Quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công cụ quan trọng trong quản lý Nhà nước về đất đai, làm cơ sở khoanh định quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Để quản lý và sử dụng đất đai một cách hiệu quả và triệt để thì nhà nước phải đưa ra các quy hoạch kế hoạch sử dụng trước để xác định được hướng sử dụng đất ra sao. Vậy quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành? Để hiểu rõ hơn về quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là gì?

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 3, Luật đất đai 2013, khái niệm quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất như sau:

“2. Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

3. Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất.”

Quy hoạch và kế hoạch hoá đất đai có ý nghĩa to lớn trong công tác quản lý và sử dụng đất.   Quy hoạch và kế hoạch hoá đất đai là công việc của tất cả các cơ quan quản lý đất đai và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất của Nhà nước. Pháp luật điều chỉnh hoạt động quy hoạch và kế hoạch hoá đất đại ở chỗ, quy định trách nhiệm của mỗi cơ quan nhà nước, mỗi ngành, mỗi đơn vị trong xây dựng quy hoạch và kế hoạch hoá sử dụng đất đồng thời đảm bảo cho các quy hoạch và kế hoạch đó có hiệu lực pháp luật trong thực tế.

2. Thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là lượng thời gian vật chất mà mỗi cấp chính quyền từ trung ương cho tới từng địa phương xây dựng chiến lược từ tổng thể đến chi tiết để thực hiện các nội dung quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai.

Theo quy định tại điều 37 Luật đất đai 2013 thì

– Kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm.

– Kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh là 05 năm. Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm.

3. Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Nguyên tắc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai là những phương hướng chỉ đạo, cơ sở chủ yếu để dựa vào đó mà pháp luật điều chỉnh những quy định về lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Theo quy định tại điều 35 Luật đất đai 2013, nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm:

– Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.

– Được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế – xã hội; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã.

– Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả.

– Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu.

– Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.

– Dân chủ và công khai.

– Bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

– Quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Luật đất đai năm 2013 đã nêu một cách toàn diện các nguyên tắc cơ bản trong việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai. Trong đó, đòi hỏi mỗi quy hoạch phải phù hợp với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các quy hoạch phải được lập từ tổng thể đến chi tiết, có sự thống nhất cao giữa quy hoạch của cấp trên và cấp dưới thể hiện được đầy đủ nhu cầu sử dụng đất của từng chủ sử dụng đất.

4. Thẩm quyền quyết định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được thẩm định xong sẽ được cơ quan tổ chức lập quy hoạch trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thông qua, quyết định, phê duyệt. Tuỳ vào cấp độ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ do các cơ quan khác nhau có quyền quyết định, phê duyệt. Căn cứ tại Điều 45, Luật đất đai 2013 thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định như sau:

– Quốc hội quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia do Chính phủ trình;

– Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của UBND cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm, kế hoạch điều chỉnh, bổ sung hàng năm của từng tỉnh đồng thời phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ quốc phòng và Bộ công an;

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao giờ cũng phải công khai minh bạch và dựa trên các căn cứ pháp lý nhất định, trên cơ sở phê duyệt của chính phủ, UBND cấp có thẩm quyền.

5. Thực trạng quy hoạch, kế hoạch hoá đất đai

Quy hoạch, kế hoạch hoá đất đai có ý nghĩa to lớn trong công tác quản lý và sử dụng đất. Đó là sự đảm bảo cho việc sử dụng đất đai hợp lý và tiết kiệm, đạt các mục tiêu nhất định phù hợp với các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh để nâng cao hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Hiện nay việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất của Ủy ban nhân dân xã còn bộc lộ nhiều bất cập: những quy định về thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Ủy ban nhân dân xã chưa rõ ràng, khiến cho việc thực hiện trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn; Một số địa phương việc thực hiện còn có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, tính khả thi thấp; các quy định được triển khai chưa đảm bảo tính minh bạch về nội dung thực hiện; nội dung các quy định thẩm quyền thực hiện chưa đồng bộ quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng.

Đặc biệt, Việc quy định chung về căn cứ quy hoạch sử dụng đất cho tất cả các cấp bậc dẫn đến sự chồng chéo giữa các cấp, không có sự phân biệt về căn cứ cụ thể cho từng cấp bậc về quy hoạch sử dụng đất, không thấy được đầy đủ chức năng và nhiệm vụ mà cơ quan mỗi cấp phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, gây nên tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, lạm dụng quyền hạn. Công tác quy hoạch đất còn nhiều bất cập gây lãng phí, chưa khai thác hết nguồn lực tài chính trong lĩnh vực này. Chất lượng đồ án quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, nhiều đồ án quy hoạch chi tiết chất lượng thấp, nhỏ lẻ thiếu đồng bộ trong sử dụng đất.

Để khắc phục tình trạng trên, Phamlaw xin đưa ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Loại bỏ quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp xã

Để khắc phục những tồn tại bất cập trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay, luật đất đai năm 2013 đã loại bỏ quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp xã. Mà chỉ quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Đây chính là điểm mới nổi bật trong nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ hai, Quy định cụ thể căn cứ xác lập và nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng cấp ở từng điều luật. Nhằm khắc phục được những khó khăn khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Luật đất đai năm 2013 quy định đầy đủ, rõ ràng căn cứ và nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng cấp.

Thứ ba, Tăng cường công tác giám sát việc tổ chức lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần thực hiện theo đúng quy trình. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải thể hiện nội dung, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho quy hoạch tỉnh, quy hoạch tỉnh phải thể hiện nội dung, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Quy hoạch phải được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất cấp dưới phù hợp quy hoạch với cấp trên, cũng như đảm bảo đảm tính đặc thù, chứa đựng yếu tố liên ngành, liên vùng để tránh tình trạng phát triển mang tính cục bộ, dàn trải địa phương.

Thứ tư, Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các trường hợp dự án treo, quy hoạch treo, bỏ hoang, chậm đưa đất vào sử dụng, lấn chiếm đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch. Các đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường công tác giám sát việc tổ chức lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương; giám sát quá trình chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; việc sử dụng đất để thực hiện dự án theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Trên đây tư vấn của Phamlaw về quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (1 bình chọn)