Từ bản án cho đến thi hành án-Lý luận và thực tiễn

Đánh giá quan điểm: “Bản án, quyết định của Toà án như là “bản vẽ” hay là “bài lý thuyết” mang tính hướng dẫn còn việc tổ chức thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự là “ người thợ xây” hay là hoạt động đưa bài lý thuyết đó thực hành trên thực tế”.

Quá trình bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Việc giải quyết vụ việc dân sự tại Toà án tuy rất quan trọng nhưng thực ra mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong giai đoạn này, Toà án mới chỉ làm rõ các tình tiết của vụ việc dân sự và áp dụng các quy phạm pháp luật quyết định quyền và nghĩa vụ của các đương sự. Quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đã được Toà án quyết định muốn trở thành hiện thực thì phải thông qua việc thi hành án. Do vậy, đã có quan điểm cho rằng: “Bản án, quyết định của Toà án như là “bản vẽ” hay là “bài lý thuyết” mang tính hướng dẫn còn việc tổ chức thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự là “người thợ xây” hay là hoạt động đưa bài lý thuyết đó thực hành trên thực tế.

Để nhìn nhận tổng quát quan điểm này có thực sự khoa học hay không chúng ta phải đánh giá toàn diện cả về góc độ lý luận và góc độ thực tiễn.

Về góc độ lý luận, xét mối quan hệ pháp luật giữa Toà án và cơ quan Thi hành án dân sự, có thể khẳng định rằng thi hành án dân sự xuất phát và gắn liền với hoạt động xét xử của Toà án. Xét xử và thi hành án là hai mặt của quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Xét xử là tiền đề của thi hành án, không có xét xử thì không có thi hành án. Ngược lại, thi hành án tiếp nối với xét xử làm cho bản án, quyết định có hiệu lực trên thực tế nên có tác dụng củng cố kết quả xét xử. Do vậy, đối tượng thi hành án trước hết phải là các “bản vẽ”, hay “bài lý thuyết”- bản án, quyết định về dân sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay (Điều 2 Luật Thi hành án dân sự).

Nếu như ở một số nước trên thế giới (như Nhật Bản, Pháp…) thì Tòa án vừa là cơ quan xét xử lại vừa là cơ quan có quyền hạn và nhiệm vụ quản lý thi hành án và ra quyết định thi hành án thì ở Việt Nam lại khác, tuy giữa Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự có mối quan hệ pháp luật với nhau nhưng giữa hai cơ quan lại có sự độc lập tương đối. Trong Thi hành án dân sự, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét lại vụ việc dân sự, không ra quyết định giải quyết lại nội dung vụ việc dân sự mà chỉ áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm tổ chức thực hiện các quyết định trong Bản án, quyết định dân sự được đưa ra thi hành. Các hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thi hành án cũng chỉ nhằm thực hiện các Bản án, quyết định của Tòa án được đưa ra thi hành, không có mục đích làm sáng tỏ vụ việc như trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã dành riêng một điều luật quy định về nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định: “Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thi hành án”(Điều 4). Do đó, về góc độ lý luận, có thể nhận định “ iệc tổ chức thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự là “người thợ xây” hay là hoạt động đưa bài lý thuyết (bản án, quyết định của Tòa án) thực hành trên thực tế” là đúng.

Về góc độ thực tiễn, với cách nhìn nhận “việc tổ chức thi hành án dân sự của cơ quan Thi hành án dân sự là “người thợ xây” hay là hoạt động đưa bài lý thuyết (bản án, quyết định của Tòa án) thực hành trên thực tế” và hoạt động tác nghiệp của cơ quan Thi hành án dân sự sẽ không khó, bởi các phán quyết của Tòa án đều đã vạch sẵn đường đi, Chấp hành viên chỉ làm công tác tổ chức thi hành theo quyết định của bản án là xong. Nhận định trên là không sai nhưng chỉ đúng một phần vì thực tế các vấn đề tranh chấp dân sự thường diễn biến phức tạp qua nhiều giai đoạn nhưng khi xét xử Tòa án có thể chưa xem xét, cân nhắc để giải quyết một cách thấu đáo và đưa ra phán quyết phù hợp, làm cho hoạt động đưa “bản vẽ” hay “bài lý thuyết” đó ra tổ chức thi hành lại khó khăn, thậm chí không thể tổ chức thi hành được. Đó là một trong những lý do dẫn đến việc tồn đọng án của các cơ quan Thi hành án dân sự hiện nay, làm giảm hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

Đơn cử như Bản án số 03/HNGĐ- ST ngày 03/3/2008 của Tòa án nhân dân huyện A và Bản án số 21/HNGĐ- PT ngày 12/9/2008 của Tòa án nhân dân thành phố H đã tuyên:

– Giao cho chị Nguyễn Thị H sở hữu ½ ngôi nhà số 144 đường 2008 trên diện tích đất sử dụng 53,4m2 của thửa số 268 tờ bản đồ số 2 xã An Đồng, huyện A phía Bắc giáp đường 208 dài 2,25m; phía Nam giáp phần đất anh T chị H tự san lấp 2,2m; phía Đông giáp phần đất hộ anh P dài 24m; phía Tây giáp phần đất (nhà) giao cho anh T dài 24m.

– Giao cho anh Dương Văn T sở hữu ½ ngôi nhà số 144 đường 208 có diện tích đất sử dụng là 53,4m2 của thửa 268 tờ bản đồ số 2 xã An Đồng, huyện A Phía Bắc giáp đường 208 dài 2,25m; phía Nam giáp phần đất anh T chị H tự san lấp 2,2m; phía Đông giáp phần đất giao cho chị H dài 24m; phía Tây giáp phần đất hộ ông M dài 24m.

Trong quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện A nhận thấy bản án của Tòa án nhân dân thành phố H tuyên chia đôi nhà, nếu ngăn đôi thì một bên không có lối ra vào, bản án không tuyên ai là người mở cửa cho phần nhà mình được chia. Sau khi khảo sát, Chi cục Thi hành án dân sự huyện A thấy bản án không có cơ sở thi hành nên có công văn đề nghị Tòa án giải thích. Tại Công văn số 42 ngày 20/01/2009 Tòa án nhân dân thành phố H trả lời: “Đối với phần nhà được giao sau khi thực hiện nếu ngăn nhà thì người được giao muốn sử dụng phần nhà thuộc quyền sở hữu của mình thì phải tự tạo cửa để sử dụng”.

Trên thực tế phần nhà mà anh T được chia nếu ngăn nhà phải tạo cửa để sử dụng, anh T không tự nguyện việc ngăn nhà, chị H và các con chị đang cần thiết phải có chỗ vì không ở chung với anh T được (vì hai bên mâu thuẫn căng thẳng không thể ở chung nhà được). Ở cùng anh T còn có bố đã già, việc thi hành án phải tổ chức cưỡng chế để ngăn nhà, anh T không đồng ý ngăn nhà cho nên không thực hiện việc tạo cửa ra vào do vậy phần ngăn nhà của anh T sẽ không thực hiện được. Vì nếu ngăn nhà thì bố anh T và anh T không có lối ra vào, việc ăn ở và sinh hoạt của bố anh T không giải quyết được. Do vậy, cơ quan Thi hành án dân sự không có cơ sở để phá nhà tạo cửa cho anh T bởi trên thực tế bản án của Tòa án nhân dân thành phố H tuyên không có cơ sở thi hành.

Bản án trên là một trong những ví dụ điển hình trong việc Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành trên thực tế.

Như vậy, với những Bản án, quyết định của Tòa án “bản vẽ” hay “bài lý thuyết” không khách quan, không có tính khả thi nên khi đưa vào thực tế thì gặp khó khăn lớn trong việc thi hành. Bởi vậy, những “bản vẽ” hay “bài lý thuyết” không khách quan, không có tính khả thi đó dù có hiệu lực nhưng vẫn chỉ tồn tại trên giấy.

Tóm lại, từ những phân tích trên việc đưa ra quan điểm: “Bản án, quyết định của Tòa án như là bản vẽ hay là bài lý thuyết mang tính hướng dẫn, còn việc tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự là người thợ xây, hay là hoạt động đưa bài lý thuyết đó thực hành trên thực tế” là chưa chính xác, chưa khoa học bởi lý thuyết đúng sẽ đi vào thực tế nhanh, ngược lại lý thuyết không phản ánh đúng thực tế thì chậm đi vào thực tiễn, thậm chí có lúc không thể thực hiện trên thực tế được.

Nguồn: moj.gov.vn

Rate this post