Trình tự, thủ tục xác lập hợp đồng kinh tế

Trình tự, thủ tục xác lập hợp đồng kinh tế

Luật Phamlaw có nhận được câu hỏi từ bạn có email Hoang….@gmail.com với nội dung như sau:

Thưa Luật sư

Tôi đang tìm hiểu về hợp đồng kinh tế. Luật sư có thể cho tôi biết về trình tự, thủ tục xác lập hợp đồng kinh tế được quy định như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Hợp đồng kinh tế là gì?

Hợp đồng kinh tế là văn bản thể hiện các giao dịch, thoả thuận giữa các bên ký kết thực hiện các hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ và các thoả thuận khác có liên quan đến mục đích kinh doanh, trong một hợp đồng kinh tế phải có quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ các bên.

Hợp đồng kinh tế cũng là một loại hợp đồng dân sự. Vì thế, trong hợp đồng phải quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên. Đồng thời, hợp đồng cũng phải được thỏa thuận dựa trên sự tự nguyện của tất cả các bên chủ thể.

Một số loại kinh tế thường gặp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thể kể tới như:

  • Hợp đồng mua bán hàng hóa
  • Hợp đồng cung ứng dịch vụ
  • Hợp đồng cung ứng nguyên liệu
  • Hợp đồng đầu tư, chuyển giao công nghệ
  • Hợp đồng kinh tế xây dựng
  • Hợp đồng vận chuyển;
  • Hợp đồng đại lý;
  • Hợp đồng môi giới;
  • Hợp đồng thuê tài sản;
  • Và các hợp đồng khác liên quan đến mục đích kinh doanh.

2. Nội dung của hợp đồng kinh tế

Trinh Tu Thu Tuc Xac Lap Hop Dong Kinh Te
Trình tự, thủ tục xác lập hợp đồng kinh tế

Hợp đồng kinh tế bao gồm các nội dung cơ bản sau:

  • Tên hợp đồng
  • Chủ thể giao kết hợp đồng.
  • Nội dung thỏa thuận hợp đồng
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên hợp đồng.
  • Thỏa thuận phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại.
  • Thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp.
  • Hiệu lực của hợp đồng.
  • Người đại diện ký kết hợp đồng.

Hợp đồng kinh tế có hiệu lực khi đảm bảo các điều kiện sau:

Thứ nhất, các chủ thể ký kết hợp đồng kinh tế phải phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có đủ thẩm quyền đại diện ký kết hợp đồng.

Thứ hai, các chủ thể ký kết hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện. Nếu xuất hiện việc ép buộc, giả dối sẽ làm vô hiệu hợp đồng khi ký kết.

Thứ ba, nội dung của hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Như vậy, khi giao kết hợp đồng kinh tế, các điều khoản, thỏa thuận của các bên trong hợp đồng phải thỏa mãn điều kiện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Bạn hoàn toàn có quyền từ chối thực hiện điều khoản bạn cho rằng điều khoản đó vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội và có quyền yêu cầu sửa đổi điều khoản đó. Trong trường hợp điều khoản không được sửa đổi mà bạn có căn cứ chứng minh việc thực hiện điều khoản đó sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và của toàn xã hội thì bạn có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu từng phần.

3. Trình tự, thủ tục xác lập hợp đồng kinh tế

Bước 1: Đề nghị giao kết hợp đồng kinh tế

Bên đề nghị đưa ra những điều khoản chủ yếu của hợp đồng, thời hạn trả lời và ký trước vào bản dự thảo hợp đồng sau đó gửi cho bên kia xem xét và có quyết định lập hợp đồng hay không.

Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:

  • Do bên đề nghị ấn định;
  • Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

  • Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;
  • Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;
  • Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

Bước 2: Chấp nhận đề nghị

Bên được đề nghị có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho bên đề nghị trong thời gian đề nghị. Nếu thống nhất hoàn toàn với bên đề nghị thì gọi là chấp nhận đề nghị và hợp đồng kinh tế được hình thành và có hiệu lực pháp lý từ khi bên được đề nghị thể hiện sự thoả thuận về tất cả các điều khoản chủ yếu của hợp đồng.

Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.

Bước 3: Giao kết hợp đồng

Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây: Đối tượng của hợp đồng; Số lượng, chất lượng; Giá, phương thức thanh toán; Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp.

Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

4. Những vấn đề cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng

Khi soạn thảo hợp đồng kinh tế, cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, khi soạn thảo Hợp đồng kinh tế phải sử dụng đúng tên loại hợp đồng ký kết

Thứ hai, khi soạn thảo hợp đồng cần chú ý về cơ sở pháp lý của hợp đồng. Việc xác định đúng căn cứ pháp lý giúp các bên áp dụng đúng quy định pháp luật trong quá trình các bên thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng và cũng là cơ sở để giải quyết tranh chấp sau này.

Thứ ba, Nội dung của hợp đồng kinh tế phải bao gồm đầy đủ theo quy chuẩn. Cụ thể, nội dung của hợp đồng kinh tế thường bao gồm 3 loại điều khoản như sau:

  • Điều khoản chủ yếu: Là điều khoản quan trọng, bắt buộc phải có trong các bản hợp đồng kinh tế. Nếu thiếu điều khoản này thì bản hợp đồng được coi là vô hiệu. Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định các điều khoản chủ yếu có trong hợp đồng bao gồm: Đối tượng của hợp đồng; Số lượng, quy chuẩn của hàng hóa; Phương thức thanh toán, số tiền cần thanh toán; Cách thức và thời gian thực hiện hợp đồng; Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia
  • Điều khoản thường lệ: Đây là các điều khoản thường có trong hợp đồng mà các bên có thể đưa vào hoặc không
  • Điều khoản tùy nghi: Là điều khoản mà các bên sẽ tự thỏa thuận với nhau, thường xuất hiện trong các vấn đề pháp luật chưa quy định, hoặc đã quy định nhưng các bên sẽ vận dụng linh hoạt theo trường hợp của mình. Chẳng hạn như điều khoản về giải quyết tranh chấp khi xảy ra tranh chấp.

Thứ tư, lưu ý về ngôn ngữ khi soạn thảo hợp đồng. Ngôn từ khi soạn thảo hợp đồng cần rõ ràng, dễ hiểu, đúng chính tả, tránh dùng từ nhiều nghĩa dễ gây hiểu nhầm cho người đọc.

Trên đây là một số quy định cơ bản về trình tự, thủ tục xác lập hợp đồng kinh tế. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho độc giả, để tránh tình trạng hợp đồng bị vô hiệu, hoặc ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn, Quý khách hàng có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

 

5/5 - (1 bình chọn)