Công ty quản lý quỹ là gì?
Công ty quản lý quỹ (CTQLQ) hiện nay có những nhiệm vụ chủ yếu như huy động vốn đầu tư; quản lý và thực hiện quá trình đầu tư trên cơ sở các nguồn vốn đã huy động được; lưu ký, bảo quản tài sản và tổ chức giám sát các hoạt động đầu tư. Để thực hiện những nhiệm vụ này, công ty quản lý quỹ phải giải quyết tốt những mối quan hệ trên thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ. Trong đó, có những mối quan hệ với các ngân hàng, công ty tài chính với tư cách là tổ chức bảo lãnh phát hành, lưu ký, bảo quản tài sản, giám sát hoạt động của các CTQLQ hoặc thực hiện các hợp đồng ủy thác huy động vốn, quản lý danh mục đầu tư cho các quỹ đầu tư. Vậy CTQLQ thực chất là công ty như thế nào? Luật Phamlaw xin kính mời quá khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
Tại Mỹ, CTQLQ được biết đến với thuật ngữ nhà tư vấn đầu tư (investment adviser), tức là tổ chức tiến hành các dịch vụ tư vấn về giá trị chứng khoán, về tính chất của khoản đầu tư và việc mua bán các chứng khoán. Tư vấn đầu tư và tư vấn tài chính dường như là các thuật ngữ tương tự, nhưng ý nghĩa lại được phân biệt. Nếu như thuật ngữ tư vấn tài chính được dùng để chỉ hoạt động môi giới chứng khoán nói chung thì thuật ngữ tư vấn đầu tư lại được dùng để chỉ hoạt động của công ty quản lý trong lĩnh vực tư vấn tài sản và quản lý danh mục đầu tư.
Tại Anh, CTQLQ được hiểu là tổ chức tư vấn đầu tư, quản lý khoản đầu tư hoặc thực hiện giao dịch cho danh mục đầu tư với tư cách là đại diện theo ủy thác của khách hàng. Các hoạt động này được xem là hoạt động bị điều chỉnh bởi pháp luật (regulated activities), và cũng chính vậy mà CTQLQ phải xin được sự chấp thuận từ Cơ quan Thực thi Tài chính (Financial Conduct Authority), là cơ quan giám sát hoạt động của các quỹ và CTQLQ.
Tại Ireland, CTQLQ được tiếp cận theo đối tượng mà công ty đó quản lý, theo đó có công ty quản lý quỹ UCITS và công ty quản lý quỹ đầu tư thay thế (“AIFM”). Công ty quản lý quỹ UCITS được định nghĩa là loại hình công ty có hoạt động quản lý các quỹ UCITS, cụ thể là hoạt động quản lý đầu tư, quản trị quỹ và phân phối quỹ. Trong khi đó, công ty quản lý quỹ AIFM có thể tiến hành tất cả những hoạt động nêu trên, nhưng điểm khác biệt là chúng buộc phải tự tiến hành hoạt động quản lý đầu tư (bao gồm: quản lý danh mục và quản trị rủi ro), mà không được ủy quyền cho bất kỳ bên thứ ba nào.
Còn tại Việt Nam, khái niệm về CTQLQ lần đầu tiên được đưa ra tại Quyết định 35/2007/QĐ-BTC, theo đó, công ty quản lý quỹ là gì? Đó là “tổ chức có tư cách pháp nhân, hoạt động cung cấp dịch vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán” (Khoản 1 Điều 2 Quyết định35/2007/QĐ-BTC). Quyết định 35/2007/QĐ-BTC cũng quy định các tổ chức kinh tế không được cung cấp dịch vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư, ngoại trừ CTQLQ được cấp phép. Theo quy định này, CTQLQ mặc dù được quản lý tài sản ủy thác của nhà đầu tư nhưng lại không được tiến hành tư vấn đầu tư chứng khoán cho khách hàng có nhu cầu. Điều này đã hạn chế đáng kể phạm vi hoạt của CTQLQ, dẫn đến những hạn chế về cấu trúc quản trị của loại hình công ty này.
Khắc phục hạn chế nêu trên, Thông tư 212/2012/TT-BTC đã bổ sung nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán là một trong những hoạt động kinh doanh của CTQLQ. Khoản 3 Điều 2 Thông tư 212/2012/TT-BTC giải đáp thắc mắc về công ty quản lý quỹ là gì? Theo đó: “Công ty quản lý quỹ là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán”.
Kế thừa và phát huy những quy định của Thông tư 212/2012/TT-BTC, hiện nay tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 99/2020/TT-BTC quy định: “Công ty quản lý quỹ là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, thực hiện nghiệp vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán”.
Theo đó, CTQLQ là loại hình doanh nghiệp, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, trên ba nghiệp vụ chủ yếu: (1) quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, (2) quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, (3) tư vấn đầu tư chứng khoán. Ba nghiệp vụ nêu trên của CTQLQ giúp phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán còn lại là các công ty chứng khoán. Đồng thời, khác với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh không có điều kiện, CTQLQ buộc phải được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn theo Khoản 2 Điều 71 Luật Chứng khoán 2019.
Tùy theo quy định pháp luật ở các nước khác nhau, cách tiếp cận về CTQLQ cũng khác nhau, tuy vậy, bản chất hoạt động của chúng đều như nhau. Sự khác nhau cơ bản là ở nguồn vốn đầu tư hình thành khác nhau và nó liên quan tới trách nhiệm khác nhau của tổ chức quản lý đối với từng nguồn vốn. Như vậy, CTQLQ có thể được hiểu một cách chung nhất là chức chuyên tư vấn đầu tư hoặc thay mặt nhà đầu tư quản lý tài sản ủy thác, và được nhận phí quản lý.
Đặc điểm pháp lý của công ty quản lý quỹ
Thứ nhất, về thành viên công ty
Đối với CTQLQ được tổ chức dưới dạng CTCP, loại công ty đặc trưng cho công ty đối vốn, CTQLQ có sự liên kết của nhiều thành viên. Vì vậy, việc quy định số thành viên tối thiểu phải có đã trở thành thông lệ quốc tế trong mấy trăm năm tồn tại của loại hình công ty này. Hầu hết các nước đều có quy định số thành viên tối thiểu, và ở Việt Nam, ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều111 Luật Doanh nghiệp 2020 về số lượng tối thiểu là 03 cổ đông sáng lập, khoản 3 Điều 75 Luật Chứng khoán quy định trong suốt quá trình hoạt động, CTQLQ phải có ít nhất 02 cổ đông sáng lập vốn là tổ chức. Trong đó, ít nhất một trong số cổ đông sáng lập là tổ chức phải là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Chứng khoán 2019.
Tương tự, đối với CTQLQ dưới dạng Công ty TNHH hai thành viên trở lên phải có ít nhất 02 thành viên sáng lập là tổ chức và trong đó ít nhất phải có một tổ chức là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Chứng khoán 2019. Còn đối với trường hợp CTQLQ được tổ chức dưới hình thức Công ty TNHH một thành viên thì thành viên duy nhất đó bắt buộc phải là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc công ty chứng khoán hoặc công ty chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này.
Thứ hai, về cấu trúc vốn và tài sản
Theo khoản 1 Điều 75 Luật Chứng khoán 2019 thì việc góp vốn điều lệ vào CTQLQ đầu tư chứng khoán phải bằng Đồng Việt Nam; vốn điều lệ tối thiểu để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của CTQLQ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
Tùy thuộc vào việc được chức theo loại hình CTCP hay Công ty TNHH mà vốn điều lệ của CTQLQ sẽ cấu trúc dưới hình thức cổ phần của các cổ đông hoặc phần vốn góp của (các) thành viên góp vốn. Đối với trường hợp CTQLQ theo mô hình CTCP, vốn điều lệ sẽ được chia làm nhiều phần bằng nhau, gọi là cổ phần. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được phản ánh trong cổ phiếu. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của một hoặc nhiều cổ phần. Việc góp vốn vào CTQLQ được thực hiện bằng cách mua cổ phần, mỗi cổ đông có thể mua một hoặc nhiều cổ phần.
Luật Doanh nghiệp 2020 không hạn chế mỗi cổ đông hoặc thành viên được sở hữu tối đa bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ. Tuy nhiên, tại điểm b Khoản 3 Điều 75 Luật Chứng khoán 2019 có quy định các cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là tổ chức phải sở hữu tối thiểu 65% vốn điều lệ, trong đó các tổ chức là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán sở hữu tối thiểu là 30% vốn điều lệ.
Ngoài ra, vốn điều lệ của CTQLQ được quản lý tách biệt với tài sản ủy thác mà khách hàng ủy thác cho CTQLQ, cho dù tài sản này trong đa số trường hợp mang tên CTQLQ nhằm tạo điều kiện cho việc CTQLQ quản lý tài sản thay cho khách hàng ủy thác. Với đặc thù này, tài sản ủy thác phải được lưu ký tại ngân hàng lưu ký trên lãnh thổ Việt Nam, và CTQLQ phải cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý cho ngân hàng lưu ký để có thể mang tài sản ủy thác đi đầu tư, cũng như làm thủ tục lưu ký tài sản tại ngân hàng.
Thứ ba, về chuyển nhượng vốn
Các cổ đông và thành viên góp vốn của CTQLQ được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp của mình cho người khác, trừ trường hợp bị hạn chế theo quy định tại Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020, đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng quy định từ Điều 51 đến Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập phải được duy trì trong thời hạn ba năm, kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập không được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của mình trong thời hạn ba năm kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, trừ trường hợp chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập khác.
Trường hợp cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập buộc phải thanh lý tài sản theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, thì được chuyển nhượng cho cổ đông, thành viên khác và cổ đông, thành viên nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập của CTQLQ. Các giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp chiếm từ 10% trở lên vốn điều lệ hoặc giao dịch dẫn tới tỷ lệ sở hữu của cổ đông, thành viên góp vốn vượt qua hoặc xuống dưới các mức sở hữu 10%,25%, 50%, 75% vốn điều lệ của công ty quản lý quỹ không phải là công ty đại chúng đều phải được công bố thông tin.
Thứ tư, về chế độ trách nhiệm
Cổ đông và thành viên góp vốn CTQLQ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, nghĩa là họ chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. CTQLQ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty. Đặc biệt CTQLQ được khuyến khích mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên nghiệp vụ nhằm hạn chế thiệt hại cho công ty trong trường hợp nhân viên gây lỗi trong quá trình làm việc, hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật để bồi thường thiệt hại cho khách hàng ủy thác.
Thứ năm, về tư cách pháp lý
CTQLQ là doanh nghiệp, có tên riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, có tài sản riêng để tiến hành các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích kiếm tìm lợi nhuận. CTQLQ có tư cách pháp nhân, được thực hiện nghiệp vụ kinh doanh khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, cấp Giấy phép thành lập và hoạt động. Trong quá trình hoạt động, CTQLQ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản bằng chính tài sản của mình, với tư cách chủ thể là pháp nhân thông qua người đại diện của mình theo quy định của pháp luật, công ty có thể trở thành nguyên đơn hoặc đơn trong các vụ án dân sự. Do hoạt động nhận tài sản ủy thác để tiến hành đầu tư thay mặt khách hàng, nên đại diện theo pháp luật của CTQLQ cũng đồng thời là đại diện cho các danh mục đầu tư và các quỹ đầu tư chứng khoán do CTQLQ quản lý.
Thứ sáu, hoạt động kinh doanh
Trên thị trường, ngoài CTQLQ, các doanh nghiệp không được cấp phép khác không được nhận tiền ủy thác từ nhà đầu tư để tiến hành hoạt động đầu tư thay cho khách hàng. Đồng thời, khác với tổ chức kinh doanh còn lại là công ty chứng khoán, CTQLQ được phép đứng ra thành lập các quỹ, tổ chức việc phát hành và phân phối chứng chỉ quỹ đến nhà đầu tư. Một đặc điểm khác với công ty chứng khoán, tổ chức kinh doanh chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh là một trong những hoạt động kinh doanh chính, các CTQLQ hạn chế việc tự đầu tư cho chính công ty. Điều này phần nhiều xuất phát từ triết lý đầu tư của công ty, cũng như quan điểm đầu tư của từng nhà quản lý danh mục đầu tư, vì việc tự đầu tư cho bản thân và công ty vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến khoản đầu tư cho khách hàng mà công ty và nhà quản lý danh mục đầu tư đang phục vụ.
Đặc biệt trong hoạt động quản lý quỹ, CTQLQ được phép tiến hành các nghiệp vụ khác, là: đại lý phân phối chứng chỉ quỹ, đại lý chuyển nhượng và đại lý lưu ký. Nhưng để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và tận dụng được nguồn lực bên ngoài sẵn có, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, CTQLQ thay vì tự làm các nghiệp vụ trên, đa số trong số họ thường thuê các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán. Ngược lại, quỹ đại chúng bắt buộc phải có ngân hàng giám sát, đóng vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của quỹ và hoạt động đầu tư của CTQLQ. Vì vậy, ngân hàng giám sát và CTQLQ phải độc lập về cả cơ cấu và nhân sự. Ngân hàng giám sát không được là người có liên quan của CTQLQ, và nhân sự tại hai tổ chức này thường tách biệt hoàn toàn ở mọi vị trí.
Trên đây là bài viết về Công ty quản lý quỹ là gì? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.
Công ty quản lý quỹ là gì? – Luật Phamlaw