Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự theo dự thảo mới

Bộ luật dân sự năm 2005  quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm: cá nhân, pháp nhân, và các chủ thể khác như: hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, các cơ quan, tổ chức…Quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự cũng là một trong vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến nhân dân tại dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật dân sự mới (sửa đổi) tới đây chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, với một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (từ Điều 119 – 121); một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương (từ Điều 115 – 118).

Với dự thảo mới này, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với dự thảo Bộ luật.

Chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự
Chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự

>>> Tư vấn pháp luật miễn phí

Lí do thứ nhất, các thành viên của hộ gia đình thường xuyên có sự thay đổi (do tách, nhập, sinh, tử, kết hôn…) nên việc xác định thành viên của hộ gia đình khi có tranh chấp để xác định quyền và nghĩa vụ gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, khó xác định “tài sản chung của hộ gia đình”, “lợi ích chung” của hộ gia đình khi tham gia quan hệ dân sự và điều đó gây khó khăn trong việc xác định trách nhiệm dân sự của cá nhân hay trách nhiệm dân sự của hộ gia đình.

Thứ ba, về tổ hợp tác, hiện nay có gần 80% tổ hợp tác không đăng ký chứng thực và các quy định về tổ hợp tác hiện hành gây nhiều khó khăn trong việc xác định tư cách pháp lý của tổ hợp tác, phân định trách nhiệm dân sự của tổ hợp tác và trách nhiệm dân sự của từng thành viên tổ hợp tác.

Thứ tư, việc quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như Bộ luật hiện hành đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động áp dụng pháp luật, đặc biệt là cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác vì hầu như không có hộ gia đình, tổ hợp tác là nguyên đơn hay bị đơn dân sự.

Thứ năm, việc chỉ quy định quan hệ pháp luật dân sự gồm có cá nhân và pháp nhân là phù hợp thông lệ quốc tế.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như Bộ luật dân sự hiện hành vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, hộ gia đình, tổ hợp tác là những thực thể đang tồn tại trong xã hội và tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự như quan hệ sử dụng đất đai, điện, nước… Hiện nay có khoảng 370.000 tổ hợp tác đang hoạt động ở nước ta, mô hình tổ hợp tác đang ngày càng phát triển và là một trong những tiền đề để thành lập hợp tác xã và doanh nghiệp. Việc không ghi nhận tổ hợp tác như là một loại chủ thể quan hệ pháp luật dân sự có thể làm giảm vai trò và sự phát triển của các tổ hợp tác.

Thứ hai, việc quy định hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự là cần thiết, xuất phát từ các điều kiện đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình và lịch sử của Nhà nước ta.

Thứ ba, một số luật hiện hành cũng đã ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật bảo hiểm y tế, Luật hợp tác xã…

Thứ tư, các hạn chế bất cập trong các quy định pháp luật về hộ gia đình, tổ hợp tác hiện nay là có thật nhưng có thể khắc phục được trong quá trình hoàn thiện pháp luật để tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho hộ gia đình, tổ hợp tác tồn tại và phát triển.

Trên đây là tổng hợp các ý kiến chung liên quan đến các chủ thể tham gia quan hệ dân sự theo dự thảo bộ luật dân sự mới. Hi vọng trong một tương lai gần các quy định trong mỗi đạo luật sẽ đem lại những thay đổi tích cực, đồng bộ và thiết thực để đem lại hiệu quả thực sự về mặt quản lý nhà nước cũng như các chủ thể khi tham gia các giao dịch.

4/5 - (1 bình chọn)