GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP LÀ GÌ?
Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đến tất cả mọi mặt của cuộc sống, không chỉ đảm bảo quyền lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn bảo vệ được quyền lợi cho những chủ thể khác khi tham gia vào hoạt động kinh doanh. Để biết một doanh nghiệp mới được thành lập hợp pháp thì phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vậy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là gì? Để hiểu rõ hơn về khái niệm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật doanh nghiệp 2020;
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là gì?
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thực chất là một loại văn bản mang tính chất pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cho phép hoặc đồng ý để một chủ thể kinh doanh (cá nhân hoặc tổ chức) tiến hành một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh nhất định.
Theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký thành lập doanh nghiệp.
2. Đặc điểm của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Dựa trên khái niệm cũng như các quy định của pháp luật liên quan, có thể rút ra một vài đặc điểm của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, Về cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Đây là loại giấy phép do cơ quan hành chính công của Nhà nước cấp phép.
Cơ quan đăng ký kinh doanh được quy định tại Điều 14 Nghị định 01/2021/NĐ-CP là Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).
Thứ hai, Về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật doanh nghiệp 2020 sau đây:
– Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
– Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định;
– Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
– Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.
Thứ ba, Về nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 28 Luật doanh nghiệp 2020 thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
– Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
– Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.
Như vậy, so với quy định của những Luật doanh nghiệp 2014 thì nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2020 đã không còn nội dung về ngành nghề kinh doanh và thông tin về cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần. Việc Luật doanh nghiệp 2020 quy định như vậy là để đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tự do chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp.
Thứ tư, Về hồ sơ, trình tự cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà bạn muốn thành lập.
Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy xác nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký để nộp hồ sơ, nhận kết quả qua đường bưu điện.
– Là giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập doanh nghiệp hợp pháp.
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là sự ghi nhận năng lực pháp lý cho một doanh nghiệp, nếu không có loại giấy này thì doanh nghiệp được coi là không tồn tại và hoạt động bất hợp pháp.
– Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ về quyền sở hữu tên doanh nghiệp.
– Là loại giấy tờ pháp lý phải có đầu tiên đối với mỗi doanh nghiệp, khác hoàn toàn với giấy đăng ký kinh doanh.
3. Ý nghĩa của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là giấy khai sinh ra doanh nghiệp, nó chứng tỏ sự tồn tại về mặt pháp lý của doanh nghiệp ấy. Từ giấy chứng nhận doanh nghiệp này, thì doanh nghiệp tiến hành các giao dịch với cá nhân, tổ chức, cơ quan khác. Khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là đã xác lập một tổ chức kinh doanh. Lúc đó tư cách của chủ thể kinh doanh đã có nhiều thay đổi so với cá nhân kinh doanh. Mặt khác, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là nghĩa vụ của Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tên doanh nghiệp, tên thương mại. Dưới đây, Luật Phamlaw sẽ chỉ ra một số ý nghĩa của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thứ nhất, Việc đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ được cơ quan nhà nước thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của bạn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép và công nhận về mặt pháp luật để có quyền hoạt động kinh doanh những mặt hàng như đã đăng ký một cách hợp pháp và được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo hộ. Khi đó, các doanh nghiệp khác sẽ hoàn toàn tin tưởng và việc ký kết hợp đồng hoàn toàn có thể diễn ra vì doanh nghiệp đã có tư cách pháp nhân và có con dấu tròn. Chính hành lang pháp lý của doanh nghiệp đã giúp cho các hoạt động trở nên minh bạch và đáng tin cậy hơn.
Thứ hai, Mục đích thông qua việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giúp nhà nước quản lý, nắm bắt và tổng hợp được tất cả các chủ thể kinh doanh đang hoạt động trên thương trường để thực hiện chức năng thu thuế, đồng thời đặt cơ sở ban đầu cho công tác quản lý trong khâu hậu kiểm, thực hiện việc điều tiết kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh ngay từ khâu gia nhập thị trường.
Thứ ba, Việc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ góp phần đóng các loại thuế cho nhà nước hằng năm như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và nếu doanh nghiệp làm ăn phát đạt thì sẽ đóng một lượng thuế thu nhập doanh nghiệp khổng lồ. Ngoài ra, sự phát triển của doanh nghiệp kéo theo việc giải quyết số lượng lớn việc làm cho người lao động thất nghiệp từ đó phát triển an sinh xã hội, góp phần vào sự tăng trưởng GDP chung của đất nước.
Thứ tư, Việc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ý nghĩa đối với nền kinh tế như đóng góp vào cho nhà nước các khoản thuế giúp phát triển kinh tế thì đương nhiên đời sống xã hội cũng sẽ được cải thiện. Đồng thời, khi nhiều doanh nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ thì đời sống kinh tế xã hội của đất nước cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Có thể nói, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được xem là giấy khai sinh của doanh nghiệp. Về mặt pháp lý, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là chứng nhận của cơ quan hành chính công Nhà nước về việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu doanh nghiệp. Nếu bạn có thắc mắc về vấn đề này, hãy liên hệ ngay với Luật Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ và tư vấn miễn phí.