Xác định bên bị kiện khi khởi kiện

Vấn đề xác định bên bị kiện trong vụ án hành chính được quy định tại Khoản 7 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính có quy định: Người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết địnhxử lý vụ việc cạnh tranh, lập danh sách cử tri bị khởi kiện”

Điều 2 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng chi tiết khoản 7 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính như sau:

Để xác định người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyến giải quyết vụ việc đó. Trường hợp có nhiều luật cùng quy định thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính về một lĩnh vực quản lý thì việc xác định thẩm quyền của người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào luật chuyên ngành.

Ví dụ 1: Căn cứ vào Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 thì thẩm quyền xử phạt xử phạt hành chính là Chủ tịch UBND quận huyện. Do đó, người bị kiện trong quyết định xử phạt hành chính phải là Chủ tịch UBND quận huyện. Căn cứ vào Điều 44 Luật đất đai quy định thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất là UBND cấp huyện, do đó người bị kiện trong vụ án hành chính khiếu kiện quyết định thu hồi đất phải là UBND cấp huyện.

Ví dụ 2: Luật Quản lý thuế năm 2006 quy định thẩm quyền ấn định thuế là Chi cục thuế, Cục kiểm tra thông quan…nên người bị kiện trong các vụ án hành chính khởi kiện quyết định ấn định thuế phải là Chi cục thuế, Cục thuế…

Tuy nhiên Luật Quản lý thuế năm 2006 và Nghị định 98/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính Phủ quy định, thẩm quyền ban hành các quyết định xử phạt về thuế như truy thu thuế, xử phạt về thuế thì thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục thuế, Cục trưởng Cục thuế, Chủ tịch UBND các cấp…Vì vậy, người bị kiện trong những vụ án hành chính phải là cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định đó…

Một vấn đề cũng cần lưu ý trong việc xác định người bị kiện có phải là người được ủy quyền ban hành quyết định hay người có thẩm quyền ban hành quyết định:

Theo quy định của Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc giao quyền này phải bằng văn bản quy định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Như vậy, trong trường hợp này, người có thẩm quyền ban hành quyết định là người ủy quyền chứ không phải là người được ủy quyền và người bị kiện trong vụ án hành chính phải là người đã ủy quyền cho cấp dưới ban hành quyết định đó.

Ví dụ: Chủ tịch UBND T có văn bản ủy quyền nội bộ cho phó chủ tịch ký các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Ngày 01/3/2014, phó Chủ tịch UBND quận T ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với chủ hộ của căn nhà số 10/1 đường Nguyễn Cửu Đàm quận T. Như vậy, mặc dù Phó chủ tịch được ủy quyền ký quyết định, nhưng khi xác định người bị kiện trong vụ án hành chính này phải là người mà Luật quy định có thẩm quyền ban hành xử phạt, đó là Chủ tịch UBND quận T.

——————

Lưu ý: Trên đây là ý kiến các luật sư, chuyên gia pháp lý của Phamlaw để xác định bên bị kiện khi khởi kiện trong các vụ án hành chính mang tính chất tham khảo, nếu Quý bạn đọc, khách hàng muốn được trao đổi hoặc tư vấn thêm vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu 1900 2118 của Phamlaw để được hỗ trợ và tư vấn triệt để.

Rate this post