Giải quyết tranh chấp phát sinh trong bảo lãnh ngân hàng
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, điều đó đòi hỏi các ngân hàng không ngừng nâng cao năng lực hoạt động của mình để đứng vững cũng như cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Dịch vụ bảo lãnh của ngân hàng không chỉ có vai trò quan trọng đối với hoạt động của ngân hàng nói riêng mà còn có vai trò thúc đẩy nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được nhất định trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng thì vẫn còn những tranh chấp phát sinh từ hoạt động này. Vậy phương thức để giải quyết các tranh chấp này như thế nào? Để hiểu rõ hơn về các phương thức này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Nghị định 22/2017/NĐ-CP
Bộ luật dân sự 2015
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động bảo lãnh ngân hàng là gì?
Giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng là quá trình các bên thương lượng, hòa giải hoặc đưa ra trọng tài, tòa án để giải quyết những tranh chấp, bất đồng phát sinh từ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng.
2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp
Tranh chấp phát sinh từ hoạt động bảo lãnh ngân hàng là những tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, vì vậy giải quyết tranh chấp trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng cần đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự. Các bên tranh chấp có quyền tự định đoạt lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp thích ứng. Tòa án chỉ tham gia giải quyết nếu các đương sự yêu cầu.
Việc giải quyết các tranh chấp trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng dựa trên nguyên tắc quan trọng là quyền tự định đoạt của các bên. Cơ quan nhà nước và trọng tài thương mại chỉ can thiệp theo yêu cầu của các bên tranh chấp
3. Phương thức giải quyết tranh chấp
Cũng giống như các loại tranh chấp hợp đồng khác, tranh chấp phát sinh trong bảo lãnh ngân hàng có thể giải quyết bằng các phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án theo quy định của pháp luật. Không có quy định cụ thể của pháp luật về việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải được thực hiện theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại.
3.1. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Cho đến nay, chưa có quy định nào bắt buộc phải giải quyết tranh chấp phát sinh trong bảo lãnh ngân hàng bằng Trọng tài, mà chỉ là quy định các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như Luật thương mại năm 2005, Luật doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020,… Các bên có thể chỉ thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng. Trường hợp các bên vừa có thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng Toà án thì có quyền khởi kiện ra trước một trong hai bên Trọng tài hoặc Toà án giải quyết theo quy định tại khoản 4, Điều 2 về “Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài, Toà án theo quy định Luật Trọng tài thương mại”, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán, TANDTC “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại”.
3.2 Giải quyết tranh chấp bằng Toà án:
Việc giải quyết tranh chấp bằng Toà án không phụ thuộc vào việc thoả thuận của các bên. Luật quy định, Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, hoặc có trụ sở có thẩm quyền giải quyết, trừ trường hợp các bên có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toá án nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn giải quyết tranh chấp theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 39 về “Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ”, BLTTDS năm 2015.
Riêng đối với Toà kinh tế thì khác với thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài là chỉ giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận, theo quy định tại khoản 1, Điều 30 về “Những tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án”, BLTTDS năm 2015
4. Thực tiễn giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Việt Nam
Tranh chấp liên quan đến vấn đề bảo lãnh vay vốn cũng thường xuyên xảy ra nhưng ít phức tạp. Các tranh chấp loại này thường xuất phát do bên bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết với bên nhận bảo lãnh là các tổ chức tín dụng (TCTD) do các nguyên nhân khác nhau. Trên thực tế, các ngân hàng đã nhận thế chấp nhiều tài sản, như: giấy tờ nhà đất, phương tiện vận tải… của cá nhân, tổ chức (bên thứ ba) để đảm bảo cho khoản vay của một DN. Tùy từng ngân hàng có thể xác lập Hợp đồng thế chấp hoặc Hợp đồng bảo lãnh để ràng buộc trách nhiệm trả nợ của con nợ và bên bảo lãnh. Khi phát hành hay nhận chứng thư bảo lãnh, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đối mặt với rủi ro không thu hồi được tiền và tranh chấp kéo dài.
Thứ nhất, rủi ro đến từ điều kiện thanh toán của bảo lãnh không khả thi. Nhiều trường hợp chứng thư bảo lãnh yêu cầu bên nhận bảo lãnh phải gửi hồ sơ chứng minh bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ. Điều khoản như trên thường dẫn tới bế tắc cho cả 3 bên: ngân hàng, khách hàng bên thụ hưởng bảo lãnh và khách hàng bên được bảo lãnh. Ngay cả khi bên thụ hưởng bảo lãnh cung cấp hồ sơ đầy đủ và yêu cầu thanh toán bảo lãnh, thì bên được bảo lãnh cũng cho rằng, họ chưa vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trong khi đó, cơ quan duy nhất có thể đưa ra phán quyết họ có vi phạm hay không là tòa án. Nếu chỉ dừng ở mức tranh chấp giữa 2 bên, ngân hàng không thể biết được có vi phạm hay không. Nếu không được khách hàng chấp nhận là đã vi phạm, thì ngân hàng không thể thực hiện thanh toán bảo lãnh, bởi sau đó ngân hàng sẽ không thể buộc khách hàng nhận nợ được. Như vậy, ngân hàng tự đưa mình vào thế khó, thanh toán bảo lãnh thì không đòi nợ khách hàng được, mà không thanh toán bảo lãnh thì bên thụ hưởng sẽ đòi tiền và dễ dẫn đến tranh chấp, khiếu nại.
Do đó, các ngân hàng có kỹ năng nghiệp vụ tốt thường phát hành bảo lãnh vô điều kiện, tức là chỉ cần nhận được văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì ngân hàng lập tức thanh toán cho bên thụ hưởng. Sau đó, ngân hàng buộc khách hàng nhận nợ, nếu không trả được nợ thì xử lý tài sản. Nội dung này thường được ngân hàng đưa vào hợp đồng cấp bảo lãnh ký với khách hàng. Cách làm này vừa bảo đảm việc thông suốt trong quan hệ bảo lãnh, vừa tôn cao uy tín ngân hàng, vì việc thanh toán đúng hạn.
Thứ hai, Rủi ro mà ngân hàng và doanh nghiệp gặp phải là người ký phát không đúng thẩm quyền. Về nguyên tắc, pháp luật chỉ khống chế hai nội dung cơ bản liên quan đến thẩm quyền mà người tham gia giao dịch buộc phải biết. Rủi ro người ký phát không đúng thẩm quyền thường rơi vào trường hợp người ký không phải là đại diện theo pháp luật, không được người đại diện ủy quyền, phân cấp hoặc giao dịch có giá trị quá lớn. Do đó, bên phát hành bảo lãnh có quyền viện dẫn pháp luật để từ chối bảo lãnh.Việc ký kết không đúng thẩm quyền thường xuất phát từ dấu hiệu cố ý làm trái để thu lợi bất chính đối với cán bộ ngân hàng. Đây là vụ việc đang được cơ quan công an điều tra ở một ngân hàng nhà nước lớn, trong đó giám đốc chi nhánh đã ký kết nhiều hợp đồng bảo lãnh không thực hiện đúng quy trình, hồ sơ nghiệp vụ, có khả năng vượt quá thẩm quyền.
Thứ ba, rủi ro tiếp theo trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng là bị làm giả chữ ký, con dấu giả mạo người có thẩm quyền của bên phát hành bảo lãnh. Ngân hàng cho vay và nhận bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng, nhưng chữ ký, con dấu của ngân hàng bạn bị làm giả. Người ký không có thật, dấu chưa từng đóng. Cũng có trường hợp, chữ ký thật, con dấu thật, nhưng thực tế người ký và con dấu đóng tại thời điểm cá nhân đó không có thẩm quyền ký. Nguyên nhân của các trường hợp này đều do ngân hàng nhận bảo lãnh chủ quan, làm tắt quy trình, không xác nhận lại với ngân hàng bạn về chứng thư bảo lãnh được làm trước.
5. Nguyên nhân phát sinh tranh chấp
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động này đang gặp không ít những khó khăn, bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây Luật Phamlaw sẽ chỉ ra một số nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Đây là các tranh chấp phát sinh khi Nhà nước cấp giấy phép hoạt động, hoặc trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo lãnh ngân hàng của NHTM.
Thứ hai, tranh chấp phát sinh trong quá trình NHTM thực hiện hoạt động bảo lãnh trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây lắp, đó là các tranh chấp phát sinh khi thực hiện hợp đồng bảo lãnh trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây lắp, hợp đồng cấp bảo lãnh trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây lắp. Đây là nhóm tranh chấp phổ biến trong hoạt động bảo lãnh trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây lắp.
Thứ ba, Một số nguyên nhân dẫn đến tranh chấp này như: Tranh chấp phát sinh do xung đột lợi ích giữa các chủ thể; Tranh chấp phát sinh do lạm dụng con dấu, ký không đúng thẩm quyền; Tranh chấp do bên bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết; Tranh chấp phát sinh do bên nhận bảo lãnh làm giả hồ sơ đề nghị thanh toán bảo lãnh; Tranh chấp phát sinh do làm giả chứng thư bảo lãnh.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong bảo lãnh ngân hàng, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.