năm 2006 quy định thẩm quyền ấn định thuế là cơ quan thuế như Chi cục thuế, Cục kiểm tra thông quan …nên người bị kiện trong các vụ án hành chính khởi kiện quyết định ấn định thuế phải là cơ quan thuế như Chi cục thuế, Cục thuế…

Theo Luật Quản lý thuế năm 2006 và Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thì thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế gồm:Nhân viên thuế đang thi hành công vụ, Trạm trưởng Trạm thuế, Đội trưởng Đội thuế, Chi cục trưởng Chi cục thuế, Cục trưởng Cục thuế, Chủ tịch UBND các cấp, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra thông quan thuộc Tổng cục Hải quan.

Trường hợp việc truy thu thuế là biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính về thuế thì thẩm quyền ra quyết định là người có thẩm quyền trong cơ quan thuế như: Chi cục trưởng Chi cục thuế, Cục trưởng Cục thuế

 Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế gồm: Chi cục trưởng Chi cục thuế, Cục trưởng Cục thuếCục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan.

Trong trường hợp khiếu kiện quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế hoặc quyết định khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì cá nhân, người có thẩm quyền ra quyết định là người bị kiện.

Một vấn đề cũng cần lưu ý trong việc xác định người bị kiện có phải là người được ủy quyền ban hành quyết định hay người có thẩm quyền ban hành quyết định:

Theo quy định của Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên việc giao quyền này phải bằng văn bản  quy định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Như vậy, trong trường hợp này, người có thẩm quyền ban hành quyết định là người ủy quyền chứ không phải là người được ủy quyền và người bị kiện trong vụ án hành chính phải là người đã ủy quyền cho cấp dưới ban hành quyết định đó.

Ví dụ: Cục trưởng Cục Thuế thành phố H có văn bản ủy quyền cho cục phó ký các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Ngày 01/3/2014, Cục phó Cục Thuế thành phố H ban hành quyết định xử phạt hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần A. Khi xác định người bị kiện trong vụ án hành chính này thì người bị kiện phải là người mà Luật quy định có thẩm quyền ban hành xử phạt, đó là Cục trưởng Cục Thuế Thành phố H chứ không phải Cục phó Cục Thuế thành phố H.

4. Đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính.

            Để chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện về việc hủy quyết định hành chính hay xác định hành vi hành chính là trái pháp luật, chúng ta cần đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính.

4.1 Về trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính:

Về trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính bao gồm các tiêu chí cơ bản như sau:

– Trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính;

– Thời hạn ban hành quyết định hành chính;

– Thời hiệu ban hành quyết định hành chính;

– Thẩm quyền ban hành quyết định hành chính.

Theo quy định của pháp luật, mỗi cơ quan Nhà nước đều có chức năng quản lý những lĩnh vực khác nhau. Để thực hiện chức năng quản lý của mình, các cơ quan Nhà nước đều có thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính thuộc lĩnh vực mình quản lý; việc ban hành quyết định hành chính phải thực hiện đúng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành và việc ban hành phải có căn cứ, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính mà đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, Tòa án cần phải xem xét, đánh giá những vấn đề cơ bản nêu trên.

Đối với hành vi hành chính bị khiếu kiện thì việc xem xét cũng tương tự như xem xét đối với quyết định hành chính.

4.2. Xem xét nội dung của quyết định hành chính:

Việc xem xét về nội dung của quyết định hành chính bị khiếu kiện là việc Tòa án cần phải xem xét quyết định hành chính đó là quyết định tổng thể hay là quyết định cá biệt và các căn cứ pháp luật để cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước ban hành quyết định hành chính đó, cụ thể:

– Quyết định hành chính bị khiếu kiện phải là quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính (quyết định cá biệt) và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể (là văn bản áp dụng pháp luật).

– Các căn cứ của pháp luật để cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước ban hành quyết định hành chính.

Đây là nội dung quan trọng nhất khi xem xét, đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính bị khiếu kiện, làm cơ sở cho việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện khi Tòa án giải quyết vụ án hành chính.

Chú ý: Qua thực tiễn xét xử cho thấy, một số quyết định hành chính bị khiếu kiện mang tính tổng hợp như có một phần nội dung là quyết định tổng thể, có phần nội dung là quyết định cá biệt và còn có cả phần nội dung mang tính nội bộ của cơ quan Nhà nước đó.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, chỉ có một phần hoặc toàn bộ quyết định cá biệt mới là đối tượng khởi kiện và là nội dung cần xem xét.

Mặt khác, tại quyết định hành chính bị khiếu kiện có nhiều trường hợp, người bị kiện chỉ viện dẫn tên các văn bản quy phạm pháp luật mà họ áp dụng để ra quyết định mà không ghi cụ thể Điều, khoản nào làm căn cứ để ra quyết định hành chính. Khi giải quyết vụ án hành chính, Tòa án yêu cầu người khởi kiện phải làm rõ Điều, khoản cụ thể làm căn cứ để ra quyết định hành chính.

Đối với hành vi hành chính bị khiếu kiện thì việc đánh giá cũng tương tự như đánh giá đối với quyết định hành chính.

5. Phần quyết định của bản án.

Điều 163 Luật TTHC quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử như sau:

          + Bác yêu cầu của người khởi kiện;

            + Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện;

             + Tuyên huỷ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật;

            + Tuyên huỷ quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật;

            + Tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật;

            + Buộc cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trách nhiệm công vụ theo quy định của pháp luật hoặc chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật.

            Trong phần quyết định của bản án cần ghi đúng những cụm từ mà Điều 163 Luật TTHC đã quy định.

Ví dụ 1: Trong trường hợp bác yêu cầu của đương sự thì phần quyết định ghi câu “Bác yêu cầu của ông Nguyễn Văn A về việc hủy quyết định số ngày  tháng năm  của …về việc….”

Ví dụ 2: Trong trường hợp chấp nhận toàn bộ yêu cầu của đương sự thì phần quyết định ghi: “Chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn A. Hủy quyết định số…ngày …tháng …năm của…. về việc..”

Ví dụ 3: Trong trường hợp chấp nhận một phần yêu cầu của đương sự thì cần ghi rõ chấp nhận phần nào và bác yêu cầu phần nào.

+ Việc ban hành quyết định hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ công chức.Do đó, trường hợp có căn cứ để kết luận quyết định hành chính là trái pháp luật, toà án chỉ có quyền tuyên huỷ quyết định hành chính. Toà án không có quyền thay cơ quan, người có thẩm quyền để giải quyết lại vụ việc.

            Ví dụ: Công ty Cổ phần A kiện Cục trưởng Cục Thuế thành phố H vì đã ban hành Quyết định số 5516/QĐ-CT ngày 14/12/2011 với nội dung:Phạt vi phạm hành chính về thuế là: 1.091.379.410 đồng. Tòa án nhân dân thành phố H đã xác định quyết định nói trên là trái pháp luật và tuyên hủy quyết định này. Đồng thời xác định Công ty Cổ phần A chỉ phải chịu phạt thuế là 200.000.000 đồng. Việc Tòa án thay cho cơ quan thuế tính số thuế chịu phạt của Công ty Cổ phần A là không đúng thẩm quyền mà Điều 163 Luật TTHC đã quy định.

Nguồn: TAND TP HCM

5/5 - (1 bình chọn)