Điều kiện thành lập công ty tài chính

Điều kiện thành lập công ty tài chính

Công ty tài chính là một loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có tư cách pháp nhân, hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, để được cấp phép hoạt động doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện về hoạt động tư vấn, hỗ trợ tài chính. Để hiểu rõ hơn về điều kiện thành lập công ty tài chính, Quý khách hàng có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017

Văn bản hợp nhất số 09/2019/VBHN-NHNN

Nghị định số 86/2019/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Công ty tài chính là gì?

Công ty tài chính là một loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có tư cách pháp nhân, hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ. Công ty tài chính được thực hiện chức năng huy động vốn từ tiền gửi hoặc từ các nguồn vốn khác của các tổ chức kinh tế, các định chế tài chính khác trong xã hội theo quy định của pháp luật để thực hiện nghiệp vụ kinh doanh của mình.

Theo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

2. Đặc điểm của công ty tài chính

Công ty tài chính mang đầy đủ các đặc trưng của một tổ chức tín dụng nói chung và những đặc điểm riêng được thể hiện ở các điểm sau:

Thứ nhất, Giống như các ngân hàng, công ty tài chính cũng phải có vốn pháp định theo đúng quy định của pháp luật khi thành lập. Vốn pháp định của các tổ chức phi ngân hàng này thấp hơn vốn của ngân hàng thương mại. Pháp luật quy định công ty hoạt động tài chính phải có vốn pháp định là 500 tỷ đồng nếu thành lập từ sau năm 2018. Trước năm 2018, vốn pháp định là 300 tỷ đồng (Theo quy định tại điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP).

Thứ hai, Công ty tài chính là một loại hình trung gian tài chính với chức năng cơ bản là chuyển vốn từ nơi dư thừa vốn tới nơi thiếu hụt vốn. Do vậy, nó mang những đặc điểm cơ bản của một trung gian tài chính, theo đó trung gian tài chính là cầu nối gắn liền người có vốn với người cần vốn, hoạt động huy động vốn và cho vay của các trung gian tài chính có thể diễn ra trực tiếp với các chủ thể kinh tế hoặc thông qua thị trường tài chính

Thứ ba, Công ty tài chính là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính, chủ yếu, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp một số các hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên khác với các ngân hàng được phép thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng, các công ty tài chính chỉ được thực hiện một hoặc một số các hoạt động ngân hàng. Ví dụ, theo như quy định của pháp luật hiện hành, công ty tài chính sẽ không được thực hiện các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Sở dĩ có những quy định như vậy là để tăng tính an toàn cho hoạt động của các công ty tài chính nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.

Thứ tư, Công ty tài chính là loại hình doanh nghiệp chịu sự quản lý nhà nước của ngân hàng nhà nước và thuộc phạm vi áp dụng pháp luật ngân hàng. Do là một loại hình trung gian tài chính, hoạt động của các công ty tài chính cũng có ảnh hưởng lớn tới nhiều chủ thể khác trong nền kinh tế, và hoạt động của các công ty tài chính cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Vì vậy, hoạt động của các công ty tài chính cần phải được quản lý, giám sát và định hướng hoạt động phù hợp.

3. Điều kiện thành lập công ty tài chính

3.1 Về loại hình doanh nghiệp

Căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam thì công ty tài chính được thành lập dưới các hình thức như:

  • Doanh nghiệp nhà nước: công ty tài chính do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức hoạt động kinh doanh.
  • Công ty cổ phần: công ty tài chính do các tổ chức và cá nhân cùng góp vốn theo quy định của pháp luật và thành lập dưới hình thức Công ty cổ phần.
  • Công ty do một tổ chức tín dụng làm chủ sở hữu: công ty tài chính thuộc quyền sở hữu của một tổ chức tín dụng thành lập bằng vốn tự có của mình và tuân theo quy định của pháp luật, hạch toán độc lập và có tư cách pháp nhân.
  • Công ty liên doanh tổ chức tín dụng Việt Nam và công ty liên doanh tổ chức tín dụng nước ngoài: công ty tài chính được thành lập bằng vốn góp giữa bên Việt Nam gồm một hoặc nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam và bên nước ngoài gồm một hoặc nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài, trên cơ sở hợp đồng liên doanh.
  • Công ty có 100% vốn đầu tư của một hoặc nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài: công ty tài chính được thành lập bằng vốn của một hoặc của nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên lưu ý là hiện nay chỉ còn có 3 loại hình công ty: bao gồm công ty tài chính TNHH một thành viên, công ty hai thành viên trở lên và công ty cổ phần. Tất cả các loại hình này đều không phân biệt vốn nước ngoài hay vốn trong nước.

3.2 Điều kiện về vốn

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng cụ thể là công ty tài chính cần đáp ứng các điều kiện về vốn pháp định theo quy định của chính phủ từng thời kỳ. Mức vốn này được quy định dựa trên tình hình kinh tế và các vấn đề liên quan khác trong từng thời điểm cụ thể. Hiện nay mức vốn pháp định mà pháp luật quy định đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng là công ty tài chính áp dụng mức vốn 500 tỷ đồng.

3.3 Điều kiện đối với thành viên sáng lập là các tổ chức, cá nhân có uy tín và năng lực tài chính, cụ thể:

a. Đối với tổ chức là doanh nghiệp Việt Nam không phải là tổ chức tín dụng:

  • Là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng vào năm liền kề trước năm đề nghị thành lập công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trường hợp tập đoàn kinh tế đề nghị thành lập công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng và phải có cam kết hỗ trợ về tài chính cho công ty tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp công ty tài chính gặp khó khăn về vốn hoặc khả năng chi trả;
  • Kinh doanh có lãi trong 3 năm liền kề trước năm đề nghị thành lập công ty tài chính;
  • Vốn góp tham gia thành lập phải đảm bảo: vốn chủ sở hữu trừ đi phần chênh lệch giữa các khoản đầu tư dài hạn và nợ dài hạn tối thiểu bằng số vốn góp theo cam kết

b. Đối với tổ chức tín dụng Việt Nam phải đảm bảo:

  • Duy trì tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật sau khi góp vốn vào công ty tài chính;
  • Có tổng tài sản Có tối thiểu 50.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ nhỏ hơn 3% tại thời điểm xin góp vốn thành lập công ty tài chính;
  • Không vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian 06 tháng liên tục trước thời điểm đề nghị thành lập công ty tài chính;
  • Hoạt động kinh doanh lành mạnh, an toàn; có lãi trong năm liền kề trước năm đề nghị thành lập công ty tài chính.

c. Đối với cá nhân:

  • Mang quốc tịch Việt Nam, không thuộc đối tượng bị cấm theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020;
  • Có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập công ty tài chính;
  • Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang có án tích;
  • Có bằng đại học hoặc trên đại học ngành kinh tế hoặc Luật;
  • Cam kết hỗ trợ về tài chính cho công ty tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp công ty tài chính gặp khó khăn về vốn hoặc khả năng chi trả.

3.4 . Điều kiện công ty tài chính thực hiện hoạt động ngân hàng

Điều kiện công ty tài chính thực hiện hoạt động ngân hàng bao gồm:

  • Hoạt động ngân hàng phải được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp.
  • Có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực, cơ sở vật chất, công nghệ, phương tiện, thiết bị, quy định nội bộ về quản lý ngoại hối.
  • Có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực, cơ sở vật chất, công nghệ, thiết bị và các quy định nội bộ theo quy định để thực hiện hoạt động ngân hàng.
  • Đáp ứng các điều kiện nghiệp vụ đối với hoạt động ngân hàng theo quy định.

3.5 Hồ sơ thành lập công ty tài chính

Khi đáp ứng được các điều kiện trên, bạn bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ giấy tờ để tiến hành thành lập. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn xin cấp Giấy phép

2. Dự thảo Điều lệ, phương án hoạt động: nêu rõ nội dung, phương thức hoạt động, địa bàn hoạt động, lợi ích đối với nền kinh tế; trong đó, xác định kế hoạch hoạt động cụ thể 3 năm đầu.

3. Danh sách, lý lịch (theo mẫu) các văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn của thành viên sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc) Công ty tài chính.

4. Phương án góp vốn điều lệ, danh sách và cam kết về mức góp vốn điều lệ của các bên góp vốn.

5. Tình hình tài chính và các thông tin có liên quan về các cổ đông lớn. Đối với các cổ đông lớn là doanh nghiệp, các tài liệu phải nộp gồm:

a) Quyết định thành lập;

b) Điều lệ hiện hành ;

c) Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về số vốn điều lệ và số vốn thực có năm hiện hành;

d) Văn bản cử người đại diện pháp nhân của Doanh nghiệp;

e) Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất.

Doanh nghiệp mang hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp lên Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư. Sau đó, doanh nghiệp chờ từ 3 – 5 ngày để nhận giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được Sở Kế hoạch và đầu tư trả lời lý do bằng văn bản.

Bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về điều kiện thành lập công ty tài chính. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (2 bình chọn)