TNHS của pháp nhân thương mại đối với các tội phạm về môi trường
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm môi trường diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường suy giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước. Kể từ khi Bộ luật hình sự năm 2015 được ban hành cho đến nay vẫn chưa có pháp nhân thương mại nào bị đưa ra xét xử tại Tòa án. Với tình trạng này, cho thấy các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS 2015 vẫn chưa thật sự hoàn thiện, dẫn đến thực tế chưa thể xử lý hình sự được các vi phạm của pháp nhân thương mại. Để hiểu rõ hơn về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội phạm về môi trường, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017
Bộ luật dân sự 2015
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Khái niệm pháp nhân thương mại phạm tội.
Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật dân sự năm 2015 thì pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của bộ luật này, luật doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Căn cứ và Điều 8, 74, 75, 76 BLHS 2015 có thể đưa ra khái niệm pháp nhân thương mại phạm tội như sau:
+ Pháp nhân thương mại phạm tội là pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Điều 76 BLHS 2015 do lỗi có ý hoặc vô ý xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, an toàn công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà theo quy định của BLHS phải chịu trách nhiệm hình sự.
+ Việc quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm trong BLHS là cơ sở để quy định những nội dung khác về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội trong BLHS
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường được hiểu là hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp nhân phạm tội phải gánh chịu và được thể hiện bằng việc Tòa án áp dụng hình phạt và các biện pháp cưỡng chế khác, được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
2. Cơ sở pháp lý trực tiếp để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại
Thứ nhất, nếu pháp nhân thương mại phạm tội, cần dựa vào các nguyên tắc nhất định để xử lý pháp nhân thương mại. Theo Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 pháp nhân thương mại bị xử lý theo các nguyên tắc sau:
+ Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
+ Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;
+ Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
+ Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.
Thứ hai, Cơ sở pháp lý: Điều 74 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này. Khi một pháp nhân thương mại phạm tội, pháp nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại chương XI của BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
3. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Về điều kiện chịu trách nhiệm, theo Điều 75 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:
+ Nhân danh chính mình thực hiện hành vi phạm tội;
+ Thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích của pháp nhân thương mại đó bao gồm lợi ích về tài chính, vật chất, kinh tế…. Trường hợp tội phạm được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp của pháp nhân nhưng không nhằm mang lại một lợi ích cho pháp nhân thì pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự;
+ Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. yếu tố “Chỉ đạo, điều hành, chấp nhận” là căn cứ quan trọng khi xác định lỗi của pháp nhân thương mại.
+ Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
4. Hệ thống hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại theo quy định của BLHS
Về hình phạt đối với pháp nhân thương mại.
Theo Điều 33, BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, hình phạt áp dụng cho pháp nhân bao gồm 2 loại là hình phạt chính và hình phạt bổ sung, theo nguyên tắc “đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”.
Hình phạt chính bao gồm:
– Hình phạt tiền (Điều 77): Hình phạt này được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng – cao hơn nhiều so với trách nhiệm hành chính.
– Đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78): Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế; Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.
– Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79): Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra; Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Hình phạt bổ sung bao gồm:
– Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80): Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội; Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể, thời gian bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động.
– Cấm huy động vốn (Điều 81): Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội, gồm: Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư; Cấm phát hành, chào bán chứng khoán; Cấm huy động vốn khách hàng; Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.
Ngoài ra, BLHS còn quy định các biện pháp tư pháp áp dụng cho pháp nhân phạm tội (Điều 82).
5. Sự cần thiết phải quy định TNHS đối với pháp nhân trong giai đoạn hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay, việc quy định TNHS đối với pháp nhân là cần thiết với những lý do sau:
Thứ nhất, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận đã và đang thực hiện nhiều hành vi bất chấp an toàn, tính mạng con người, xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, tổ chức, công dân, trật tự xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực về môi trường, thuế, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, xây dựng… với mức độ càng lúc càng gia tăng về sự tinh vi của hành vi, thiệt hại của hậu quả.
Thứ hai, các chế tài hành chính, dân sự hiện hành chưa đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa.
Thứ ba, việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân là xu thế phù hợp với hội nhập quốc tế.
Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Canada, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… đã quy định TNHS đối với pháp nhân. Điều này cũng được quy định trong nhiều Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, Công ước về phòng chống rửa tiền… Do vậy, việc bổ sung loại tội phạm này trong pháp luật hình sự của nước ta như là một minh chứng cho việc hội nhập quốc tế của Việt Nam, như là một cam kết của chúng ta trong việc thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời, việc quy định này cũng đưa pháp luật nước ta xích lại gần hơn, phù hợp với luật pháp của nhiều nước trên thế giới.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội phạm về môi trường, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.
TNHS của pháp nhân thương mại đối với các tội phạm về môi trường – Luật Phamlaw
Xem thêm
- Xử lý vi phạm pháp luật về đánh giá tác động môi trường
- Quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường