Bản án hình sự sơ thẩm là phán quyết của Hội đồng xét xử, dựa trên kết quả tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm (giữa bên công tố và bên bào chữa). Đây là một văn bản tố tụng quan trọng nhưng chưa có hiệu lực pháp luật ngay và có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
Theo qui định tại Bộ luật tố tụng hình sự, bản án hình sơ sơ thẩm có thể bị bị cáo (người bị kết tội) kháng cáo (hay còn gọi là chống án) hoặc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp kháng nghị (chống án) – nếu cho rằng phán quyết của tòa là quá nặng hay quá nhẹ, không đúng pháp luật … Thời hạn kháng cáo/kháng nghị theo qui định là 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án.
Dưới đây là một bản án hình sự sơ thẩm do TAND Quận 10 TP. Hồ Chí Minh xét xử trong tháng 12-2011.
———————————————–
Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:
1. Bản án nói trên đã bị một bị cáo ( Hoàng Vĩ Hùng) kháng cáo – vì cho rằng mức án tuyên là quá nặng đối với mình. Theo qui định, sau khi hết thời hạn 15 ngày, Tòa án sơ thẩm sẽ chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp trên (là TAND TP.HCM) để xét xử phúc thẩm ( xét & xử nội dung kháng cáo). Tại Việt Nam, việc xét xử thông qua 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên và không còn bị kháng cáo hay kháng nghị nữa.
2. Trước khi tuyên án, Hội đồng xét xử sơ thẩm ( gồm 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm nhân dân sẽ trải qua một thủ tục gọi là “nghị án”. Theo đó, các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một. Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.
3. Về nguyên tắc, việc nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà. Khi nghị án phải có biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử. Biên bản nghị án phải được tất cả các thành viên Hội đồng xét xử ký tại phòng nghị án trước khi tuyên án.
4. Bản án là một văn bản tố tụng. Toà án ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong bản án phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên toà; họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Toà án; họ tên của Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần xã hội, tiền án, tiền sự của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ.
5. Trong bản án phải trình bày việc phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không có tội, xác định bị cáo có phạm tội hay không và nếu bị cáo phạm tội thì phạm tội gì, theo điều, khoản nào của Bộ luật hình sự, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và cần phải xử lý như thế nào. Nếu bị cáo không phạm tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo không có tội và phải giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của Toà án và quyền kháng cáo đối với bản án.
6. Khi Tòa tuyên án, mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án và sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo. Nếu bị cáo không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết.
7. Trong những trường hợp sau đây, Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác: 1. Bị cáo không có tội; 2. Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt; 3. Bị cáo bị xử phạt bằng các hình phạt không phải là hình phạt tù; 4. Bị cáo bị xử phạt tù, nhưng được hưởng án treo; 5. Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.
8. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa (luật sư). Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án.
Nguồn: Ecolaw