Bàn về khó khăn, vướng mắc của Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC

Bàn về khó khăn, vướng mắc của Thông tư liên tịch số 14

Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp – Tòa án nhân dân tối cao – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 14) có hiệu lực và được thi hành cho đến nay đã gần 03 năm. Quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 14 đã cho thấy ngoài những thuận lợi thì quy phạm pháp luật của Thông tư này mang lại cũng không ít khó khăn cho người thực hiện. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi bàn về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư liên tịch này.

Theo đánh giá chung thì Thông tư liên tịch số 14 đã có những đóng góp đáng ghi nhận trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự tại địa phương như các quy định về kiến nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án; ra quyết định thi hành án; thông báo, xác minh điều kiện thi hành án; thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới; chuyển giao nghĩa vụ thi hành án;… Những quy định, hướng dẫn phù hợp, kịp thời trên đã góp phần không nhỏ tạo hành lang pháp lý cho Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Hơn thế nữa, việc phối hợp trong công tác kiến nghị và giải quyết các kiến nghị giữa cơ quan Thi hành án dân sự với Tòa án; hoạt động kiểm sát thi hành án của Viện Kiểm sát; cơ chế họp bàn theo định kỳ;… đã phát huy hiệu quả tốt, kịp thời giải quyết những khó khăn tại địa phương hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo, giải quyết;….

Khó khăn, vướng mắc cơ bản nhất mà Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án gặp phải là theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 14 quy định: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan Thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án”.

Đánh giá khái quát quy phạm pháp luật này, chúng ta có thể nhận thấy những quy phạm pháp luật nêu trên chủ yếu nhằm ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án giữa mốc thời gian giao thời – giữa hoạt động xét xử và hoạt động thi hành án. Tuy nhiên, từ khi được ban hành cho đến nay lại rất ít Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự mạnh dạn áp dụng hoặc có áp dụng nhưng chưa dám xử lý tài sản để thi hành án. Câu trả lời cho việc này chính là “độ vênh” giữa luật nội dung – Bộ Luật dân sự, Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật,… với Thông tư liên tịch số 14. Chúng tôi sẽ lần lượt phân tích “độ vênh” này qua các nội dung chủ yếu, cơ bản sau đây:

Thứ nhất, xét ở góc độ mối quan hệ giữa cá nhân, cơ quan, tổ chức với Nhà nước và pháp luật thì theo quy định của pháp luật hiện hành không có quy định nào bắt buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức phải biết thời điểm có bản án, quyết định của Tòa án hoặc thời điểm có hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện giao dịch dân sự, ít nhất là đúng với bên nhận tài sản giao dịch. Không thể bắt buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân phải biết tại thời điểm giao dịch đối tác của mình có tranh chấp và đang được giải quyết tại Tòa án hoặc cơ quan Thi hành án dân sự hay không? Và nếu họ muốn biết thì phải đến đâu để tìm kiếm thông tin. Pháp luật không có quy định. Vậy thì người dân phải được làm những gì pháp luật không cấm. Còn đối với người chuyển dịch (người phải thi hành án) không sử dụng số tiền này để thực thi nghĩa vụ tại cơ quan có thẩm quyền thì đã có sự vi phạm và cần phải xử lý bởi pháp luật, kể cả trách nhiệm hình sự, nhưng không phải là hủy giao dịch với bên ngay tình (người nhận tài sản theo giao dịch dân sự).

Thứ hai, việc thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản chỉ viện dẫn Khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 14 mà không xét đến các văn bản pháp luật khác là có hành vi cố ý ra quyết định trái pháp luật.

Bởi lẽ, đối với quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời điểm có hiệu lực đối với các giao dịch về quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, tặng cho,…) có hiệu lực tại thời điểm đăng ký. Đối với nhà ở và các tài sản khác thì có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng, chứng thực (nếu pháp luật có quy định). Vậy, khi giao dịch dân sự đã có hiệu lực, có nghĩa là tài sản đã được xác lập cho người nhận chuyển dịch không còn của người chuyển dịch (người phải thi hành án) và nếu thực hiện việc kê biên đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật – kê biên tài sản của người không có nghĩa vụ để thực hiện một nghĩa vụ không phải là của họ. Và điều tất yếu dẫn đến là họ sẽ thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết việc công nhận giao dịch dân sự trên là đúng và phù hợp theo quy định của pháp luật đồng thời yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải bồi thường những tổn thất do việc kê biên tài sản của họ. Và nghiêm trọng hơn còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 296 Bộ Luật hình sự.

Thứ ba, nếu có tranh chấp xảy ra thì Tòa án có thẩm quyền sẽ phải giải quyết như thế nào?

Theo chúng tôi, Tòa án sẽ không thể chỉ xem xét quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 14 để giải quyết mà phải căn cứ vào pháp luật về nội dung đó là Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Luật nhà ở,… để xem xét giao dịch đó là có hiệu lực hay vô hiệu. Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là “1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.”

Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu. ”.

Như vậy, điều hiển nhiên chúng ta sẽ thấy rất rõ rằng các quy định này không có điều khoản nào quy định giao dịch dân sự vô hiệu khi có bản án, quyết định của Tào án hoặc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành. Do đó Toà án phải công nhận giao dịch dân sự đó là hợp pháp. Và đến đây trách nhiệm của người thực hiện áp dụng Khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 14 sẽ phải được đặt ra. Thật rủi ro cho cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên.

Thứ tư, xét ở góc độ hiệu lực và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì việc quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 14 phải không được áp dụng thi hành. Bởi vì, theo quy định tại Khoản 2 Điều 83 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.

Điều quy định trên cho chúng ta biết quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 14 là trái với các quy định của Bộ Luật dân sự, Luật đất đai, Luật nhà ở,… và vì thế không được phép thực hiện việc kê biên tài sản của người ngay tình (bên thứ 3, bên nhận chuyển dịch) để thi hành một nghĩa vụ mà không phải là của họ.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi kiến nghị cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 14 theo hướng giao trách nhiệm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án cho Thẩm phán giải quyết ngay trong giai đoạn xét xử.

Đinh Duy Bằng

Chi cục THADS huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

Rate this post