Thủ tục đăng ký tạm trú khi chuyển đến ở nơi cư trú khác

Thủ tục đăng ký tạm trú khi chuyển đến ở nơi cư trú khác

Thưa Luật sư!

Tôi đang sinh sống và làm việc tại quận Long Biên Hà Nội. Trong trường hợp tôi muốn chuyển đến phường, hay quận khác trong vòng 1 năm thì tôi có cần phải làm thủ tục đăng ký tạm trú khi chuyển đến nơi cư trú khác hay không? Nếu có thì thì thủ tục đăng ký tạm trú sẽ gồm những gì? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật Cư trú 2020

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Đăng ký tạm trú là gì?

Theo quy định tại khoản 5 điều 2 Luật Cư trú 2020 thì “Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú”.

Theo đó, đăng ký tạm trú là một trong các thủ tục đăng ký cư trú nhằm thông báo sự lưu trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú tại một nơi trong thời gian nhất định. Công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp Sổ tạm trú. Việc đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của công dân khi thực hiện quyền tự do cư trú của mình. Công dân có thể ở bất cứ nơi nào pháp luật không cấm, và chỉ cần đăng ký thường trú hoặc tạm trú cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ mục đích quản lý dân sự.

2. Di chuyển đến nơi cư trú khác có cần đăng ký tạm trú không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020, khi công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Đăng ký tạm trú là thủ tục hành chính bắt buộc khi người dân đến sinh sống tại một địa điểm khác chưa đăng ký thường trú, trong thời gian dài.

Việc đăng ký tạm trú chính là một hình thức đăng ký cư trú, việc thông báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thiết lập một chế độ quản lý tạm thời về cư trú đối với công dân. Mục đích của việc đăng ký cư trú nói chung và việc đăng ký tạm trú nói riêng chính là để quản lý dân cư, quản lý con người. Người dân phải đăng ký tạm trú là người đến sinh sống tại nơi mà người đó không có hộ khẩu thường trú. Khi chuyển nơi cư trú mới để sinh sống, học tập, làm việc mà không đủ điều kiện đăng ký thường trú thì người đó phải đăng ký tạm trú.

Vì vậy, đăng ký tạm trú là một phương thức của đăng ký cư trú, trong đó cá nhân thông báo chính thức với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nơi cư trú, mà không phải là nơi đã đăng ký thường trú, về việc cư trú của mình, để các cơ quan nhà nước nắm bắt được thông tin cư trú

của cá nhân đó. Qua đó các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ bảo vệ quyền tự do cư trú và các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Về nguyên tắc quản lý cư trú, tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú. Như vậy, trong trường hợp của bạn, khi thay đổi nơi ở trong vòng 1 năm bạn phải đi đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn nơi bạn tạm trú.

Thu Tuc Dang Ky Tam Tru Khi Chuyen Den O Noi Cu Tru Khac
Thủ tục đăng ký tạm trú khi chuyển đến ở nơi cư trú khác

3. Điều kiện để đăng ký tạm trú

Căn cứ tại Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:

Thứ nhất, Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Thứ hai, Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần

Thứ ba, Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại các địa điểm sau đây:

  • Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
  • Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.
  • Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.
  • Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
  • Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, công dân muốn đăng ký tạm trú phải đảm bảo các điều kiện mà Phamlaw liệt kê bên trên.

4. Thủ tục đăng ký tạm trú khi chuyển đến ở nơi cư trú khác

Thủ tục đăng ký tạm trú khi chuyển đến ở nơi cư trú khác bao gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký tạm trú gồm:

Theo quy định Khoản 1 Điều 28 Luật Cư trú 2020, Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm các giấy tờ sau:

(1) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

(2) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Công an xã, phường, thị trấn nơi tạm trú.

Công dân nộp hồ sơ tại Công an phường, xã, thị trấn. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu với các quy định của pháp luật về cư trú:

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.

+ Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu; giấy tờ kê khai chưa đúng; chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân, nêu rõ lý do không tiếp nhận.

Bước 3: Nhận kết quả

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bài viết trên đây là các thông tin liên quan đến thủ tục đăng ký tạm trú khi chuyển đến ở nơi cư trú khác. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)