Thủ tục giải thể doanh nghiệp tại cơ quan thuế mới nhất

Phạm Law thông tin về quy trình và thủ tục giải thể doanh nghiệp tại cơ quan thuế theo quy định mới nhất, áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp.

Các nội dung chính sẽ có trong bài:

  1. thời điểm nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế
  2. hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế
  3. cách thức thực hiện
  4. quy trình giải quyết

Đây là những bước cơ bản đầu tiên cho một doanh nghiệp chuẩn bị tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp (Áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp như Công ty cổ phần; Công ty TNHH, Công ty hợp danh…). Doanh nghiệp cần đọc kĩ chi tiết hướng dẫn theo nội dung tư vấn dưới đây.

Giải thể doanh nghiệp là một trong những thủ tục bắt buộc theo quy định của pháp luật để doanh nghiệp thực hiện việc rút lui khỏi thị trường. Việc giải thể doanh nghiệp không chỉ làm phát sinh quan hệ giữa các thành viên trong nội bộ doanh nghiệp mà còn là quan hệ giữa doanh nghiệp với các chủ thể khác, bao gồm bạn hàng, đối tác, người lao động trong doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Thông thường, giải thể doanh nghiệp sẽ phải thực hiện qua nhiều bước và cơ quan khác nhau, trong đó, một trong những bước quan trọng và làm tiền đề để thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp trên Sở Kế hoạch và Đầu tư mà khá nhiều doanh nghiệp còn e ngại và thắc mắc đó là thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế tại cơ quan thuế. Mục đích của thủ tục này là nhằm xác định doanh nghiệp không còn nghĩa vụ với cơ quan nhà nước về thuế cũng như việc xử phạt các loại tờ khai, báo cáo thuế.

Dưới đây, Phamlaw sẽ giải thích và hướng dẫn quý khách hàng về quy trình và thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế tại cơ quan thuế.

Thứ nhất, thời điểm nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Thu Tuc Giai The Doanh Nghiep Tai Co Quan Thue Moi Nhat
Thủ tục giải thể doanh nghiệp tại cơ quan thuế mới nhất

Điểm đ Khoản 2 Điều 16 Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định như sau: “Doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo hướng dẫn tại Luật doanh nghiệp, Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì phải gửi hồ sơ cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo quy định tại Khoản 3 Điều 202 Luật doanh nghiệp (đối với trường hợp tự giải thể) hoặc Khoản 2 Điều 203 Luật doanh nghiệp (đối với trường hợp giải thể trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của toà án) để làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế.”

Như vậy, theo quy định trên, doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước khi nộp hồ sơ giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của doanh nghiệp sẽ được thực hiện cùng với thời hạn cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thứ hai, về hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Theo khoản 4 Điều 17 Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính, hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế bao gồm:

  • Quyết định giải thể;
  • Biên bản họp;
  • Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.

Lưu ý:

– Theo quy định của Pháp luật, chỉ những doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động xuất nhập khẩu thì khi giải thể mới bắt buộc phải có xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều chi cục thuế yêu cầu phải có văn bản xác nhận không nợ thuế Hải quan mới tiếp nhận hồ sơ bộ phận 1 cửa. Trường hợp này, Doanh nghiệp có thể chứng minh doanh nghiệp mình đang giải thể không đăng ký thuế xuất nhập khẩu, bộ phận một cửa chi cục thuế nơi doanh nghiệp tiến hành giải thể phải có nghĩa vụ tiếp nhận hồ sơ. Nếu không tiếp nhận hồ sơ, họ phải ra văn bản trả lời theo quy định của pháp luật.

– Số lượng hồ sơ: 1 bộ

Thứ ba, về cách thức thực hiện

– Trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế quản lý trực tiếp;

– Thông qua hệ thống bưu chính.

Thứ tư, về quy trình giải quyết

– Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của người nộp thuế, cơ quan thuế phải thực hiện Thông báo người nộp thuế ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế gửi cho người nộp thuế. Đồng thời chuyển trạng thái của người nộp thuế và các đơn vị trực thuộc của người nộp thuế về trạng thái “NNT ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế” trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.

– Sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế, người nộp thuế phải thực hiện nộp các hồ sơ liên quan và quyết toán các nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế trực tiếp quản lý theo quy định. Đây là giai đoạn đòi hỏi người trực tiếp xử lý của doanh nghiệp phải có kỹ năng, kinh nghiệm để giải quyết bởi phải thực hiện rất nhiều công việc như nộp lại hóa đơn đã phát hành, thanh lý tài sản công ty, thực hiện cáo cáo quyết toán, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính với cơ quan thuế.

– Sau khi hoàn thiện thủ tục trên, người nộp thuế sẽ nhận được kết quả là “Thông báo về việc người nộp thuế hoàn thành thủ tục giải thể tại cơ quan thuế” để thực hiện thủ tục cuối cùng giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Trên đây là thủ tục giải thể doanh nghiệp tại cơ quan thuế mới nhất hiện hành. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết cụ thể, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính và luật Doanh nghiệp 19006284 của Công ty Luật Phạm Law. Để được hỗ trợ các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866; 091 6110508 chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.

> Xem thêm:

 

 

 

 

 

Rate this post