Hợp đồng BOT là gì?
Hợp tác công tư là một cơ chế quan trọng không chỉ đóng vai trò trụ cột mà còn là một đòn bẩy đối với các nguồn lực tài chính nhằm xây dựng, cải thiện chất lượng mà mở rộng quy mô của cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của Việt Nam. Trong đó, hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế các quốc gia trên thế giới mà còn có ý nghĩa quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về Hợp đồng BOT là gì? Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Nghị định 35/2021/NĐ-CP
Nghị định 63/2018/NĐ-CP
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Khái niệm hợp đồng BOT
Căn cứ theo điểm a khoản 1 điều 45 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14, Khoản 3 Điều 3 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư:
Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (Hợp đồng BOT) là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước.
2. Đặc điểm của hợp đồng BOT
Hợp đồng BOT là loại hợp đồng mang hình thức của hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, hợp đồng BTO so với hợp đồng thương mại khác có những điểm khác biệt rõ nét sau đây:
Thứ nhất, Chủ thể ký kết hợp đồng: một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và một bên nhà đầu tư.
Thứ hai, Đối tượng của Hợp đồng: là các công trình kết cấu hạ tầng.
Thứ ba, Hình thức của hợp đồng: được lập thành văn bản.
Thứ tư, Nội dung của hợp đồng: Hợp đồng dự án bao gồm sự thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc xây dựng, kinh doanh và chuyển giao công trình cho Nhà nước Việt Nam. Nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng công trình và phải bàn giao công trình đó cho Nhà nước.
Thứ năm, Phương thức thực hiện hợp đồng: Nhà đầu tư phải thành lập doanh nghiệp BOT để tổ chức, quản lý, kinh doanh dự án hoặc thuê tổ chức quản lý, với điều kiện doanh nghiệp chịu toàn bộ trách nhiệm của tổ chức quản lý.
Thứ sáu, Lợi ích nhà đầu tư được hưởng là việc tiến hành quản lý và kinh doanh công trình trong một thời gian nhất định để thu hồi vốn đầu tư và có được lợi nhuận hợp lý. Hết thời hạn kinh doanh, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình cho Nhà nước Việt Nam.
3. Vai trò của BOT
Thứ nhất, Hợp đồng BOT công cụ hữu hiệu để thu hút vốn từ khu vực tư nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh cho Việt Nam.
Thứ hai, Hợp đồng BOT là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở hạ tầng giao thông cùng với vốn ngân sách và vay nước ngoài; vốn tín dụng; vốn thị trường chứng khoán (bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu).
Thứ ba, Hợp đồng BOT là công cụ hữu hiệu để thu hút vốn từ khu vực tư nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh cho Việt Nam.
Với hình thức này, nhà đầu tư đứng ra xây dựng và vận hành công trình hạ tầng trong một thời gian nhất định, Chính phủ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình ( bao gồm cả việc thu phí từ người sử dụng dịch vụ ) để thu hồi vốn đầu tư cũng như thu lợi nhuận, hết thời gian đó, nhà đầu tư sẽ chuyển giao không bồi hoàn cho nhà nước. Hợp đồng BOT được thực hiện theo phương thức: Nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp BOT để tổ chức, quản lý, kinh doanh dự án hoặc thuê tổ chức quản lý và doanh nghiệp đó phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Mô hình này khá phổ biến ở Việt Nam, thường được áp dụng đối với các dự án xây dựng và kinh doanh các tài sản cố định trong lĩnh vực giao thông đường bộ, xây dựng nhà ga, đường băng và các công trình phụ trợ sân bay, trong lĩnh vực đường sắt, đường thủy…
4. Thực trạng thực hiện hợp đồng BOT
Thời gian qua, mặc dù chính phủ đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, nhưng vẫn còn một số mặt chưa đạt như: Từ năm 2018 đến nay hầu hết các bộ, ngành, địa phương không triển khai được các dự án mới thuộc lĩnh vực giao thông vận tải theo hình thức hợp đồng BOT, chủ yếu chú trọng tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, giải quyết những tồn tại, hạn chế, rà soát quá trình chuẩn bị, thực hiện và khai thác các dự án BOT đã và đang triển khai thực hiện.
Nhiều công trình, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo về chất lượng cũng như tiến độ và thời hạn thực hiện, chất lượng xây dựng và bảo trì một số dự án chưa đạt yêu cầu, nhiều công trình nhanh chóng xuống cấp sau một vài năm. Nhiều dự án bộc lộ rõ sự hạn chế trong năng lực tổ chức thi công của nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm do nhiều hộ dân không đồng ý với phương án giải phóng mặt bằng, tình trạng khiếu nại còn nhiều dẫn đến thời gian thực hiện và triển khai dự án BOT bị kéo dài, không đúng tiến độ theo hợp đồng. Công tác quyết toán còn nhiều khó khăn và kéo dài, nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chưa hoàn thiện công tác quyết toán để làm cơ sở xác định thời gian hoàn vốn và xác định lịch trả nợ gốc vay ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều công trình có chi phí phát sinh cao, thời gian thi công bị kéo dài làm tổng chi phí đầu tư lên cao hơn so với dự toán. Điều này kéo theo nhiều vấn đề phát sinh gây ra khó khăn cho vận hành và quản lý dự án.
Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trên đó là :
Thứ nhất, môi trường pháp lý và đầu tư theo hình thức PPP nói chung và hình thức BOT nói riêng còn nhiều vướng mắc, chưa có tính ổn định, lâu dài. Quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, đồng thời do nhiều luật khác điều chỉnh ( như Luật ngân sách nhà nước; Luật đầu tư; Luật đầu tư công…). Rủi ro về khung pháp lý dẫn tới việc nhà đầu tư e ngại trong việc tham gia các dự án BOT, đồng thời có xu hướng đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn nhằm bù đắp cho những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu, điều này gián tiếp làm tăng chi phí của dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án BOT cũng như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế do cam kết từ phía khu vực công còn thấp.
Thứ hai, các dự án BOT chưa được quy hoạch và chuẩn bị hợp lý, giai đoạn đề xuất dự án chuẩn bị một cách sơ sài, riêng rẽ bởi các ngành, các địa phương. Nhiều dự án còn chưa được điều tra khảo sát, tính toán kỹ lưỡng. Công tác xây dựng báo cáo nghiên cứu chưa được đầy đủ và thống nhất. Do vậy, nhiều vấn đề, vướng mắc nảy sinh khi xây dựng thẩm định, phê duyệt và thực hiện, vận hành dự án khiến nhiều quyết định chưa được chính xác.
Thứ ba, công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo, đặc biệt là các cơ chế giám sát doanh thu của nhà đầu tư, chế tài xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng nhiệm vụ được giao, dẫn đến dễ xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện, đồng thời chất lượng dự án không đảm bảo, sụt lún, xuống cấp nhưng không được khắc phục kịp thời.
Thứ tư, cơ chế tài chính không được đảm bảo. Tổng mức đầu tư được lập và phê duyệt chưa đảm bảo theo quy định làm tăng vốn cho dự án; một số chi phí trong tổng mức đầu tư lập cao so với thực tế và quy định, thiếu căn cứ, chưa chú trọng cắt giảm chi phí những hạng mục không cần thiết làm tăng tổng mức đầu tư không hợp lý sẽ làm tăng thời gian thu phí hoàn vốn của dự án.
5. Một số đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư BOT
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả các dự án BOT cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, hoàn thiện quy định về đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có dự án BOT. Nhà nước cần xây dựng và ban hành một đạo luật riêng mang tính ổn định cao, thống nhất, đồng bộ điều chỉnh về PPP nói chung và dự án BOT nói riêng, khắc phục những vướng mắc, tồn tại của pháp luật và thực tiễn khai thác, thực hiện dự án PPP. Bởi một môi trường thể chế rõ ràng, tháo gỡ những rào cản không cần thiết sẽ bảo đảm tính minh bạch trong quá trình hợp tác, đồng thời phát huy được tối đa thế mạnh của khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ công.
Hai là, để nâng cao hiệu quả các dự án BOT cần sớm xây dựng, sửa đổi, ban hành các quy định pháp luật phù hợp; Ban hành tiêu chí thành lập trạm thu giá dịch vụ, xây dựng mức giá phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến; ban hành khung tiêu chuẩn chung làm cơ sở thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu giá, phí tự động không dừng, tránh tình trạng độc quyền trong lĩnh vực này và giám sát doanh thu của các trạm.
Ba là, tăng cường kiểm toán các dự án BOT gắn với trách nhiệm của các bên có liên quan gồm cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; ngân hàng tổ chức tín dụng và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kế toán.
Bốn là, cần quy định các biện pháp thu hút đầu tư. Chính phủ cần có chiến lược tổng thể về các chính sách hỗ trợ đặc thù cho dự án PPP nói chung và các dự án BOT nói riêng như ưu đãi về thuế, đất đai, lập quỹ dự phòng cho bảo lãnh chính phủ, áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu
Năm là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những hành vi tiêu cực, tham nhũng vi phạm, từ giai đoạn chuẩn bị dự án cho đến giai đoạn thực hiện, triển khai và quyết toán dự án, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bên thực hiện dự án đồng thời có cơ chế, chế tài xử lý nghiêm minh.
Sáu là, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển trong việc thực hiện, triển khai dự án, thu hút khu vực tư nhân tham gia vào dự án PPP, đảm bảo cơ chế tài chính trong cả quá trình đầu tư. Đặc biệt thúc đẩy cơ chế liên minh giữa các ngân hàng tham gia vào dự án BOT, kết hợp giữa dịch vụ ngân hàng với việc thu phí thông qua để áp dụng phí tại Việt Nam, rút ngắn thời gian phải vay vốn ngân hàng, trên cơ sở đó ngân hàng có khả năng tăng nhanh vòng quay vốn tín dụng, tài trợ được nhiều dự án hơn.
Bảy là, đẩy nhanh thủ tục về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng tái định cư để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án BTO, tránh tình trạng dự án bị kéo dài, chậm triển khai, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.
Tám là, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sự cần thiết và hiệu quả của việc thực hiện xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, góp phần nâng cao hiệu quả của các dự án BOT, đạt được sự đồng thuận của xã hội và người dân.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về hợp đồng BOT là gì, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.