Quy chế tài chính công ty TNHH MTV
Công ty trách nhiệm hữu hạn là một trong những loại hình công ty phổ biến và được khá nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm loại hình cho công ty mình. Công ty TNHH có tư cách pháp nhân từ ngày có giấy phép hoạt động kinh doanh.
Để hiểu rõ hơn về quy chế tài chính công ty TNHH 1 thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và luật khác có liên quan. Dưới đây Luật Phamlaw sẽ hướng dẫn cụ thể theo quy định pháp luật mới nhất về quy chế tài chính công ty TNHH 1 thành viên để quý khách hàng có thể tham khảo.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
Luật doanh nghiệp 2020
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
Thông tư 01/2021/TT–BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp
Các văn bản pháp luật khác có liên quan (Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng, Luật du lịch, Luật kinh doanh bảo hiểm,…).
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Công ty TNHH 1 thành viên là gì?
Công ty TNHH 1 thành viên là loại hình doanh nghiệp được các nhà đầu tư ưa chuộng bởi sự phù hợp với các nhà đầu tư có quy mô nhỏ và vừa, mong muốn toàn quyền chủ động trong các quyết định đối với công ty, đồng thời hưởng chế độ trách nhiệm hữu hạn.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Để hoạt động có hiệu quả, công ty TNHH 1 thành viên phải có lộ trình sử dụng tài chính phù hợp để đảm bảo cân bằng giữa các khoản thu và chi. Thông thường, Công ty TNHH 1 thành viên sẽ tự lập một quy chế tài chính riêng và được thông qua bởi quyết định của chủ sở hữu công ty. Trong đó, quy chế tài chính bao gồm các vấn đề về vốn, chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, lương, tài sản công ty và các vấn đề tài chính khác của công ty.
2. Quy chế tài chính của doanh nghiệp
Hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang thể hiện được vai trò tích cực của mình trong việc hỗ trợ và phát triển kinh tế- xã hội. Do đó, pháp luật luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tự quản lý, thực hiện tất cả các vấn đề về hợp tác, đầu tư, khai thác và đặc biệt là quản lý tài chính.
Để hiểu rõ về quy chế tài chính của doanh nghiệp, trước hết chúng ta cần hiểu quy chế tài chính là gì? Quy chế tài chính là tổng hợp các quy định cụ thể về tài chính và kế toán của doanh nghiệp, quy chế tài chính có nhiều ý nghĩa trong việc thống nhất tài chính, hóa đơn, kế toán trong doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy quy chế tài chính như một quy định để xây dựng nên hệ thống tài chính của doanh nghiệp. Giúp các vấn đề trong tài chính của doanh nghiệp được thống nhất, quy về một mối.
Nội dung của quy chế tài chính cần chú ý đến một số nội dung như sau:
– Quy định về vốn và tài sản: vốn công ty gồm vốn điều lệ, vốn pháp định, vốn vay, vốn huy động và vốn khác; tài sản gồm tài sản cố định và tài sản lưu động. Theo góc nhìn khác thì vốn của doanh nghiệp gồm vốn chủ sở hữu và nợ. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bao gồm vốn góp ban đầu, lợi nhuận không chua và tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu mới. Và để bổ sung vốn cho quá trình sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp có thể sử dụng nợ từ các nguồn như từ tín dụng ngân hàng, tín dụng thương mại và vay thông qua phát hành trái phiếu.
– Nguyên tắc quản trị trong Công ty: Ban Giám đốc điều hành công ty xây dựng kế hoạch, tổ chức và kiểm tra chặt chẽ các chỉ tiêu, doanh thu, chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ với mục tiêu cuối cùng là hiệu quả doanh nghiệp. Các cấp quản trị đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc phải tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh, bảo đảm các chi phí này được trang trải bằng doanh thu đồng thời hoạt động sản xuất kinh doanh phải có hiệu quả.
– Các loại chi phí và cấu thành các loại chi phí: Chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm các chi phí liên quan đến quá trình hoạt động sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa vào tính chất các yếu tố chi phí, thì chi phí kinh doanh của doanh nghiệp chia thành các loại bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu, động lực (gọi chung là chi phí vật tư), chi phí vật tư phụ thuộc vào mức tiêu hao vật tư và giá trị vật tư; chi phí khấu hao tài sản cố định; chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp có tính lương; chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn; chi phí dịch vụ nước ngoài; thuế và các chi phí khác
Toàn bộ các khoản chi phí phát sinh phải được kết chuyển cho sản phẩm, dịch vụ sản xuất và tiêu thụ trong năm tài chính để xác định hiệu quả kinh doanh sản xuất kinh doanh. Các cấp quản trị của Công ty phải xây dựng kế hoạch và kiểm tra giá thành trong phạm vi điều hành sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời luôn tìm mọi biện pháp để hạ giá thành sản phẩm trên cơ sở vẫn đảm bảo và cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ của đơn vị mình.
3. Mẫu quy chế tài chính Công ty TNHH 1 thành viên
Quy chế tài chính công ty TNHH MTV
Bạn có thể tham khảo và tải mẫu quy chế tài chính công ty TNHH 1 thành viên tại đây:
CÔNG TY TNHH… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: …………/QĐ-DTH | ………, ngày … tháng … năm … |
QUY CHẾ TÀI CHÍNH
CÔNG TY TNHH …
(Ban hành Kèm theo quyết định số: ……/QĐ-DHT-201…. ngày…/…./20….
của Giám đốc Công ty)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Điều khoản chung
– CÔNG TY TNHH … (sau đây gọi tắt là Công ty) được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Công ty có tư cách pháp nhân đầy đủ, tự chủ về mặt tài chính và chịu trách nhiệm hữu hạn trước pháp luật về các khoản nợ trong phạm vi số vốn của Công ty;
– Công ty được mở tài khoản giao dịch bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ tại các Ngân hàng, tổ chức tín dụng;
– Các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm quản lý tốt tài sản, vật tư, tiền vốn được giao và chịu trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại nếu làm thất thoát;
– Nguyên tắc chung trong quản lý thu chi: Mọi hoạt động thu, chi tại các đơn vị phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, Công ty và phải được quản lý chặt chẽ:
+ Các khoản thu, chi phát sinh bằng ngoại tệ phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại tệ của nhà nước đồng thời phải quy đổi ra tiền VNĐ theo tỷ giá bán ra trên thị trường liên ngân hàng để hạch toán.
+ Các khoản thu, chi phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ quy định về phân cấp, quy trình, thủ tục, định mức, hoá đơn chứng từ, hồ sơ. Đơn vị, cá nhân lập chứng từ thu chi khống, thu chi không đúng quy định và người quyết định thu, chi sai chế độ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi hoàn thiệt hại (nếu có).
Điều 2. Quyền quản lý tài chính của Công ty
– Sử dụng vốn của Công ty để phục vụ các nhu cầu về sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc bảo toàn vốn và sinh lời.
– Nhượng bán hoặc cho thuê những tài sản không còn phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh hoặc chưa sử dụng hết công suất và thanh lý tài sản đã hết giá trị sử dụng.
– Công ty trực tiếp vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng hoặc bảo lãnh, ủy quyền cho các đơn vị trực thuộc được quan hệ trực tiếp với ngân hàng.
– Công ty có các quyền khác về tài chính theo Điều lệ Công ty và theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 3. Nghĩa vụ quản lý tài chính của Công ty
– Thực hiện đúng chế độ về quản lý vốn, tài sản, phân chia các quỹ, hạch toán, thống kê, chế độ kiểm toán và các chế độ khác do pháp luật và Điều lệ Công ty quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các báo cáo tài chính của Công ty.
– Bảo toàn và phát triển vốn.
– Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ Công ty và Quy chế này
…….
Hy vọng những chia sẻ về quy chế tài chính công ty TNHH 1 thành viên trên đây sẽ hữu ích với bạn. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn thực hiện dịch vụ doanh nghiệp, vui lòng liên hệ Luật Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ nhanh nhất.
Quy chế tài chính công ty TNHH MTV – Luật Phamlaw