Tính chất pháp lý của hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp

Tính chất pháp lý của hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, Quý luật sư cho tôi hỏi vấn đề sau. Tôi đang tiến hành hoạt động thành lập doanh nghiệp. Trong thời gian này thì tôi có nhu cầu giao kết một số hợp đồng để phục vụ cho việc thành lập doanh nghiệp. Như vậy thì khi tôi giao kết những hợp đồng này tôi phải chịu trách nhiệm hay doanh nghiệp phải chịu? Vì doanh nghiệp chưa được thành lập nhưng những hợp đồng này đều được ký kết để phục vụ cho doanh nghiệp chứ không phải cho cá nhân tôi. Kính mong được Quý luật sư giải đáp!

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Tính chất pháp lý của hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp
Tính chất pháp lý của hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã gửi câu hỏi đến cho Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw. Về vướng mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn qua bài viết dưới đây.

1. Quy định về người thành lập doanh nghiệp?

Thành lập doanh nghiệp đó là việc tạo lập, thành lập lên một tổ chức kinh doanh khi hội tụ đầy đủ các điều kiện cần và đủ như cá nhân, tổ chức phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất: trụ sở, nhân lực, vật lực, dây chuyền sản xuất, nhà xưởng, vốn với mục đích thu được lợi nhuận kinh tế. Một doanh nghiệp có thể tồn tại trên thực tế phải được các chủ thể thực hiện thủ tục nhất định theo quy định pháp luật để lập nên, các chủ thể đó gọi là người thành lập doanh nghiệp.

Người thành lập doanh nghiệp là một khái niệm được quy định tại khoản 25 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020: “Người thành lập doanh nghiệp là tổ chức, cá nhân thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp”. Theo đó đây là người tham gia vào quá trình thành lập doanh nghiệp và có thể “được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp” theo quy định của khoản 1 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2020.

Về nguyên tắc theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thì trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp sẽ tiếp nhận quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng do người thành lập doanh nghiệp ký trước khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên với trường hợp doanh nghiệp không được thành lập thì Luật doanh nghiệp 2020 quy định tại khoản 3 Điều 18 đó là “người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng; trường hợp có người khác tham gia thành lập doanh nghiệp thì cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó”.

Riêng đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân, vì đặc tính không có tư cách pháp nhân sau khi thành lập nên sẽ không đặt ra vấn đề phân biệt trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân trước và sau khi thành lập. Trong mọi trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân đều phải chịu trách nhiệm vô hạn. Vấn đề chịu trách nhiệm của hợp đồng ký trước khi thành lập doanh nghiệp chỉ đặt ra đối với người thành lập doanh nghiệp là thành viên công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Với công ty hợp danh thì tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

“b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ  phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.”

2. Hợp đồng ký trước khi thành lập doanh nghiệp

Có thể hiểu rằng hợp đồng ký trước khi doanh nghiệp (hợp đồng thành lập doanh nghiệp) là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến quá trình đầu tư góp vốn thành lập một tổ chức kinh tế mới giữa các nhà đầu tư. Việc lựa chọn mô hình doanh nghiệp nào hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích kinh doanh và nhu cầu sử dụng tổ chức kinh tế của các nhà đầu tư.

Có ba vấn đề cần lưu ý đối với hợp đồng ký trước khi thành lập doanh nghiệp:

Đầu tiên, về các bên trong hợp đồng. Trong hợp đồng ký trước khi thành lập doanh nghiệp để phục vụ cho việc thành lập và hoạt động thành lập có thể có hoặc không có bên thứ ba. Các hợp đồng liên quan đến bên thứ ba thường thấy trên thực tế là hợp đồng là hợp đồng thuê trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc thỏa thuận nguyên tắc về tuyển dụng nhân viên. Hợp đồng không liên quan đến bên thứ ba thường được giao kết trên thực tế là là hợp đồng giữa những người thành lập doanh nghiệp về việc góp vốn và chia sẻ chi phí trước khi thành lập doanh nghiệp hoặc chia sẻ quyền quản lý doanh nghiệp. Hợp đồng này có thể đề cập đến trách nhiệm của doanh nghiệp khi doanh nghiệp được thành lập. Bên cạnh đó, hợp đồng riêng giữa những người thành lập doanh nghiệp với nhau  cũng thể được coi là hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hai, về mục đích của hợp đồng. Hợp đồng này bắt buộc phải nhằm mục đích phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp như nhằm để ổn định, chuẩn bị kĩ lưỡng cho việc thành lập, đảm bảo sự hoạt động của doanh nghiệp trong thời điểm trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể gồm những dạng sau:

– Là những hợp đồng được ký kết trước khi đăng ký kinh doanh liên quan đến hoạt động phục vụ cho việc thành lập, hoạt động công ty ví dụ như: Hợp đồng thuê trụ sở, Hợp đồng dịch vụ pháp lý với văn phòng/công ty luật để thực hiện thủ tục thành lập công ty,…

– Là các hợp đồng, giao dịch khác liên quan đến hoạt động của công ty: Hợp đồng thỏa thuận góp vốn, Hợp đồng thỏa thuận về quản lý điều hành,…

Trong trường hợp hợp đồng được người thành lập công ty ký kết nhưng không phải để phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký kinh doanh thì sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2020 mà thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí xác định mục đích nên khi giao kết hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp, các bên cần quy định rõ mục đích này trong hợp đồng.

Thứ ba, về thỏa thuận về trách nhiệm của các bên.

Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp đã ký kết và các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.

Có thể thấy quy định này là hoàn toàn hợp lý bởi vì suy cho cùng, mục đích của hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp là để phục vụ lợi ích cho doanh nghiệp. Vì vậy khi doanh nghiệp đã được công nhận trước pháp luật, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng nhân danh chính mình.

Trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo khoản 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020, người ký kết hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng; trường hợp có người khác tham gia thành lập doanh nghiệp thì cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của bên còn lại khi giao kết hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp, tức là quyền và nghĩa vụ của họ vẫn được đảm bảo dù doanh nghiệp có được thành lập hay không.

Như vậy, với trường hợp này, để tránh những rủi ro không đáng có thì trong hơp đồng giữa những người thành lập doanh nghiệp hoặc với bên thứ ba cần được làm rõ về vấn đề trách nhiệm.

Tại quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thì chưa có tiêu chí để đánh giá mức độ trách nhiệm của những người thành lập doanh nghiệp khi doanh nghiệp chưa được thành lập. Trên thực tế bản chất pháp lý của quan hệ giữa người thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Ví dụ như cách giải quyết trong trường hợp một người thành lập doanh nghiệp giao kết hợp đồng thuê trụ sở chính của doanh nghiệp nhưng lại thu lợi cho bản thân người đó (ví dụ như hưởng hoa hồng từ bên cho thuê). Vậy với trường hợp này thì người thành lập doanh nghiệp đó có cần công bố thông tin này không? Hay nếu việc thu lợi là bất chính thì người thành lập doanh nghiệp này có phải trả khoản tiền thu lợi bất chính ấy cho doanh nghiệp hay không? Việc thu lợi bất chính như vậy thì công ty có quyền khởi kiện hay có thể coi là giao dịch vô hiệu không? Pháp luật chưa có quy định nào rõ ràng để điều chỉnh vấn đề này.

3. Hướng giải quyết tranh chấp hợp đồng ký kết trước khi thành lập doanh nghiệp

Để giải quyết tranh chấp về hợp đồng ký kết trước khi thành lập doanh nghiệp có ba cách như sau:

Thứ nhất, thông qua thương lượng

Thương lượng là phương thức đầu tiên trong quá trình tiến hành giải quyết tranh chấp. Đây là hình thức giải quyết tranh chấp không chính thức, không có sự can thiệp của bất kỳ cơ quan nhà nước hay bên thứ ba nào. Thương lượng thể hiện quyền tự do thỏa thuận và tự do định đoạt của các bên. Theo đó, các bên cùng bàn bạc, thảo luận về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên nhằm đưa ra biện pháp, phương hướng giải quyết tranh chấp.

Lựa chọn giải quyết tranh chấp hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp thông qua thương lượng có những ưu và nhược điểm sau:

– Ưu điểm: không đòi hỏi thủ tục phức tạp, không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý, hạn chế tối đa chi phí cho các bên và có thể duy trì khả năng hợp tác, ít phương hại đến mối quan hệ giữa các bên.

– Nhược điểm: khi một hoặc cả hai bên không có thái độ nỗ lực hợp tác, thiếu sự thiện chí, trung thực trong quá trình thương lượng thì khả năng thành công là rất thấp, kết quả thương lượng thường bế tắc và kết quả thương lượng không được đảm bảo bằng cơ chế pháp lí mang tính bắt buộc.

Thứ hai, thông qua hòa giải

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Hòa giải không nhằm phân định ai đúng, ai sai trên cơ sở các bằng chứng và quyền, nghĩa vụ pháp lý để ra phán quyết như Trọng tài hay Tòa án, do đó bên thứ ba cũng không đưa ra các giải pháp mà chỉ giúp các bên thương lượng tìm được lợi ích chung, hướng đến giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận và tự nguyện tuân thủ.

Lựa chọn giải quyết tranh chấp hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp thông qua hòa giải có những ưu và nhược điểm sau:

– Ưu điểm: đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém, các bên hòa giải thành thì không có kẻ thắng người thua nên sẽ không gây ra tình trạng đối đầu giữa các bên, vì vậy duy trì được quan hệ hợp tác vốn có giữa các bên.

– Nhược điểm: hòa giải có thể không được tiến hành nếu như không có sự đồng ý của các bên và kết quả hòa giải không được bảo đảm bằng cơ chế pháp lý mang tính bắt buộc.

Thứ ba, thông qua Tòa án

Thủ tục thủ lý: Khi tranh chấp hợp đồng ký trước thành lập doanh nghiệp phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được giải quyết tại Tòa án.  Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án được xác định theo 04 bước:

– Bước 1: Thẩm quyền theo vụ việc;

– Bước 2: Thẩm quyền theo cấp xét xử;

– Bước 3: Thẩm quyền theo lãnh thổ;

– Bước 4: Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn.

Sau khi xác định đúng thẩm quyền giải quyết thì Tòa án có thẩm quyền nhận đơn khởi kiện và xem xét đơn khởi kiện. Trường hợp đơn khởi kiện hợp lệ thì Tòa án thông báo cho nguyên đơn về việc nộp lệ phí và tiền tạm ứng án phí. Sau khi nhận được biên lai phí và tiền tạm ứng án phí thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án. Tòa án sau đó giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định.

– Ưu điểm: các quyết định của Tòa án có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên và giải quyết bằng tòa án có thể qua nhiều cấp xét xử nên sẽ đảm bảo bản án, quyết định đó được chính xác, công bằng, khách quan, đúng pháp luật.

– Nhược điểm: thời gian giải quyết tranh chấp thường kéo dài và khả năng tác động của các bên trong quá trình tố tụng bị hạn chế.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw về thắc mắc của Quý khách liên quan đến Tính chất pháp lý của hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp. Nếu Quý khách còn có vướng mắc hay muốn biết thêm thông tin về các thủ tục thành lập doanh nghiệp, thay đổi thông tịn đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp,… xin vui lòng liên hệ với Tổng đài Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw, số hotline 19006284. Để sử dụng dịch vụ, Quý khách vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866.

——————————

Phòng tư vấn pháp lý Doanh nghiệp

 > Xem thêm:

5/5 - (2 bình chọn)