Tại tiểu mục 2.2 Mục 2 phần IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Cùng với biên bản nghị án, bản án gốc phải được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án và được lưu vào hồ sơ vụ án. Trên cơ sở bản án gốc, Thẩm phán chủ toạ phiên toà thay mặt Hội đồng xét xử ký các bản án chính và Toà án thực hiện việc giao bản án theo quy định tại Điều 229 của Bộ luật tố tụng hình sự”.
Việc Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải hướng dẫn có bản án gốc và bản án chính là vì Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về việc giao bản án đã được sửa đổi, bổ sung, khác với quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 về việc giao bản án.
Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 thì chậm nhất là mười lăm ngày sau khi tuyên án, Tòa án phải giao bản sao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, gửi bản sao bản áncho những người bị xử vắng mặt và thông báo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc. Trong trường hợp xử vắng mặt bị cáo thì trong thời hạn nói trên bản sao bản án phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án. Nhưng theo quy định tại Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho người bị xử vắng mặt, cơ quan Công an cùng cấp; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc. Trong trường hợp xử vắng mặt bị cáo thì trong thời hạn nêu trên bản ánphải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án.
Như vậy, so với Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 thì Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có nhiều sửa đổi, bổ sung; nếu Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 chỉ quy định: Toà án gửi “bản sao bản án”, niêm yết “bản sao bản án” hoặc cấp “trích lục bản án hoặc bản sao bản án” thì Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Toà án phải gửi “bản án”, niêm yết “bản án” chỉ cấp “trích lục bản án hoặc bản sao bản án” cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ nếu họ yêu cầu.
Việc nhà làm luật sửa đổi, bổ sung quy định về việc giao bản án như Điều 299 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nhằm bảo đảm tính pháp lý của bản án; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng trong điều kiện hội nhập hiện nay, bản án không chỉ có giá trị pháp lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nước, mà còn phải có giá trị đối với các nước trên thế giới mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia các hiệp định tương trợ tư pháp. Thực tiễn cho thấy, đã có trường hợp đương sự trong vụ án được cấp bản sao bản án về việc Toà án xử cho ly hôn ra nước ngoài để làm căn cứ kết hôn (tái hôn) với người khác đã không được nước ngoài công nhận với lý do đó không phải là bản chính của bản án.
Trước đây, bản án chính là bản án có đầy đủ các chữ ký của Hội đồng xét xử (trừ quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao); có đóng dấu của Toà án nơi ra bản án. Trên cơ sở bản án chính này, Toà án có thể sao thành nhiều bản để gửi, niêm yết hoặc cấp cho các đối tượng theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988. Bản sao bản án không nhất thiết phải do chủ toạ phiên toà hoặc thành viên của Hội đồng xét xử ký, mà có thể một Thẩm phán khác hoặc người có chức danh pháp lý trong Toà án nơi xét xử vụ án đó ký cũng được. Về hình thức của bản án chính, có nơi là bản án viết tay, có nơi đánh máy và từ khi công nghệ thông tin phát triển thì bản án chính được viết bằng máy vi tính, chữ đẹp, giấy trắng thể hiện sự tiến bộ hơn hẳn bản án viết tay hoặc đánh máy trước đây. Như vậy, trước khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực thi hành, ngành Toà án đã từng bước hiện đại hoá việc viết bản án bằng máy vi tính; hầu như trong hồ sơ vụ án hiện này không còn xuất hiện những bản án viết tay nữa.
Nay Bộ luật tố tụng hình sự quy định Toà án phải gửi hoặc niêm yết bản án, chứ không được gửi bản sao bản án thì bản án mà Toà án gửi hoặc niêm yết phải là bản án chính. Về nguyên tắc, bản án chính phải là bản án có đầy đủ các chữ ký của Hội đồng xét xử và có đóng dấu Toà án, nhưng nếu tất cả các bản án chính gửi hoặc niêm yết đều phải có đủ các chữ ký của Hội đồng xét xử thì không thể thực hiện được trong điều kiện thành phần Hội đồng xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các Toà án nước ta hiện nay còn thiếu thốn. Thực tiễn xét xử cho thấy, trong quá trình chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà đã phải chuẩn bị dự thảo bản án (thường được viết bằng vi tính); căn cứ vào biên bản nghị án, chủ toạ phiên toà sửa chữa bản thảo của bản án (có thể sửa chữa bằng tay hoặc bằng vi tính), các thành viên của Hội đồng xét xử ký vào bản án đã được chỉnh sửa, rồi chủ toạ phiên toà căn cứ vào bản án đã được chỉnh sửa và đã có đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng xét xử để tuyên án (đọc công khai tại phòng xử án). Nếu coi bản án này là bản án chính thì về hình thức không bảo đảm tính nghiêm túc, vì nó sẽ “lem nhem” do phải sửa chữa trong quá trình xét xử, nhất là việc sửa chữa đó được thực hiện bằng tay và với nhiều loại mực khác nhau, còn về nội dung, nếu gửi bản án đó cho những người được nhận theo quy định tại Điều 299 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ là các bản án photocopy chứ không thể có hàng chục bản được, mà bản photocopy thì giá trị của nó không bằng bản sao bản án. Mặt khác, sau khi kết thúc phiên toà, chỉ có Thẩm phán chủ toạ phiên toà là có mặt thường xuyên ở trụ sở Toà án, còn Hội thẩm nhân dân thì họ lại trở về cơ quan, tổ chức, nơi thường trú mà họ công tác, sinh hoạt, làm sao có thể thường xuyên gặp họ để lấy chữ ký. Từ thực tiễn xét xử như vậy, nên Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định “bản án gốc” và “bản án chính”. Việc quy định bản án gốc và bản án chính không làm mất đi tính pháp lý của bản án mà còn phù hợp với thực tiễn xét xử.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, do không nhận thức đầy đủ vấn đề này, nên có một số ý kiến cho rằng, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định bản án gốc và bản án chính là trái với Bộ luật tố tụng hình sự, vì Bộ luật tố tụng hình sự không có điều luật nào quy định bản án gốc và bản án chính. Ngược lại, một số Toà án nhận thức về bản án gốc không đúng với tinh thần hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao nên đã quy định cho các Toà án trong địa phương mình phải viết tay bản án gốc chứ không được đánh máy hoặc vi tính, nếu đánh máy hay vi tính thì sẽ bị quy kết là “án bỏ túi”. Nhận thức như vậy, không chỉ phiến diện, mà còn tạo ra tâm lý luôn luôn lo sợ, phải đối phó với dư luận, không phát huy được tính sáng tạo, áp dụng tin học vào công tác xét xử nói chung và viết bản án nói riêng. Án bỏ túi, là một thuật ngữ nhằm ám chỉ mọi quyết định của Hội đồng xét xử đã được định sẵn không phụ thuộc vào diễn biến xét xử tại phiên toà như thế nào, một bản án có tính áp đặt từ trước, trái với quy định của pháp luật. Còn việc viết bản thảo bản án trước khi mở phiên toà là một trong những nhiệm vụ của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà. Từ trước tới nay chưa có Thẩm phán nào viết toàn văn bản án tại phiên toà cả; các nước theo luật “án lệ” và tố tụng “tranh tụng” Thẩm phán cũng phải viết bản án trước khi mở phiên toà. Trong các giáo trình giảng dạy môn luật tố tụng ở các trường đại học luật cũng như ở Học viện các chức danh tư pháp cũng đều dạy cho học viên là trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải chuẩn bị bản thảo bản án. Vấn đề không phải là viết lúc nào, viết bằng tay hay bằng vi tính, mà là nội dung của bán án đó như thế nào, có đúng pháp luật không. Nếu viết tại phiên toà mà bản án không phản ảnh đúng thực tế khách quan, không đúng quy định của pháp luật thì còn tệ hại hơn nhiều. Bản án là văn bản pháp lý có tính bắt buộc đối với người tham gia tố tụng; mọi cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức và cá nhân phải tôn trọng, không thể viết một cách vội vàng, cẩu thả được! Tại phiên toà Thẩm phán chủ toạ phiên toà còn rất nhiều việc phải làm như: điều khiển phiên toà, xét hỏi những người tham gia tố tụng, giữ gìn trật tự tại phiên toà, xử lý cách tình huống có thể sảy ra tại phiên toà… nên chỉ có thể sửa chữa bản dự thảo cho phù hợp với diễn biến phiên toà và quyết định của Hội đồng xét xử khi nghị án. Nếu quy định bản án gốc phải là bản án viết tay để cho rằng đó không phải là “án bỏ túi” thì càng không đúng, vì viết bằng tay hay viết bằng vi tính chỉ là một hình thức viết chưa phản ảnh nội dung; ai dám khẳng định rằng, bản án viết bằng tay thì không phải là án “bỏ túi !
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì bản án gốc là bản án được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án, chứ không quy định bản án gốc phải là bản án viết tay. Giá trị pháp lý của bản án gốc không phải là bản án được viết bằng máy vi tính hay viết bằng tay, mà ở chỗ bản án đó có được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án hay không. Một bản án gốc được viết bằng máy vi tính, rõ ràng, sạch sẽ, nội dung phản ảnh đúng thực tế khách quan, đúng pháp luật theo đúng mẫu hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án thì điều đó thể hiện trình độ, năng lực của Thẩm phán; việc Thẩm phán viết bản án như thế nào là do kỹ năng của họ; thực tế đã có trường hợp Thẩm phán chủ toạ phiên toà thức suốt đêm để viết bản án kịp cho sáng hôm sau tuyên án; có trường hợp sau khi nghị án, Thẩm phán chủ toạ phiên toà về phòng làm việc của mình tranh thủ mở máy vi tính để sửa bản án, sau đó trở lại phòng nghị án để các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký vào bản án, sau đó chủ tọa ra phòng xét xử tuyên án. v.v…Nếu ai đó còn nghi ngờ vào tính hợp pháp của bản án gốc thì yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, chứ không thể căn cứ vào việc Thẩm phán không sử dụng máy vi tính tại phiên toà mà có một bản án viết bằng máy vi tính tuyên đọc tại phòng xử án để quy chụp là “án bỏ túi” được.
Thạc sỹ: Đinh Văn Quế