Kháng cáo bản án sơ thẩm vụ án hình sự

Kháng cáo bản án sơ thẩm vụ án hình sự

Công ty Luật Phamlaw cho tôi xin hỏi:

Vừa qua, cháu tôi bị TAND huyện xử phạt hai năm tù về tội cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa, vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị với Hội đồng xử án xử phạt cháu tôi từ 2 – 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Trong phần tranh luận trước Tòa, vị luật sư bào chữa cho cháu tôi cũng đã nêu lên hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội của cháu (cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ) và nêu các tình tiết giảm nhẹ cũng như đề nghị Tòa án xử phạt án treo. Cuối cùng, Tòa án vẫn xét xử 2 năm tù giam (cháu tôi lúc phạm tội chỉ mới 16 năm 2 tháng tuổi, lúc xét xử vừa đúng 16 tuổi rưỡi). Với tư cách là người giám hộ, tôi muốn chống án lên Tòa án cấp trên xét xử lại nhẹ hơn. Tôi nghe nói, chống án thì Tòa án cấp trên có thể sẽ xử nặng hơn (Vì ở nơi tôi cư trú cũng đã có trường hợp chống án bị xử nặng hơn), xin chỉ dẫn giùm tôi.

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Chào bạn, với trường hợp trên của bạn Phamlaw xin được tư vấn cho bạn như sau:

Bản án, quyết định sơ thẩm mặc dù đã dựa vào những chứng cứ, tài liệu được tranh tụng công khai, minh bạch tại phiên tòa và các quy định của pháp luật nhưng do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan thì bản án, quyết định sơ thẩm vẫn có thể có những thiếu sót, sai lầm. Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức đồng thời khắc phục những sai lầm có thể có trong các bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thì pháp luật tố tụng cho phép đương sư có quyền kháng cáo.

Căn cứ theo Điều 331 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì người có quyền kháng cáo (chống án) gồm:

“1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.”

Với quy định này thì bạn (người giám hộ của cháu bạn) có quyền kháng cáo (chống án) vụ án hình sự của cháu bạn theo khoản 1 Điều trên.

Thời hạn kháng cáo: theo Điều 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì:

Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.

Sở dĩ có quy định này bởi lẽ pháp luật muốn người có quyền kháng cáo không được ỷ lại mà  phải kháng cáo trong thời gian cho phép để không làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án cũng như những tình tiết, chứng cứ liên quan đến vụ án hình sự có thể bị mất. Như vậy, từ khi Tòa án ra bản án sơ thẩm vụ án hình sự đến hết thời hạn kháng cáo thì bản án sơ thẩm này sẽ không có hiệu lực pháp luật và người có quyền kháng cáo sẽ được kháng cáo bản án sơ thẩm đó.

Thủ tục tiếp nhận và xử lý đơn kháng cáo

Bước 1: Người có quyền kháng cáo nộp đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm. Trong đó, nội dung đơn kháng cáo bao gồm:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo
  • Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo
  • Lý do và yêu cầu của người kháng cáo
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo

     Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.

Bước 2: Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung

Theo quy định của luật và trường hợp của cháu bạn như trên thì:

– Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại bản án sơ thẩm có kháng cáo (nếu như Viện Kiểm sát không kháng nghị bản án sơ thẩm theo hướng nặng hơn; người bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại không kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo…) thì Tòa án cấp phúc thẩm xét xử y án sơ thẩm hoặc giảm nhẹ hình phạt, nghĩa là không xấu hơn tình trạng của bị cáo.

– Trường hợp cụ thể của cháu bạn thì tại phiên Tòa sơ thẩm, vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng xét xử tuyên phạt tù giam; trong những trường hợp cụ thể này thì thông thường Viện Kiểm sát sẽ không kháng nghị theo hướng tăng nặng.

– Việc Tòa án cấp phúc thẩm có giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho cháu anh/chị còn phải căn cứ vào nhân thân của cháu anh/chị( có tiền án, tiền sự gì không…),  Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cháu anh/chị ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo… và chủ động khắc phục hậu quả đối với người bị hại hay không.?

– Hơn nữa, hiện cháu bạn đang dưới 18 tuổi, do vậy Nhà Nước sẽ có chính sách về việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Do vậy, bạn có thể làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét để quyết định hình phạt nhẹ hơn cho cháu bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw đối với câu hỏi  về Kháng cáo bản án sơ thẩm vụ án hình sự”. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Xem thêm: >>> Áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự như thế nào?

5/5 - (1 bình chọn)