Hỏi: Tranthanhzo@…
Các luật sư cho em hỏi: Tối hôm qua em có đi chơi cùng bạn, khoảng 10h30 em có chạy xe máy về nhà, đến 1 ngã rẽ em rẽ vào nhưng không nhớ là có bật xi nhan hay không thì bị 1 nhóm cơ động khoảng 4 người chặn xe lại và có bắt ở lỗi không xin nhan (không báo chuyển làn đường). Luật sư cho em hỏi cảnh sát cơ động có được bắt người vi phạm đối với lỗi trên hay không? Em xin được chân thành cám ơn các luật sư.
Trả lời: (câu trả lời mang tính tham khảo)
Chào bạn, với câu hỏi của bạn Phạm Law xin được tư vấn như sau:
Trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) có phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Cụ thể tại Khoản 4, Điều 48 quy định CSCĐ có thẩm quyền xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện các hành vi vi phạm sau đây:
– Bấm còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;
– Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường;
– Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 (ba) xe trở lên ở lòng đường, trên cầu, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật;
– Bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;
– Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, trên cầu, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt.
– Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
– Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
– Chở theo 02 (hai) người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
– Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
– Chở theo từ 03 (ba) người trở lên trên xe;
– Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng;
– Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
– Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;
Như vậy, trong khoản 4 Điều 48 của nghị định trên thì cảnh sát cơ động không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với lỗi không bật tín hiệu chuyển làn của người tham gia giao thông.
Trên đây là câu trả lời của Phạm Law đối với trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn vui lòng kết nối trực tiếp đến Luật sư để được hỗ trợ tư vấn
Trân trọng./.