So sánh quy định của Bộ luật dân sự 2005 và 2015 về tài sản bảo đảm
Từ ngày 01/01/2017 Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Do đó, có một số điểm khác nhau giữa Bộ luật dân sự năm 2015 và Bộ luật dân sự năm 2005. Qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, các luật sư và chuyên viên tư vấn pháp lý công ty TNHH tư vấn PhamLaw xin tư vấn cho khách hàng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 (sau đây viết tắt là BLDS 2005) và Bộ luật dân sự năm 2015 (sau đây viết tắt là BLDS 2015) về phạm vi nghĩa vụ bảo đảm và tài sản bảo đảm như sau:
1. Phạm vi bảo đảm
Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là phạm vi về nghĩa vụ do các bên thỏa thuận đối với việc bảo đảm thực hiện toàn bộ hay một phần nghĩa vụ dân sự, được quy định tại Điều 319, BLDS 2005 và Điều 293, BLDS 2015.
Tại Điều 293, BLDS 2015 quy định về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm như sau:
“1. Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thoả thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả
lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại.
2. Nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.
3. Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
*Giống nhau: BLDS 2005 và BLDS 2015 đều có quy định về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm gồm:
Thứ nhất, phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể một phần hoặc toàn bộ tùy theo thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Nếu không có thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định khác thì mặc nhiên nghĩa vụ dân sự được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại. Cụ thể: Khi áp dụng một biện pháp bảo đảm nào đó do thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định dựa trên thỏa thuận của các bên, nghĩa vụ chính sẽ được bảo đảm thực hiện một phần hoặc toàn bộ.
Ví dụ: A có thể dùng chiếc xe ô tô của mình trị giá 200 triệu đồng để bảo lãnh cho khoản vay 100 triệu đồng của B đối với C và nếu giữa A và B thỏa thuận,
A chỉ bảo lãnh để bảo đảm cho việc thực hiện trả nợ trong giới hạn 50 triệu đồng.
Thứ hai, nghĩa vụ dân sự được bảo đảm thực hiện có thể là nghĩa vụ hiện tại, có thể bao gồm cả nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện. Nghĩa vụ hiện tại là nghĩa vụ tồn tại thực tế như bắt đầu cho thuê, cho vay. Nghĩa vụ trong tương lai là nghĩa vụ hình thành sau khi đã thực hiện biện pháp bảo đảm.
Ví dụ: A ký cược cho B 5 triệu đồng để 1 tuần sau B cho A thuê xe máy.
Nghĩa vụ có điều kiện có thể phát sinh theo thỏa thuận ( giao dịch) hoặc do gây thiệt hại. Đối với giao dịch có điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ thì các bên đều có thỏa thuận về biện pháp bảo đảm.
Ví dụ: A thế chấp nhà cho B vay 300 triệu đồng trong thời hạn 2 năm, tuy nhiên các bên có thỏa thuận trong thời hạn này nếu B mua xe ô tô thì hợp đồng vay bị hủy bỏ, A phải trả tiền vay cho B
*Khác nhau:
BLDS 2005 không quy định cụ thể bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai là nghĩa vụ được hình thành trong thời gian nào. Do vậy, thực tiễn áp dụng có nhiều vướng mắc. Để khắc phục tình trạng này, khoản 3 điều 293 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Ngoài ra, Điều 294 BLDS 2015 còn quy định cụ thể về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai mà BLDS 2005 không quy định:
“1. Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.”
2. Tài sản bảo đảm
Tài sản nói chung là đối tượng của hầu hết các biện pháp bảo đảm. Tài sản đảm bảo tồn tại dưới ba hình thức chủ yếu là vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản đảm bảo là vật như phương tiện giao thông, kim khí đá quý, máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa. Tài sản đảm bảo là các giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch. Tài sản đảm bảo là quyền tài sản như quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đòi nợ, quyền được nhận bảo hiểm, quyền góp vốn kinh doanh, quyền khai thác tài nguyên, lợi tức và các quyền phát sinh từ tài sản cầm cố, các quyền tài sản khác.
Điều 295, BLDS 2015 quy định về tài sản bảo đảm:
“1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.”
*Giống nhau:
Thứ nhất, xuất phát từ nguyên tắc chỉ chủ sở hữu và người được chủ sở hữu ủy quyền mới có quyền định đoạt tài sản của người đó nên vật bảo đảm phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm thì tại khoản 1, Điều 295 BLDS 2015 và khoản 1, Điều 320 BLDS 2005 đều quy định: Khi vật đã được tồn tại dưới dạng một tài sản mà sẽ là đối tượng của biện pháp bảo đảm thì phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm, dù áp dụng biện pháp bảo đảm nào đi chăng nữa, pháp luật quy định rằng vật bảo đảm phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm, để đảm bảo tránh tranh chấp, rủi ro cho bên nhận bảo đảm. Đồng thời, xuất phát từ mục đích ý nghĩa của chế định để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là nhằm đảm bảo cho việc bên có nghĩa vụ phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên có quyền, nếu không thì tài sản dùng để bảo đảm sẽ được xử lý để thỏa mãn nghĩa vụ của bên bảo đảm đối với bên được bảo đảm, do đó vật dùng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm.
Ngoài điều kiện tài sản thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, với cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu, nếu phát luật có quy định khác về điều kiện đối với tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó( Theo BLDS 2015).
Thứ hai, tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai (Khoản 2 điều 320 BLDS 2005 và khoản 3, Điều 295, BLDS 2015).
Theo quy định tại khoản 2 điều 4 Nghị định 163/2006/NĐ-CP thì “Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm cả tài sản đã tồn tại vào thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm mới thuộc sở hữu của bên bảo đảm”.
Như vậy, tiêu chí để xác định tài sản hình thành trong tương lai là thời điểm tài sản đó thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm. Ví dụ: Nhà ở có thể đã hình thành, nhưng chưa hoàn thiện hoặc chưa được nghiệm thu tại thời điểm ký hợp đồng bảo đảm thì ngôi nhà này được coi là tài sản hình thành trong tương lai.
Trong trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai thì khi bên bảo đảm có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm có các quyền đối với một phần hoặc toàn bộ tài sản đó. Đối với tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu mà bên bảo đảm chưa đăng ký thì bên nhận bảo đảm vẫn có quyền xử lý tài sản khi đến hạn xử lý (Điều 8 Nghị định 163/2006/NĐ-CP).
Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp và có giá trị pháp lý đối với người thứ ba thì Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thứ ba, về giá trị tài sản bảo đảm, thì tại Khoản 1, Điều 324 BLDS 2005 quy định:
“Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Về “thỏa thuận khác” được giải thích tại Điều 5 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ quy định về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 163) như sau: “Các bên có thể “thoả thuận dùng tài sản có giá trị nhỏ hơn, bằng hoặc lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm”. Và tại khoản 4 Điều 295 BLDS 2015 cũng quy định về vấn đề này: “Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm”. Khi tham gia giao dịch dân sự, các bên được tự do, tự nguyện thể hiện ý chí trong việc cam kết, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Trường hợp bên có nghĩa vụ dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì việc thoả thuận về giá trị tài sản bảo đảm và tổng nghĩa vụ được bảo đảm là quyền của các bên, các bên có thể thoả thuận tổng nghĩa vụ được bảo đảm lớn hơn, bằng hoặc thậm chí nhỏ hơn giá trị tài sản bảo đảm.
* Khác nhau:
Điểm mới của BLDS năm 2015 liên quan đến tài sản có thể dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự thể hiện ở khoản 2 Điều 295:
“2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được”: pháp luật quy định, tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng yêu cầu về tài sản bảo đảm phải xác định được nhằm hạn chế việc dùng tài sản hình thành trong tương lai mà chưa được xác định để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự vì các bên đứng trước nguy cơ hiệu lực của hợp đồng bị tác động bởi việc mô tả tài sản bảo đảm chung chung và không xác định được. Chẳng hạn: theo quy định của pháp luật hiện hành, một doanh nghiệp là khách hàng quen thuộc và tin cậy của một ngân hàng có thể thế chấp các khoản phải thu hoặc tài khoản đang hoạt động là nơi tiếp nhận các khoản thu là các dòng tiền được hình thành trong tương lai mà không cần mô tả cụ thể các khoản tiền này.
Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết về “So sánh quy định của Bộ luật dân sự 2005 và 2015 về tài sản bảo đảm”, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.
Rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng!
Trân trọng!