Những ưu điểm của giải thể doanh nghiệp so với phá sản

Người gửi: Những ưu điểm của giải thể doanh nghiệp so với phá sản

Email: nguyenhuyjsc@…

Xin kính chào luật sư Pham law. Tôi có một câu hỏi rất mong nhận được sự tư vấn từ luật sư: Tôi là chủ một doanh nghiệp (công ty TNHH một thành viên). Vì một số vấn đề trục trặc trong kinh doanh nên tôi muốn giải thể doanh nghiệp. Vậy luật sư cho tôi hỏi nếu tôi chọn giải thể doanh nghiệp thì sẽ có ưu điểm gì cho chủ doanh nghiệp so với các hình thức chấm dứt hoạt động kinh doanh khác, cụ thể là phá sản? Rất mong nhận được sự phản hồi sớm của luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Những ưu điểm của giải thể doanh nghiệp so với phá sản
Những ưu điểm của giải thể doanh nghiệp so với phá sản

Luật sư tư vấn: (câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Xin chào chị! Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về cho công ty Luật Phạm Law. Đối với câu hỏi của chị công ty Luật Phạm Law xin được tư vấn như sau:

1. Căn cứ pháp luật

Luật Doanh nghiệp 2020

Luật phá sản 2014

2. Ưu điểm của giải thể doanh nghiệp.

Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, tốc độ thành lập doanh nghiệp tăng nhanh một cách đáng kể. Có thể thấy đó là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, việc số lượng doanh nghiệp ngày một nhiều đã tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng cao, nhiều doanh nghiệp đã không thích nghi và đáp ứng được dẫn đến tình trạng phải giải thể doanh nghiệp.

Giải thể doanh nghiệp thực chất đó là việc chấm dứt sự tồn tại, hoạt động của doanh nghiệp theo ý chí của doanh nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyền với điều kiện doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Nguyên nhân dẫn đến giải thể doanh nghiệp rất đa dạng, có thể xuất phát từ thu lợi nhuận không cao, công ty kinh doanh thua lỗ hoặc doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do vi phạm pháp luật, mâu thuẫn nội bộ doanh nghiệp dẫn đến các chủ doanh nghiệp tự quyết định giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù giải thể với lý do gì thì doanh nghiệp chỉ được phép giải thể khi doanh nghiệp đó bảo đảm và thực sự thanh toán hết các khoản nợ và thanh lý hết mọi hợp đồng đã ký kết. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp giải thể trước khi tiến hành chấm dứt sự tồn tại của mình trên thị trường, phải hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính, các khoản nợ phát sinh đối với người lao động, thuế, bảo hiểm xã hội và các khoản nợ phát sinh từ giao dịch với bên thứ ba.

Để được giải thể doanh nghiệp, phải thuộc các trường hợp được giải thể và đảm bảo các điều kiện giải thể theo quy định tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Cụ thể như sau:

1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.”

Căn cứ vào Điều 207, điều 208, điều 209, điều 210, điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có thể rút ra một số ưu điểm nổi bật của giải thể doanh nghiệp so với các thủ tục chấm dứt hoạt động doanh nghiệp khác như sau:

Thứ nhất, giải thể doanh nghiệp thể hiện được tính chủ động cho mỗi doanh nghiệp trước tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mình vì giải thể doanh nghiệp có yếu tố tự quyết của chủ doanh nghiệp. Điều này được thể hiện rõ tại quy định của điểm b khoản 1 điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về trường hợp doanh nghiệp bị giải thể: “1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;…”

Thứ hai, nếu phá sản là thủ tục tư pháp, do toà án có thẩm quyền quyết định sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, thời hạn giải quyết một vụ phá sản dài hơn và phức tạp hơn thì thủ tục giải thể doanh nghiệp bản chất lại là thủ tục hành chính nên thời gian giải quyết một vụ giải thể có thể sẽ ngắn và đơn giản hơn.

Thứ ba, trường hợp doanh nghiệp không giải thể mà thực hiện thủ tục phá sản thì người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản. Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước. Nếu người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định trên thì sẽ bị Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp chọn thủ tục giải thể doanh nghiệp thì sau khi doanh nghiệp bị giải thể, chủ doanh nghiệp bị giải thể có thể tiếp tục được thành lập và quản lý một doanh nghiệp khác.

Đây là một trong những ưu điểm rất lớn của giải thể doanh nghiệp so với thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh khác, ví dụ như phá sản.

Sở dĩ Nhà nước có cái nhìn ưu ái hơn đối với giải thể, hạn chế hơn đối với phá sản do xuất phát từ hậu quả pháp lý mà phá sản để lại bao giờ cũng nghiêm trọng hơn giải thể, ảnh hưởng lớn đến xã hội bởi vì điều kiện để các doanh nghiệp được giải thể là phải thanh toán hết nợ nên gần như không để lại thiệt hại gì cho xã hội. Còn phá sản thì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội, gây ra hiện tượng phá sản hàng loạt, bởi các khoản nợ của doanh nghiệp bị phá sản không phải hoàn toàn là nợ có bảo đảm, mà kể cả các khoản nợ có bảo đảm thì các chủ nợ cũng không chắc chắn 100% sẽ thu hồi được vì còn tùy thuộc vào tài sản còn lại của doanh nghiệp bị phá sản.

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Phạm Law về: “Những ưu điểm của giải thể doanh nghiệp so với phá sản”. Nếu có thắc mắc hoặc vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Phạm Law để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý. Để được hỗ trợ các dịch vụ pháp lý có liên quan đến: Chia tách; sáp nhập; Giải thể doanh nghiệp; Thành lập doanh  nghiệp; Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh…Quý khách hàng vui lòng kết nối đến số hotline: 097 393 8866 để được hỗ trợ trực tiếp.

————————————

Phòng tư vấn thủ tục hành chính – Phamlaw

 > Xem thêm:

3.9/5 - (10 bình chọn)