Số hiệu | 38/2008/KDTM-PT |
Tiêu đề | Bản án đồi bồi thường tài sản |
Ngày ban hành | 18/02/2008 |
Cấp xét xử | Phúc thẩm |
Lĩnh vực | Dân sự |
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI —————— Bản án số:38/2008/KDTM-PT Ngày 18/02/2008 V/v: đòi bồi thường tài sản | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TÒA PHÚC THẨM
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI
Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:
Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Ông Nguyễn Xuân Khôi;
Các Thẩm phán: Ông Phạm Tuấn Chiêm;
Ông Hà Tiến Triển.
Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Hoàng Thị Bích Hải, cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.
Ngày 18 tháng 02 năm 2006, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số17/2007/TLPT-KDTM ngày 24 tháng 4 năm 2007 về Đòi bồi thường tài sản do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số03/2007/KDTM-ST ngày 06-3-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa bị kháng cáo theo quyết định đưa vụ án ra xử số 96/2008/QĐPT ngày 21-01-2008 giữa các đương sự.
* Nguyên đơn: Ông Mai Văn Thi, sinh năm 1963;
Trú tại: xóm 4, xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa (có mặt).
* Bị đơn: Ông Nghiêm Xuân Hải, sinh năm 1960;
Trú tại: Xóm 1, xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa (có mặt);
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Trần Hoàng Lâm, luật sư của văn phòng luật sư Quốc Tín, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa (có mặt).
NHẬN THẤY
Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Tháng 6 năm 2005 ông Mai Văn Thi ký hợp đồng bán sản phẩm cói cho một đối tác ở Trung Quốc, thực hiện hợp đồng này, ông Thi đã mua gom sản phẩm và thuê ông Nghiêm Xuân Hải chủ tàu vận tải thủy biển kiểm soát TH-0433 chở hơn 144 tấn sản phẩm cói các loại sang Trung Quốc với giá cước trọn gói 260.000/tấn, khối lượng cụ thể để trả cước sẽ căn cứ vào xác nhận của bên mua khi nhận hàng, ông Thi có trách nhiệm tập kết hàng tại cảng Mộng Giường, Nga Sơn, Thanh Hóa, ông Hải có trách nhiệm xếp hàng xuống tàu và thực hiện tất cả những quy định của Nhà nước về kinh doanh vận tải thủy, mua bảo hiểm hàng hóa, nộp thuế vận chuyển, giao hàng…Ông Thi cử một người áp tải hàng là ông Dương Đình Oanh. Việc thỏa thuận giữa ông Thi và ông Hải trong đó có khối lượng hàng xếp xuống tàu không được lập thành văn bản. Sau khi xếp hết hàng, khoảng 13 giờ ngày 21-6-2005 tàu TH-0433 do ông Nguyễn Văn Thông làm thuyền trưởng rời bến. Khoảng 01 giờ ngày 22-6-2005, tàu TH-0433 bị đắm tại tọa độ 200 15’ vĩ bắc, 106058’ kinh đông thuộc vùng biển Trung Quốc, toàn bộ tàu và hàng hóa bị mất, không có thiệt hại về người.
Ngày 25-10-2005 ông Mai Văn Thi khởi kiện đề nghị Tòa án buộc ông Nghiêm Xuân Hải phải bồi thường toàn bộ số hàng bị mất là 144.527 kg cói lõi các loại, trị giá 1.132.254.000 đồng.
Ngày 19-01-2006 Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm, buộc ông Nghiêm Xuân Hải phải bồi thường cho ông Mai Văn Thi tiền thiệt hại về số hàng lõi cói là 477.440.000 đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Thi và ông Hải đều có kháng cáo bản án này.
Ngày 12-7-2006, Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội xử hủy quyết định của bản án sơ thẩm để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại (Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số137/2006/KDTM-PT).
Tại bản án số03/2007/KDTM-ST ngày 06-3-2007, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng điểm k khoản 1 ĐIều 29, khoản 1 ĐIều 34 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 535, 536, 539, 305 Bộ luật dân sự năm 2005 xử buộc ông Nghiêm Xuân Hải phải bồi thường cho ông Mai Văn Thi toàn bộ 144.527 kg cói các loại, trị giá 1.132.254.000 đồng. Ông Hải phải nộp 28.132.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại ông Thi tiền tạm ứng án phí sơ thẩm.
Ngày 11-3-2007, ông Mai Văn Thi kháng cáo toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm, ông cho rằng:
– Ông không chở hàng cho ông Thi vì không có văn bản, chứng từ gì về việc giao nhận và vận chuyển thuê.
– Ở thời điểm đó, ông Thi và doanh nghiệp Thảo HIền do bà Mai Thị Hiền vợ ông làm giám đốc cùng hỏi thuê tàu TH-0433, vì tàu của chung 4 người, mỗi người một ý nên cuối cùng thống nhất cho doanh nghiệp Thảo HIền thuê; ông Thi có xếp một số hàng xuống tàu nhưng giữa ông Thi và doanh nghiệp Thảo Hiền thỏa thuận mua bán hay vận chuyển thuê như thế nào, ông không biết. Ông còn cho rằng tàu của ông không thể chở hết hơn 144 tấn hàng.
Tại phiên tòa hôm nay, ông Hải không nhận có chở hàng thuê cho ông Thi, ông không phải bồi thường. Luật sư Trần Hoàng Lâm bảo vệ quyền lợi cho ông Mai Văn Thi đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung khởi kiện của ông Thi, giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
XÉT THẤY
Theo trình bày của những người bán hàng cói cho ông Thi:
– Ông Mai Văn Hiếu có giấy xác nhận đã bán cho ông Thi 14.172 kg cói lõi xuôi 3,1 ly với giá 5.200/kg, thành tiền là 73.694.000 đồng (bút lục 29, ngày 01-02-2007).
– Ông Nguyễn Văn Điền viết giấy xác nhận có bán cho ông Thi 4109 kg cói lõi ngược 2,5 ky x 9000 đ/kg = 36.981.000 và 7524 kg cõi lõi ngược 3,5 ky x 5500 đ/kg = 41.382.000 đồng, cộng hai loại 11.633 kg với số tiền là 78.363.000 đồng, thời điểm bán là các ngày 17, 18-6-2005 (bút lục 70).
– Ông Vũ Văn Tinh xác nhận có bán cho ông Thi 35.570 kg cói lõi ngược 2,5 ly x 9000 đ/kg = 320.130.000 đồng cào ngày 12-6-2005 (bút lục 68).
– Ông Mai Văn Bảo xác nhận có bán cho ông Thi 25.185 kg cõi lõi ngược 2,5 ly x 9000 đ/kg = 226.665.000 đ, thời điểm bán 15-6-2005 (bút lục số 71).
– Ông Mai Sỹ Quyết xác nhận có bán cho ông Thi 14.687 kg cói chẻ tư x 7500 đ/kg = 107.808.000 đ, thời điểm bán 10-6-2005 (bút lục 72).
– Ông Trần Ngọc Thuận xác nhận có bán cho ông Thi 8478 kg cói 3 ly ngược 2,5 ly x 9000 đ/kg = 163.413.000 đ, thời điểm bán 12-6-2005 (bút lục số 75).
– Ông Lưu Xuân Phòng xác nhận có gửi ông Thi 10.500 kg cói đẻ ông Thi nhập cùng với số hàng của ông Thi cùng một chuyến bán cho đối tác ở Trung Quốc.
Như vậy, nếu theo các xác nhận của những người trên, thì tổng số cói các loại mà ông Thi có ở thời điểm trước 20-6-2006 là 144.582 kg.
Theo xác nhận của những người vận chuyển số hàng trên từ nơi lấy hàng đến bến tàu:
– Ông Phạm Văn Bắc, lái xe BKS 36L-9174 xác nhận có chở cho ông Thi 5 chuyến = 27.027 kg cói các loại từ nhà anh Hiền (ở Nga Tân), từ kho của ông Thi và từ nhà ông Đăng (ở Nga Tiến) ra bến vào các ngày 20 và 21 -6-2005; tất cả số hàng này ông Bắc đều giao cho ông Hải là chủ tàu nhận (bút lục 20,22).
– Ông Trịnh Xuân Nhuần, lái xư ô tô BKS 36L-5287 xác nhận có chở cho ông Thi 8 chuyến = 35.000 kg vào các ngày 19, 20,-6-2005 (bút lục 21) và chở cho ông Phòng 3 chuyến = 10.500 kg cói lõi xuôi 3,1 ly từ nhà anh Hiếu ra bến (bút lục 82), tất cả đều giao cho ông Hải là chủ tàu TH 0433 nhận. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 06-3-2007 ông Nhuần khai như đã xác nhận trước đây, ông còn khai: “…Ra đến đây (phiên tòa) chúng tôi mới biết có doanh nghiệp Thảo Hiền…”.
– Ông Phạm Quốc Hùng xác nhận có chở cho ông Thi 12 chuyến hàng cói từ kho nhà ông thi ra bến tàu vào các ngày 19, 20, 21-6-2005 tất cả là 72.000.000kg, đều giao cho ông Hải (tại phiên tòa sơ thẩm ngày 06-3-2007 ông Hùng khẳng định không có ai chở hàng cho doanh nghiệp Thảo Hiền, chỉ chở cho ông Thi… tàu hàng đó của ông Hải chỉ có 3 anh em chúng tôi chở…”, bút lục 127).
Như vậy, theo xác nhận của 3 người vận chuyển thì tổng số cói của ông Thi là 144.527 kg.
Theo lời khai của những người xếp hàng xuống tàu:
Ông Phạm Văn Hoàng viết giấy xác nhận vào ngày 28-6-2005 (bút lục 18), ngày 02-01-2007 (bút lục 23) và tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, ông Hoàng khẳng định: tổ bốc hàng của ông gồm 10 người, vào các ngày 19, 20-6-2005 có nhận bốc khoảng 144 tấn hàng cói lõi xuống tàu TH-0433 của ông Hải; số hàng này của ông Thi, do ông Oanh đại diện cho ông Thi giao cho ông Hải chỉ huy vận chuyển; tiền công bốc xếp là 1.200.000 đ do ông Hải chủ tàu chi trả cho tổ.
Về khối lượng hàng, đối chiếu giữa bản án sơ thẩm với lời khai của những người bán và chở hàng cho ông Thi có sự chênh lệch, cụ thể như sau:
– Loại cói lõi xuôi 3,1 ly, bản án sơ thẩm ghi là 26.507 kg, nhưng theo lời khai của người bán là ông Mai Văn Hiếu xác nhận bán cho ông Thi 14.172 kg, lời khai của ông Trịnh Xuân Nhuần xác nhận có chở cho ông Phòng 10.500 kg từ nhà ông Hiếu ra bến. Như vậy, khối lượng cói lõi xuôi 3,1 ly chỉ có 24.672 kg chứ không phải là 26.507 kg như khởi kiện của ông Thi và kết luận của Tòa án cấp sơ thẩm.
– Loại cói lõi ngược 2,5 ly: án sơ thẩm ghi là 83.000 kg nhưng theo lời khai của những người bán là 83.021 kg chênh lệch 21 kg, quy tiền là 189.000 đ.
– Loại cói lõi ngược 3,5 ly: án sơ thẩm ghi là 11.855 kg; nhưng theo lời khai của người bán là 13.724 kg, chênh lệch 1.869 kg thành tiền là 10.279.500 đ.
Hai loại cói trên thừa ra, ông Thi bị thiệt nhưng không kháng cáo, cho nên Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên khối lượng mà tòa sơ thẩm đã xác định.
Theo hồ sơ đăng kiểm và biên bản làm việc giữa Chi cục đăng kiểm số 12 tỉnh Thanh Hóa với TAND tỉnh Thanh Hóa ngày 17-8-2007 thì tàu TH -0433 của ông Hải có hầm chở hàng dung tích 142 m3 , nếu chở loại hàng này thì không thể xếp đủ khối lượng 144 tấn trong hầm hàng của tàu mà phải xếp hàng lên mặt boong tàu. Thực tế thì khi vận chuyển loại hàng này ở địa bàn Nga Sơn, Thanh Hóa cả chủ hàng và chủ tàu vẫn xếp hàng lên mặt boong tới mức có thể, miễn là không làm cản trở tầm nhìn của người điều khiển tàu (có ảnh minh họa). Cũng theo cách tính toán của Hội đồng định giá (do TAND tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập theo ủy thác của TADN Tối cao) thì Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định với khối lượng là 142.692 kg có thể tích khoảng 432,844 m3 ; trong đó, xếp ở dưới hầm hàng được 142 m3 còn 290,844 m3,với cách xếp thông thường, hoàn toàn có thể xếp trên mặt boong và trên nóc buồng lái vì tàu có chều dài 32,5 m, rộng 5,75 m (như ảnh minh họa). Phương pháp xác định thể tích của mỗi loại hàng để tính khối lượng góp phần làm rõ hơn và có căn cứ tính giá lời khai của những người bán hàng và chở hàng cho ông Thi là khách quan, qua đó chấp nhận nội dung khởi kiện của ông Thi và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cơ bản là có căn cứ; sự giảm về khối lượng như tính toán ở trên, ông Thi phải chịu khi mà hai bên không lập văn bản, chứng từ vận chuyển.
Từ những căn cứ ở trên, Hội đồng xét xử xác định ông Mai Văn Thi đã thuê ông Nghiêm Xuân Hải chở cói các loại từ cảng Mộng Giường, Nga Sơn, Thanh Hóa sang Trung Quốc với khối lượng như sau:
1. Cói lõi xuôi 3,1 ly: 24.672 kg x 52.000 đ/kg = 128.294.400 đ.
2. Cói lõi ngược 2,5 ly: 83.000 kg x 9000 đ/kg = 747.000.000 đ.
3. Cói lõi ngược 3,5 ly: 11.855 kg x 5500 đ/kg = 65.202.500 đ.
4. Cói lõi ngược 3 ly: 8.478 kh x 8500 đ/kg = 72.063.000 đ.
5. Cói chẻ tư: 14.687 kg x 7500 đ/kg = 110.152.500 đ.
Tổng cộng 142.692 kg = 1.122.712.400 đ.
Theo kết quả xác minh tại Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thì bào khoảng thời gian 01h ngày 22-6-2005 ở vùng biển có tọa độ 200 15’ N – 1060 58 E không có bão, lốc xoáy. Điều này cũng phù hợp với xác nhận ban đầu của anh Nguyễn Văn Thông thuyền trưởng, anh Trịnh Trường Giang thuyền viên không nói gì đến việc tàu bị đắm do lốc xoáy mà chỉ nói: “1 giờ 30 phút ngày 22-6-2005 thì tàu bị nước ngập buồng lãi, phụt khói đen ra và chết máy, tàu từ từ chìm…” (bút lục số 19, 33). Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ chấp nhận ý kiến của ông Hải và ý kiến của anh Thông sau này về việc tàu bị đắm do lốc xoáy.
Cũng theo trả lời của Chi cục đăng kiểm số 12 tỉnh Thanh Hóa thì tàu TH-0433 của ông Hải chỉ được phép họa động ở vùng sông SII, đã quá hạn đăng kiểm từ 12-02-2004, không được phép chạy ra biển và càng không được phép chạy sang vùng biển Trung Quốc. (Công văn số 025/CC12 ngày 13-8-2007).
Từ những chứng minh ở trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định nguyên nhân đắm tàu không phải do thiên tai mà do tàu của ông Hải không phải là tàu đi biển, không đảm bảo bảo điều kiện kỹ thuật để vận hành, đã quá hạn đăng kiểm theo quy định, nhưng ông Hải vẫn sử dụng tàu để kinh doanh vận tải, dẫn đến thiệt hại về tài sản cho cả ông và ông Thi; nguyên nhân dẫn đến thiệt hại hoàn toàn do lỗi của ông Hải là người kinh doanh vận tải thủy nhưng cố ý không tuân thủ những quy định về vận tải đưởng thủy nội địa, vận tải đường biển; do đó, ông Hải phải bồi thường toàn bộ thiệt hại hàng hóa cho ông Thi với khối lượng 142.692 kg cói các loại, tổng cộng là 1.122.712.400 đ. Trong quá trình giải quyết vụ án, lúc thì ông Hải khai rằng ông cho ông Thi mượn tàu, lúc thì ông khai cho doanh nghiệp Thảo Hiền (do vợ ông làm Giám đốc) thuê tàu, còn ông Thi hợp đồng vận tải với doanh nghiệp Thảo Hiền như thế nào ông không biết… Chính sự thiếu nhất quán này của ông Hải đã cho thấy sự không khách quan của ông Hải nhằm thoái thác trách nhiệm dân sự của mình trước yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về tài sản của ông Thi.
Riêng số tiền cước vận chuyển, Hội đồng xét xử sẽ áp dụng Điều 538 Bộ luật dân sự, buộc ông Thi phải trả ông Hải số tiền cước vào thời điểm toàn bộ số hàng được chuyển lên tàu, cụ thể là 142.692 kg x 260.000 đ/1000 kg = 37.099.920 đ. Số tiền này sẽ được trừ vào số tiền mà ông Hải phải bồi thường cho ông Thi.
Về án phí, vì có sự thay đổi khối lượng hàng và ông Thi phải trả tiền cước vận chuyển cho ông Hải nên Hội đồng xét xử sẽ giảm án phí sơ thẩm cho ông Hải và buộc ông Thi phải chịu án phí sơ thẩm ở phần tiền cước vận chuyển; ông Hải và ông Thi không phải chịu án phí phúc thẩm, kể cả tiền tạm ứng án phí phúc thẩm do hai ông kháng cáo bản án sơ thẩm trước đây vì bản án này đã bị hủy.
Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 2 Điều 275 Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của ông Nghiêm Xuân Hải, sửa quyết định của bản án sơ thẩm như sau:
– Áp dụng các Điều 535, khoản 1 Điều 536, khoản 2 Điều 538, khoản 1 Điều 546, Điều 305 Bộ luật dân sự, xử buộc ông Nghiêm Xuân Hải phải bồi thường cho ông Mai Văn Thi số tài sản bị thiệt hại và 142.692 kg cói các loại trị giá 1.122.712.400 đ.
Ông Mai Văn Thi phải trả ông Nghiêm Xuân Hải tiền cước vận chuyển số hàng trên là 37.099.920 đ.
Đối trừ, ông Hải còn phải trả ông Thi số tiền là 1.085.612.480 đ.
– Ông Hải phải nộp 28.122.712 đ án phí sơ thẩm dân sự. Ông Hải không phải nộp án phí phúc thẩm dân sự đã nộp tại cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa theo biên lai thu tiền số 000270 ngày 13-3-2007 và 200.000 đ theo biên lai thu tiền số 18885 ngày 26-01-2006.
– Ông Thi phải nộp 1.854.996 đ án phí sơ thẩm dân sự. Trả lại ông Thi 500.000 đ tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp tại cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa theo biên lai thu tiền số 09601 ngày 02-11-2005 và 200.000 đ tạm ứng án phí kháng cáo theo biên lai thu tiền số 18884 ngày 25-01-2006.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, không bị cải sửa có hiệu lực kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
CÁC THẨM PHÁN
Phạm Tuấn Chiêm Hà Tiến Triển
(Đã ký) (Đã ký)
THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
Nguyễn Xuân Khôi
(Đã ký)