Một số vấn đề bất cập trong các quy định của pháp luật có liên quan đến thực hiện hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm là một trong những chế định và nội dung quan trọng của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Các quy định liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm được quy định trong Bộ Luật dân sự 33/2005/QH11 năm 2005 (BLDS) và Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10, Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi số 61/2010/QH12 năm 2010 (Luật KDBH) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên thực tế, trong thời gian vừa qua các quy định liên quan đến thực hiện hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) trong các quy định của pháp luật đã bộc lộ khá nhiều bất cập, vướng mắc gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật.

>>> Tổng đài tư vấn pháp luật

1. Quy định về xử lý hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp có gian dối

Các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 đã có sự mâu thuẫn trong cách xử lý đối với trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật, tuy nhiên nội dung này vẫn chưa được sửa đổi trong Luật sửa đổi Luật KDBH năm 2010.

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 19 Luật KDBH về trách nhiệm cung cấp thông tin quy định:“Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây: a) Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường…“. Tại khoản 3 Điều 19 cũng quy định: “Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật”.

Việc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm về bản chất là hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng. Như vậy, tại Điều 19 này có thể nhận thấy việc“cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết Hợp đồng” chỉ dẫn đến hậu quả pháp lý là bên kia có thể đơn phương đình chỉ hợp đồng là chưa phù hợp với các quy định của BLDS cũng như các nguyên tắc trong giao kết Hợp đồng, ngoài ra chưa phù hợp với các quy định khác trong chính Luật KDBH. Cụ thể, tại Điều 22 của Luật KDBH lại quy định về các trường hợp HĐBH vô hiệu, trong đó có trường hợp: “Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệm bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm”, và “Việc xử lý hợp đồng bảo hiểm được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan”. Theo quy định của BLDS, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận… và bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Như vậy, cùng một vấn đề đã có hai cách xử lý khác nhau cùng được quy định trong Luật KDBH.

Về mặt lý luận, nếu có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng thì hợp đồng đó phải vô hiệu vì đã không tuân thủ nguyên tắc trung thực khi giao kết. BLDS năm 2005 quy định, nếu một bên bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu (Điều 132 Bộ Luật dân sự năm 2005). Vì vậy, việc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm không thể dẫn đến hành vi đình chỉ thực hiện hợp đồng.

2. Quy định về gia hạn nợ phí bảo hiểm

Theo văn bản quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính, tại Thông tư 125/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 hướng dẫn chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (Thông tư 125/2012/TT-BTC) quy định:

Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài cho bên mua bảo hiểm gia hạn nợ phí bảo hiểm thì phải lập thành phụ lục hợp đồng bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực và trước ngày xảy ra tổn thất.”

Như vậy, theo quy định này được hiểu tất cả các trường hợp gia hạn nợ phí bảo hiểm đều phải thỏa mãn 3 điều kiện nhất định: (i) việc gia hạn này phải trong thời gian hợp đồng bảo hiểm còn liệu lực; (ii) chỉ được gia hạn nợ phí bảo hiểm cho khách hàng trong trường hợp chưa hoặc trước ngày xảy ra tổn thất và (iii) bắt buộc phải lập thành phụ lục hợp đồng bảo hiểm có chữ ký của cả 2 bên doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm..

Tuy nhiên, đối chiếu với BLDS năm 2005 thì quy định chưa có sự tương thích trong trường hợp đóng phí theo kỳ. Cụ thể tại Điều 572 của BLDS, phần về Hợp đồng bảo hiểm có quy định:

“ 1. Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho bên bảo hiểm. Thời hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Phí bảo hiểm có thể đóng một lần hoặc theo định kỳ.

2. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm chậm đóng phí bảo hiểm theo định kỳ thì bên bảo hiểm ấn định một thời hạn để bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm; nếu hết thời hạn đó mà bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm thì hợp đồng chấm dứt.”

Chiếu theo quy định của Điều 572 này thì việc gia hạn nợ phí là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp bảo hiểm và thực hiện sau khi hết hạn nhưng khách hàng chưa đóng phí bằng việc doanh nghiệp bảo hiểm phải “ấn định” một thời hạn để khách hàng đóng phí. Việc “ấn định” này có thể hiểu là văn bản đơn phương gia hạn của DNBH và có trách nhiệm ràng buộc đối với bên mua bảo hiểm, và khi hết thời hạn đó khách hàng vẫn tiếp tục không đóng phí thì hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt. Như vậy, giữa quy định của BLDS và quy định trong văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành đã có sự không thống nhất dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi xác định doanh nghiệp phải thực hiện như thế nào để phù hợp với pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành?

3. Quy định về chấm dứt HĐBH trước thời hạn:

Cũng tại Thông tư 125/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính có quy định:

Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ tự chấm dứt hiệu lực bảo hiểm vào ngày kế tiếp ngày bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.”

Nhưng theo quy định tại khoản 2 điều 572 của BLDS năm 2005 được trính dẫn tại mục 2 nêu trên thì trường hợp khách hàng chậm thanh toán phí bảo hiểm cho DNBH thì DNBH phải “ấn định” một thời hạn để bên mua bảo hiểm đóng phí, được hiểu là sự đơn phương gia hạn thời hạn đóng phí của doanh nghiệp đối với Bên mua bảo hiểm. Như vậy Hợp đồng bảo hiểm không thể tự động chấm dứt vào ngày kế tiếp ngày bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm như quy định của Thông tư 125/TT-BTC ngày 30/07/2012 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, BLDS cũng có thêm quy định về Đơn phương chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm tại Điều 426 như sau:

“1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận  hoặc pháp luật có quy định.

……..

Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường »

Hiện tại, để thực hiện theo đúng quy định của Cơ quan quản lý chuyên ngành, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã đưa quy định về chấm dứt HĐBH do khách hàng vi phạm nghĩa vụ đóng phí theo đúng quy định tại Thông tư 125/2012/TT-BTC vào Hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế tham gia xét xử tại Tòa án vừa qua cho thấy nếu có sự tranh chấp liên quan đến việc thanh toán phí bảo hiểm/thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, Tòa án sẽ thường nhận định như sau:

– Việc chấm dứt HĐBH do bên mua bảo hiểm chậm thanh toán phí bảo hiểm dù có thỏa thuận trong hợp đồng thì cũng đều được xác định là hành vi “đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng”. Do vậy, trong trường hợp chấm dứt trước hạn do khách hàng chậm thanh toán phí bảo hiểm đối với thanh toán phí bảo hiểm định kỳ hay 1 lần, DNBH vẫn phải có nghĩa vụ thông báo cho Bên mua bảo hiểm;

– Đối với trường hợp thanh toán theo kỳ, trong mọi trường hợp (kể cả đã có thỏa thuận tự động chấm dứt trong HĐBH) nếu quá ngày nộp phí mà Bên mua bảo hiểm không nộp phí, DNBH vẫn phải ấn định, gia hạn thêm một thời gian nữa để khách hàng nộp phí bảo hiểm. Hết thời hạn gia hạn (đơn phương) này, nếu khách hàng không đóng phí thì DNBH mới được chấm dứt HĐBH theo đúng quy định của Bộ Luật dân sự.

Những nhận định và phán quyết như đã tổng hợp trên của Tòa án cho thấy dường như Tòa án đã không chú trọng và xem xét đến các quy định của Thông tư 125/TT-BTC ngày 30/07/2012 – một trong những văn bản rất quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, việc Tòa án không xem xét đến văn bản này không phải là không có cơ sở. Trở lại phạm vi và với đối tượng áp dụng của Thông tư 125/2012/TT-BTC có quy định “Thông tư này hướng dẫn chế độ tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, sức khỏe, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam”. Như vậy, đối tượng chịu sự điều chỉnh của các quy định tại Thông tư 125/2012/TT-BTC này chỉ là các doanh nghiệp bảo hiểm, không có bên mua bảo hiểm. Mặt khác, các quy định của BLDS 2005 sẽ có giá trị pháp lý cao hơn Thông tư và các văn bản dưới luật. Do đó Tòa án xem xét đến các quy định của BLDS mà không xem xét đến quy định của Thông tư này để nhận định vấn đề liên quan đến chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn là điều có thể hiểu được. Vấn đề đặt ra ở đây là DNBH sẽ phải tuân thủ theo quy định nào để thực hiện cho phù hợp. Nếu tuân thủ theo đúng các quy định của BLDS 2005 thì sẽ vi phạm các quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành (theo nội dung được quy định tại Thông tư 125/2012/TT/BTC) và doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu thực hiện không đúng. Nếu DNBH tuân thủ theo các quy định của Thông tư 125/2012/TT-BTC thì sẽ dẫn đến DNBH có thể gặp phải các rủi ro pháp lý trong nhận định của Tòa án như đã đề cập nêu trên.

4. Vấn đề xử lý phí bảo hiểm khi chấm dứt HĐBH trước thời hạn:

Tại khoản 2 Điều 23 có quy định về việc HĐBH chấm dứt hiệu lực trong trường hợp “Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theothời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”, đồng thời Điều 24 cũng quy định hậu quả pháp lý của việc chấm dứt HĐBH trong trường hợp này: “Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm… “

Thông tư số 125/2012-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính cũng quy định về cách thức xử lý khi Hợp đồng chấm dứt hiệu lực trong trường hợp HĐBH chấm dứt hiệu lực trước thời hạn do khách hàng vi phạm nghĩa vụ đóng phí như sau: “Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài ghi giảm doanh thu tương ứng với thời gian hợp đồng bảo hiểm không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không thực hiện đóng phí bảo hiểm theo đúng thoả thuận nợ phí.” (Điều 18)

Cùng với việc ghi giảm doanh thu tương ứng với thời gian hợp đồng bảo hiểm không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm có thể được hiểu ngược lại là doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được ghi nhận vào doanh thu số phí bảo hiểm tương ứng với thời hạn phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của hợp đồng bao hiểm, ở đây được hiểu là thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm từ khi có hiệu lực đến thời điểm chấm dứt trước thời hạn. Trên thực tế hiện nay có nhiều hợp đồng bảo hiểm thanh toán phí theo kỳ, trong đó khách hàng thanh toán phí bảo hiểm kỳ đầu đúng quy định, sau đó vi phạm thanh toán phí ở kỳ sau dẫn đến hợp đồng chấm dứt hiệu lực vào ngày kề tiếp ngày bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận. Tuy nhiên, số phí bảo hiểm khách hàng đã đóng thường nhiều hơn hoặc tương đối lớn so với thời gian có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm. Vấn đề vướng mắc hiện nay là cùng với việc chấm dứt HĐBH trước thời hạn do khách hàng vi phạm quy định về nghĩa vụ thanh toán phí, nếu số phí bảo hiểm khách hàng đã thanh toán lớn hơn số phí bảo hiểm tương ứng với thời hạn có hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có phải hoàn lại phí bảo hiểm cho khách hàng hay không là vấn đề pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện nay chưa đề cập đến?

Chúng tôi xin được lấy ví dụ cụ thể như sau:

Hợp đồng bảo hiểm xây dựng, lắp đặt ký ngày 01/01/2014, thời hạn bảo hiểm là từ ngày 01/01/2014 đến hết 21/12/2014, tổng phí bảo hiểm khách hàng phải thanh toán cho DNBH là 1tỷ đồng

Theo thỏa thuận tại Hợp đồng bảo hiểm, phí bảo hiểm sẽ được thanh toán thành 3 kỳ, cụ thể như sau:

– Kỳ 1: 50% số phí bảo hiểm (tương ứng với 500tr VND) sẽ được người được bảo hiểm thanh toán cho DNBH chậm nhất vào ngày 15/01/2014

– Kỳ 2: 30% số phí bảo hiểm (tương ứng với 300tr VND) sẽ được người được bảo hiểm thanh toán cho DNBH chậm nhất vào ngày 15/03/2014

– Kỳ 3: 20% số phí bảo hiểm (tương ứng với 200tr VND) sẽ được người được bảo hiểm thanh toán cho DNBH chậm nhất vào ngày 15/05/2014

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, kỳ thanh toán đầu tiên khách hàng đã thanh toán đúng hạn. Tuy nhiên, đến kỳ thanh toán thứ 2 quá thời hạn nhưng khách hàng không thanh toán phí bảo hiểm dẫn đến Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 16/3/2014. Như vậy, Hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực và phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của DNBH trong 2.5 tháng, tuy nhiên phí bảo hiểm DNBH đã thu chiếm 50% tổng số phí bảo hiểm của cả năm. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có phải hoàn lại phí bảo hiểm cho người được bảo hiểm hay không?

Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đang rất lúng túng trong việc xử lý vấn đề này. Một số DNBH sẽ quyết toán để trả lại phí bảo hiểm cho khách hàng, một số doanh nghiệp bảo hiểm thì không với lý do pháp luật không có quy định. Mặt khác, pháp luật cúng chỉ quy định người mua bảo hiểm phải có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm cho thời gian HĐBH có hiệu lực đến thời điểm chấm dứt, không quy định về quyền được yêu cầu DNBH trả lại phí bảo hiểm trong trường hợp vượt quá thời hạn có hiệu lực của HĐBH nên hầu hết người mua bảo hiểm không nắm rõ được quyền lợi của mình trong trường hợp này. Trên thực tế hiện nay, tại một số vụ việc có tranh chấp với khách hàng có liên quan đến việc tổn thất xảy ra sau thời điểm hợp đồng bảo hiểm đã chấm dứt hiệu lực do khách hàng vi phạm nghĩa vụ đóng phí, đối với trường hợp đóng phí tương tự như trên, Tòa án sẽ thường khẳng định nếu doanh nghiệp bảo hiểm không quyết toán trả lại phí bảo hiểm cho khách hàng thì hợp đồng bảo hiểm sẽ phải có hiệu lực thời gian tương ứng với số phí bảo hiểm khách hàng đã đóng, có nghĩa là Hợp đồng bảo hiểm chưa thể chấm dứt hiệu lực theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong HĐBH của các bên. Như vậy, mọi thỏa thuận liên quan đến chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm hoặc việc chấm dứt HĐBH của các bên mặc dù có thực hiện theo đúng quy định của Điều 572 BLDS 2005 cũng sẽ không được Tòa án thừa nhận.

Do đó, chúng tôi cho rằng pháp luật về bảo hiểm cần phải bổ sung thêm quy định trường hợp HĐBH theo kỳ chấm dứt hiệu lực trước thời hạn do khách hàng vi phạm nghĩa vụ đóng phí, DNBH sẽ phải quyết toán phí bảo hiểm và hoàn lại phí bảo hiểm cho khách hàng trong trường hợp phí bảo hiểm đã thu nhiều hơn thời gian có hiệu lực tương ứng của hợp đồng bảo hiểm. Quy định này sẽ đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch để các DNBH có sơ sở thực hiện, và hơn hết là đảm bảo được quyền lợi tối đa của người mua bảo hiểm trong quan hệ Hợp đồng bảo hiểm.

5/5 - (1 bình chọn)