1/ Về thời hạn giải quyết phúc thẩm
Theo Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự về “Thời hạn xét xử phúc thẩm
Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên toà phúc thẩm trong thời hạn sáu mươi ngày; Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
Chậm nhất là mười lăm ngày trước ngày mở phiên toà, Toà án cấp phúc thẩm phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm xét xử phúc thẩm vụ án.”
Như vậy, nếu Tòa án tỉnh/thành phố xử phúc thẩm bản án sơ thẩm của Tòa án quận/huyện thì thời hạn mở phiên tòa phúc thẩm là 60 ngày; Nếu Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xử phúc thẩm bản án sơ thẩm của Tòa tỉnh/thành phố thì thời hạn là 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
Ngày nhận hồ sơ vụ án là ngày mà Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ lên Tòa cấp trên để xem xét.
Điều 255 BLTTHS. Gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị
Toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Toà án cấp phúc thẩm trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày:
1. Hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, nếu người kháng cáo không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm;
2. Người kháng cáo nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
2/ Nếu sau khi tuyên án sơ thẩm hoặc giao bản án, trong thời hạn luật định (15 ngày kháng cáo và kháng nghị của VKS cùng cấp; 30 ngày đối với VKS cấp trên) nếu không có kháng cáo, kháng nghị thì bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật. Hồ sơ sẽ không chuyển lên cấp trên.
Theo Điều 231 BLTTHS thì “Những người có quyền kháng cáo
Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
Người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
Người được Toà án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.”