1. Quy định của pháp luật về tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan
1.1. Theo quy định tại Điều 56 của Luật Sở Hữu Trí Tuệ, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả,
chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.
1.2. Hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan gồm những hoạt động sau:
Thực hiện việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được uỷ quyền;
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp.
1.3. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan như sau:
Thực hiện các hoạt động khuyến khích sáng tạo và các hoạt động xã hội khác;
Hợp tác với các tổ chức tương ứng của tổ chức quốc tế và của các quốc gia trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan;
Báo cáo theo định kỳ và đột xuất về hoạt động đại diện tập thể cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức đại diện được thành lập
Cùng với sự ra đời của Luật Sở Hứu Trí Tuệ, hiện nay, Việt Nam có 4 tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan gồm:
2.1. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam- VCPMC,
VCPMC là một tổ chức quản lý tập thể trong lĩnh vực âm nhạc, là một đơn vị trực thuộc Hội Nhạc Sỹ Việt Nam.
Trung tâm với nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm âm nhạc Việt nam làm cầu nối giữa người sử dụng và các tác giả âm nhạc.
2.2. Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam- VLCC,
VLCC là một Tổ chức quản lý tập thể trong lĩnh vực văn học, là một đơn vị trực thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam.
Trung tâm với nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả văn học Việt nam làm cầu nối giữa người sử dụng và các tác giả văn thơ.
2.3. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam- RIAV,
RIAV là tổ chức phí chính phủ, phi lợi nhuận, được thành lập năm 2003.
Nhiệm vụ chính của RIAV là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Nhà sản xuất băng đĩa âm thanh tại Việt Nam, tuân thủ theo các quy định của Pháp luật về Sở hữu trí tuệ.
2.4. Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam-VIETRRO.
VIETRRO là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí và chịu trách nhiệm trước pháp luật, đại diện theo ủy quyền cho các cá nhân, tổ chức trong việc quản lý tập thể quyền sao chép tác phẩm tồn tại dưới dạng ấn phẩm theo quy định của pháp luật, nhằm góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm, phổ biến các giá trị văn hóa, khoa học và nghệ thuật tới công chúng.