Hiểu thế nào phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng?

Báo Pháp Luật TP.HCM đã từng có bài đăng (ngày 15/7/2011) có bài “Tòa chỏi nhau về trường hợp ít nghiêm trọng”, phản ánh chuyện Lý Thanh Đạm to tiếng chửi bới, rượt đánh một hàng xóm, công an can thiệp, Đạm vẫn chửi bới thô tục nạn nhân. Bỏ về rồi, chưa hả giận, Đạm tiếp tục quay lại chửi bới. Sáng hôm sau, Đạm còn đến đập phá đồ đạc của nạn nhân, mắng mỏ.

Tháng 6-2010, TAND huyện Long Mỹ (Hậu Giang) xử sơ thẩm đã nhận định Đạm phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên tuyên chín tháng tù về tội làm nhục người khác. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang lập luận chỉ người nào xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì mới cấu thành tội làm nhục theo Điều 121 BLHS. Do vậy, cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là không đúng. Từ đó, tòa tăng hình phạt đối với Đạm lên 12 tháng tù

Trước hết cần khẳng định “tội phạm ít nghiêm trọng” và “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” không phải là một: “Tội phạm ít nghiêm trọng” là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến ba năm tù (khoản 3 Điều 8 BLHS). Còn “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cũng là trường hợp gây nguy hiểm không lớn cho xã hội nhưng không phụ thuộc vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy mà phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra.

Đến nay, chưa có hướng dẫn chính thức của các cơ quan tố tụng trung ương xác định thế nào là “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Thực tiễn xét xử, các tòa chủ yếu áp dụng tình tiết này đối với tội phạm ít nghiêm trọng. Mặc nhiên bị cáo nào phạm tội lần đầu mà tội phạm đó là tội phạm ít nghiêm trọng thì được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

Việc áp dụng này không phù hợp về lý luận vì trong BLHS có một số tội không phải là tội phạm ít nghiêm trọng nhưng nhà làm luật vẫn có quy định tình tiết “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Ví dụ: Khoản 2 Điều 80 (tội gián điệp), khoản 2 Điều 86 (tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội)… Tuy nhiên, đối với các tội phạm này, tình tiết “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đã là tình tiết định khung hình phạt rồi nên cũng không còn là tình tiết giảm nhẹ nữa.

Việc đánh giá một hành vi phạm tội có thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hay không phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi đó.

Căn cứ vào nội dung vụ án mà báo đã nêu, trường hợp phạm tội của Đạm thể hiện tính hung hãn. Tòa sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” rõ ràng không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi do Đạm thực hiện. Tòa phúc thẩm xác định Đạm phạm tội không thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là chính xác. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã hiểu sai về pháp luật khi nhận định rằng tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự là “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác” thì người phạm tội không thể nào thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Bởi lẽ tình tiết “xúc phạm nghiêm trọng” là yếu tố định tội trong tội làm nhục người khác chẳng liên quan gì đến tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 BLHS.

2.7/5 - (4 bình chọn)