Điều kiện, thủ tục khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án

Theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2010 thì Toà án nhân dân các cấp có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính do công dân, cơ quan, tổ chức khởi kiện.

Trước đây, theo Luật khiếu nại, tố cáo, để khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án, người khiếu nại phải đã khiếu nại lần đầu nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn giải quyết khiếu nại mà chưa có trả lời từ cơ quan có thẩm quyền; một vụ việc đã được người khiếu nại lựa chọn khởi kiện tại toà án thì người khiếu nại không được khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai nữa.

Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của Luật tố tụng hành chính, người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể khởi kiện ở bất kỳ thời điểm nào, trừ khi sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người khiếu nại vừa có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khiếu nại (Điều 31 Luật tố tụng hành chính). Như vậy, có thể thấy các quy định pháp luật ngày càng mở rộng và tạo điều kiện cho người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua quyền khiếu nại, quyền khởi kiện.

Người khởi kiện phải viết đơn có nội dung chính sau: ngày, tháng, năm làm đơn; toà án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính; tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện; nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính; nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có); các yêu cầu đề nghị toà án giải quyết; cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ. Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (Điều 105 Luật tố tụng hành chính).

5/5 - (1 bình chọn)