Quy định về quyền ưu tiên góp vốn và mua cổ phần mới chào bán

Quy định về quyền ưu tiên góp vốn và mua cổ phần mới chào bán

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, gần đây tôi có nghiên cứu pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và đặc biệt quan tâm về quyền của các thành viên hay cổ đông công ty, tôi thấy một trong những quyền này có quyền ưu tiên góp vốn và mua cổ phần mới chào bán. Tuy nhiên tôi vẫn chưa thực sự hiểu hiểu được rõ vấn đề, rất kính mong Quý luật sư có thể tư vấn giúp tôi một cách tổng quát về quyền của thành viên và cổ đông công ty được ưu tiên góp vốn và mua cổ phần mới chào bán được không?

Mong sớm nhận được phúc đáp và trân trọng cám ơn!

Quy định về quyền ưu tiên góp vốn và mua cổ phần mới chào bán
Quy định về quyền ưu tiên góp vốn và mua cổ phần mới chào bán

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã quan tâm theo dõi các bài viết tư vấn và gửi câu hỏi đến cho Phamlaw. Về vướng mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn của mình qua bài viết dưới đây, hy vọng bài viết này sẽ giúp Quý khách làm rõ được thắc mắc của mình.

Quyền ưu tiên góp vốn và mua cổ phần mới chào bán

Như Quý khách đã tìm hiểu, quyền ưu tiên góp vốn và mua cổ phần mới chào bán là quyền cơ bản của thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hay cổ đông của công ty cổ phần. Quyền này được xác định theo tỷ lệ của thành viên hay cổ đông, là một loại quyền tài sản và có thể chuyển nhượng.

*Phạm vi của quyền ưu tiên góp vốn và mua cổ phần mới chào bán

Tại khoản 5 Điều 50 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định về quyền của thành viên như sau: “Được ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ”. Còn đối với cổ đông trong công ty cổ phần thì Luật doanh nghiệp 2014 có quy định tại điểm c khoản 1 Điều 114 như sau: “Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty”. Theo đó, quyền ưu tiên áp dụng khi công ty tăng vốn điều lệ thông qua việc thành viên góp vốn hoặc cổ đông mua cổ phần mới chào bán. Đây là quyền chỉ áp dụng cho phần vốn góp hoặc cổ phần và không áp dụng đối với phát hành trái phiếu và các loại chứng khoán khác và công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần phát hành.

Bên cạnh đó khoản 2 Điều 68 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định tại Điều 53 của Luật này. Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn. Trường hợp này, số vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.”

Tại khoản 1 Điều 124 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty.”

Như vậy căn cứ vào hai quy định trên cũng như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 114 thì quyền ưu tiên mua trong công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần đều được xác định dưa trên tỷ lệ sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần. Riêng đối với loại hình công ty cổ phần thì quyền ưu tiên của cổ đông là một vấn đề khá phức tạp. Bởi lẽ một công ty cổ phần có thể có nhiều cổ đông và có thể thường xuyên phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ.

*Chuyển nhượng quyền ưu tiên

Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật doanh nghiệp 2014, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt của Luật doanh nghiệp 2014 so với Luật doanh nghiệp 2005  khi mà Luật doanh nghiệp 2014 cho phép thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn có quyền chuyển nhượng quyền ưu tiên góp thêm vốn khi công ty tăng vốn điều lệ, tuy nhiên phải ưu tiên chuyển nhượng quyền ưu tiên này cho thành viên công ty trước khi chuyển nhượng cho một bên thứ ba.

Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 124 Luật doanh nghiệp 2014 thì: “Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác”. Luật doanh nghiệp 2014 trao quyền này cho cổ đông công ty cổ phần, kể cả chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần cho một cổ đông khác hoặc bất kỳ bên thứ ba nào.

Hoạt động chuyển quyền ưu tiên góp thêm vốn hoặc mua cổ phần phải được thực hiện trong thời hạn đăng ký góp thêm vốn hoặc mua cổ phần. Người nhận chuyển nhượng quyền ưu tiên chỉ có quyền đăng ký góp thêm vốn/mua cổ phần trong thời hạn đăng ký góp thêm vốn hoặc mua cổ phần (được ấn định trong thông báo gửi thành viên/cổ đông). Tuy nhiên Luật doanh nghiệp 2014 chưa có quy định rõ ràng trong việc người được chuyển nhượng có cần phải đăng ký góp thêm vốn hoặc mua cổ phần hay người thành viên/cổ đông phải đăng ký góp thêm vốn hoặc mua cổ phần thay cho người nhận chuyển nhượng. Vì vậy khi áp dụng trên thực tế, để tránh rủi ro thì người được chuyển nhượng và thành viên/cổ đông có thể cùng thông báo về việc chuyển nhượng quyền ưu tiên góp vốn hoặc mua cổ phần và người được chuyển nhượng đăng ký thực hiện quyền ưu tiên góp thêm vốn hoặc mua cổ phần.

*Từ bỏ quyền ưu tiên góp thêm vốn hoặc mua cổ phần mới chào bán

Theo Luật doanh nghiệp 2014 thì chưa có quy định nào điều chỉnh vấn đề từ bỏ quyền ưu tiên góp vốn của thành viên hay quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán của cổ đông. Vì vậy vấn đề này nên được quy định rõ ràng và cụ thể tại điều lệ công ty. Qua thực tiễn thì cổ đông cổn ty cổ phần thương từ bỏ quyền ưu tiên này thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông theo thông lệ của thị trường.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw về vướng mắc của Quý khách liên quan đến vấn đề Quy định về quyền ưu tiên góp vốn và mua cổ phần mới chào bán. Nếu Quý khách còn có vướng mắc hay muốn biết thêm thông tin về lĩnh vực doanh nghiệp hay các thủ tục hành chính như thành lập doanh nghiệp, thay đổi thông tịn đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp hoặc tư vấn chuyên sâu… xin vui lòng liên hệ với Tổng đài Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw, số hotline 1900. Để sử dụng dịch vụ, Quý khách vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

—————————

Phòng tư vấn Doanh nghiệp – Phamlaw

> Xem thêm:

 

 

Rate this post