Quy định về giao dịch tiền ảo tại Việt Nam
Thưa Luật sư!
Theo quy định pháp luật hiện nay, việc giao dịch mua, bán, trao đổi tiền ảo tại Việt Nam hoàn toàn không bị cấm bởi pháp luật. Vậy tôi muốn hiểu rõ hơn các quy định về giao dịch tiền ảo tại Việt Nam hiện nay. Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.
Cảm ơn Luật sư!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Bộ luật dân sự 2015
Nghị định 143/2021/NĐ-CP
Luật Đầu tư năm 2020
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Giao dịch tiền ảo là gì?
Tiền ảo, tiền điện tử là một trong các loại hình tiền rất phổ biến trên hiện nay. Chúng được tạo ra và lưu thông trên thị trường thông qua hoạt động mua và bán. Nơi diễn ra hoạt động mua và bán đó gọi là sàn giao dịch tiền ảo.
Theo quy định của pháp luật Dân sự, tiền ảo không được coi là tài sản, bởi lẽ nó không thuộc các loại tài sản được quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015. Chính điều này, dẫn đến những hệ quả về các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tiền ảo cũng gần như rơi vào “khoảng trống”, không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp. Những khoảng trống này đều cần có một cơ chế pháp lý rõ ràng làm cơ sở để giải quyết những quan hệ xã hội nảy sinh trong các giao dịch dân sự liên quan đến tiền ảo đang diễn ra hàng ngày trên thực tế.
2. Tính pháp lý của các giao dịch tiền ảo
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Do vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tiền ảo đang nằm trong “khoảng trống pháp lý” khi không bị pháp luật cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, trong lĩnh vực pháp luật về tiền tệ
Căn cứ Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 của Ngân hàng nhà nước có nội dung như sau: “Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Cũng theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Văn bản hợp nhất 10/2019/VBHN-NHNN, việc phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp là một trong các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định 143/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; nặng hơn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Do đó, các chủ thể sử dụng tiền ảo làm công cụ thanh toán sẽ bị coi là bất hợp pháp. Nhưng nếu chỉ trao đổi và mua bán bình thường thì hoàn toàn không vi phạm pháp luật.
Thứ hai, trong lĩnh vực pháp luật dân sự
Tiền ảo không được xem là tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định này, tài sản chỉ tồn tại ở 4 dạng: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Theo đó, tiền ảo không thuộc một trong bốn loại nêu trên nên tiền ảo không được coi là tài sản. Vì vậy, việc sở hữu, sử dụng, mua bán, giao dịch tiền ảo như một loại tài sản sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho người sở hữu, người tham gia giao dịch tiền ảo và không được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, vì chưa có quy định pháp luật rõ ràng về tiền ảo nên gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp về tiền ảo. Các tranh chấp thường phát sinh liên quan đến tiền ảo gồm quyền sở hữu tiền ảo, mua bán tiền ảo, vay mượn tiền ảo, thừa kế tiền ảo và bồi thường thiệt hại trong giao dịch tiền ảo.
Thứ ba, trong lĩnh vực pháp luật đầu tư, kinh doanh
Pháp luật hiện hành không cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến tiền ảo. Trong danh sách các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 đều không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Vì vậy, các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn bằng tiền ảo thì không bị coi là cấm.
Lợi dụng kẽ hở này, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân lập ra các sàn đầu tư, sàn giao dịch về tiền ảo theo mô hình đa cấp, các sàn giao dịch ảo để huy động tiền từ những nhà đầu tư. Các nhà đầu tư thấy cái lợi trước mắt là sinh lợi nhanh, tỷ suất lợi nhuận cao, hưởng lợi từ mô hình tháp đa cấp nên ồ ạt đổ xô vào các sàn giao dịch điện tử mà không tìm hiểu kỹ về các rủi ro đến khi xảy ra sự cố như sập sàn đầu tư tiền ảo thì nhà đầu tư mới sửng sốt và biết rằng việc đòi lại tài sản của mình trên sàn là điều không thể.
3. Một số kiến nghị, đề xuất
Thực hiện Quyết định số 1255/2017/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo theo Quyết định số 664/2020/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Hiện nay, Tổ đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo trong chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như các thành viên khác tham gia thị trường.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo chưa được pháp luật quy định. Nhà đầu tư tiền ảo sẽ phải đối mặt rủi ro mất giá trị rất cao so với khi sử dụng tiền tệ truyền thống được chính phủ hỗ trợ, thậm chí có nguy cơ mất trắng khi bong bóng tiền ảo có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn các quy định pháp luật tại Việt Nam về giao dịch tiền ảo. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Xem thêm: