Quyền, nghĩa vụ người khởi kiện trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Trong các vụ án hành chính, có những sai lầm, thiếu sót có thể phát hiện ngay khi bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, cũng có những sai lầm, thiếu sót được phát hiện khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, đối với những bản án, quyết định này cần được khắc phục theo các thủ tục khác, đó là thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Giám đốc thẩm, tái thẩm được xem là các thủ tục đặc biệt trong tố tụng hành chính, có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo việc giải quyết vụ án hành chính của Tòa án luôn đúng, có căn cứ pháp luật. Đây là thủ tục xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị người có thẩm quyền kháng nghị khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án (giám đốc thẩm) hoặc có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, đương sự không biết được khi Toà án ra bản án, quyết định đó (tái thẩm).

Trong các giai đoạn trên, người khởi kiện có các quyền và nghĩa vụ như sau:

Thứ nhất, khi phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật hoặc khi phát hiện tình tiết mới của vụ án thì người khởi kiện có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Đây chính là việc người khởi kiện thực hiện quyền phát hiện sai sót của bản án quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Xuất phát từ  nguyên tắc xét xử 2 cấp (sơ thẩm và phúc thẩm), cũng như bản chất của giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục đặc biệt, là cơ chế tự kiểm tra của ngành Tòa án nhằm đề cao trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong việc tổ chức kiểm tra, giám đốc việc xét xử, nên thẩm quyền kháng nghị theo các thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ dành cho các chủ thể đặc biệt, như: Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh. Các đương sự không có quyền này mà chỉ có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị nói trên để họ xem xét. Do đó người có thẩm quyền có thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hay không lại phụ thuộc vào nội dung đề nghị của người khởi kiện có căn cứ pháp lý để xem xét hay không.

Thứ hai, người khởi kiện có quyền nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, Quyết định kháng nghị tái thẩm.

Sau khi kiểm tra lại hồ sơ, nếu có căn cứ để kháng nghị bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì người có thẩm quyền kháng nghị sẽ tiến hành kháng nghị bằng văn bản, đó chính là quyết định kháng nghị.

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không những phải gửi ngay cho các đương sự mà còn cho Tòa án đã ra bản án, quyết định bị kháng nghị và cơ quan thi hành án, đặc biệt là phải gửi cho cả những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị. Ngoài ra, khi người đã kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm rút kháng nghị trước khi mở phiên toà thì phải được làm thành văn bản và được gửi cho các chủ thể trên.

Thứ ba, người khởi kiện được tham gia phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm khi Tòa án xét thấy cần thiết cần triệu tập.

Xuất phát từ tính chất và đối tượng của giám đốc thẩm, tái thẩm là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chứ không phải là một vụ án. Đây cũng là cơ chế tự kiểm tra, khắc phục thiếu sót của ngành Tòa án nên phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm không cần triệu tập người khởi kiện nói riêng, những người tham gia tố tụng nói chung. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thật cần thiết, để bảo đảm quyền lợi cho các đương sự, Tòa án có thẩm quyền có thể mời người khởi kiện và luật sư của họ tham gia phiên tòa.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm hoặc tái thẩm người khởi kiện được trình bày ý kiến của mình về quyết định kháng nghị sau khi các thành viên Hội đồng xét xử trình bày nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, phần quyết định của bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị.

Thứ tư, người khởi kiện được nhận quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm.

Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm không những có thể làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của đương sự, những người có liên quan mà còn đánh giá chất lượng quyết định kháng nghị cũng như bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới. Do đó, người khởi kiện có quyền được nhận quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn luật định để thi hành.

Trên đây là quan điểm của các luật sư, chuyên gia pháp lý về quyền, nghĩa vụ người khởi kiện trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật. Quý bạn đọc, Quý khách hàng muốn được hỗ trợ và tham khảo thêm vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu 1900 2118, chúng tôi rất sẵn sàng để được tư vấn và trợ giúp.

2/5 - (1 bình chọn)