Quá trình hình thành vốn trong công ty cổ phần

Quá trình hình thành vốn trong công ty cổ phần

Vốn kinh doanh là biểu hiện bằng tiền của tất cả các giá trị  tài sản được huy động và sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong đó có công ty cổ phần nhằm mục đích sinh lời. Vậy Quá trình hình thành vốn trong công ty cổ phần diễn ra như thế nào? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Quá trình hình thành vốn trong công ty cổ phần là gì?

Theo từ điển Tiếng Việt, quá trình được hiểu là tập hợp các nhiệm vụ, các bước hoặc các hoạt động được thực hiện, theo một thứ tự cụ thể và dẫn đến một kết quả cuối cùng.

Còn vốn của doanh nghiệp nói chung là giá trị được tính bằng tiền của những tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, được sử dụng trong kinh doanh. Cũng như các chủ thể kinh doanh khác, để tiến hành các hoạt động kinh doanh, CTCP phải có vốn. Là loại hình công ty đối vốn điển hình nên vấn đề vốn của CTCP là hết sức phức tạp, được tiếp cận dưới nhiều góc độ, dựa trên những tiêu chí khác nhau. Căn cứ vào nguồn gốc hình thành, vốn của CTCP được chia thành: vốn chủ sở hữu (vốn tự có) và vốn tín dụng (vốn vay).

Như vậy, quá trình hình thành vốn trong công ty cổ phần là gì là tập hợp các nhiệm vụ, các bước hoặc các hoạt động được thực hiện, theo một thứ tự cụ thể và dẫn đến một kết quả cuối cùng đó là giá trị được tính bằng tiền của những tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp của công ty.

Quy trình hình thành vốn trong công ty cổ phần gồm ba bước chính đó là:

Bước 1: Góp vốn, chuyển sở hữu tài sản vào công ty;

Bước 2: Định giá tài sản góp vốn;

Bước 3: Thời hạn góp vốn.

2. Góp vốn, chuyển sở hữu tài sản vào công ty

Pháp luật thừa nhận công ty cổ phần là một pháp nhân (khoản 2 Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020). Do đó, công ty cổ phần sẽ có tài sản độc lập với các cá nhân và tổ chức khác. Tài sản của công ty cổ phần do các cổ đông đóng góp. Quá trình hình thành vốn của công ty được bắt đầu từ khi công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cũng từ thời điểm này, các cổ đông cam kết góp vốn vào công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản vào công ty. Cách thức chuyển quyền sở hữu tài sản được quy định tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty (khoản 3 Điều 35 Luật doanh nghiệp 2020). Với nghĩa vụ đảm bảo quyền sở hữu và quyền sử dụng của công ty và nghĩa vụ bảo đảm chất lượng đối với tài sản chuyển giao, dường như người góp vốn có những nghĩa vụ tương tự như người bán trong hợp đồng mua bán. Như vậy, cổ đông công ty mang tài sản góp vào công ty phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty.

Khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rằng đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ. Điều luật dường như chỉ muốn nhấn mạnh tới nghĩa vụ tiến hành các thủ tục sang tên của người góp vốn. Thực ra, việc xác định người có nghĩa vụ làm các thủ tục đồng nghĩa với xác định ai phải thực hiện các nghĩa vụ về tài chính (thường là lệ phí trước bạ trong quá trình thực hiện thủ tục sang tên). Thông thường, người nhận tài sản chuyển nhượng là người phải nộp lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, luật cũng không ngăn cấm việc các bên tự thỏa thuận ngược lại. Hơn nữa, tại đoạn cuối của điểm a khoản 1 Điều 35 Luật doanh nghiệp 2020, điều luật đã dẫn, quy định rằng việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, nếu công ty vì nhu cầu vốn mà buộc phải bán tài sản có đăng ký, và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thì đương nhiên công ty phải nộp lệ phí trước bạ và khi đó ai sẽ là người phải chịu lệ phí trước bạ: Công ty hay cổ đông góp vốn? Nếu công ty phải trả tiền lệ phí trước bạ thì đương nhiên tài sản công ty sẽ bị giảm. Như vậy, quy định tại điều luật này đang có vấn đề.

3. Định giá tài sản góp vốn

Định giá tài sản góp vốn là công việc quan trọng nhằm đánh giá giá trị tài sản đem góp vốn, đồng thời là cơ sở xác định phạm vi quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cổ đông công ty.

Theo quy định của pháp luật thì những tài sản mà không phải là tiền (đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi) và vàng thì phải được định giá. Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định việc định giá là do các cổ đông sáng lập công ty hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Tài sản góp vốn khi thành lập công ty phải được các thành viên sáng lập định giá theo quy tắc nhất trí; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên sáng lập liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số tiền chênh lệnh giữa các giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.

Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do công ty và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức chuyên nghiệp định giá. Trong trường hợp tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và công ty chấp thuận; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế thì thời điểm góp vốn thì người góp vốn hoặc tổ chức định giá và người đại diện theo pháp luật của công ty cũng liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số tiền chênh lệnh giữa các giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tài thời điểm kết thúc định giá. Như vậy, việc quy định trên là hoàn toàn có sở, nó bảo vệ quyền lợi về tài sản của các chủ thể có quan hệ với công ty, trách để ra tình trạng các cổ đông công ty khai khống vốn nhằm mục đích bất chính. Trong thực tế có các phương thức định giá sau:

Định giá theo thỏa thuận giữa các bên: Các bên có thể xác định giá trị của tài sản góp vốn bằng con số cụ thể, ví dụ: 1 triệu 2 triệu… Hoặc xác định công thức tính giá trị bằng các tham số có tác dụng làm cho giá trị của tài sản trở nên chắc chắn xác định được tại thời điểm góp vốn. Giá trị của tài sản phải được thông qua bằng nguyên tắc nhất trí. Tài sản góp vốn cũng có thể được định giá bởi một người thứ ba do các bên nhất trí chỉ định.

Định giá bởi một người thứ ba: Người thứ ba thông thường là các tổ chức định giá tài sản chuyên nghiệp (các công ty tài chính, ngân hàng…), được các bên ủy quyền để định giá. Người thứ ba phải thực hiện công việc một cách độc lập, không chịu sự chi phối của bất kỳ bên góp vốn nào trong việc định giá.

Việc định giá tài sản góp vốn có ý nghĩa rất quan trọng. Đối với chủ sở hữu cổ phần, nó là chìa khóa để phân chia quyền lực và lợi ích tài chính trong công ty. Bằng việc góp vốn, cổ đông góp vốn được nhận cổ phần có giá trị tương ứng với giá trị tài sản góp vốn. Giá trị cổ phần là tham số cho rất nhiều quyền của chủ sở hữu cổ phần: có số phiếu biểu quyết tương ứng cổ phần; được chia lợi nhuận tương ứng cổ phần; nhận lại giá trị tài sản khi giải thể hoặc phá sản công ty tương ứng cổ phần.

Đối với chủ nợ của công ty, tài sản khi được đem góp vốn thuộc về sản nghiệp của công ty, nằm trong khối tài sản có của công ty và được dùng để đảm bảo cho các khoản nợ của công ty. Nếu tài sản được định giá cao hơn so với giá trị thực tế, các chủ nợ sẽ bị thiệt hại do giá trị của tài sản đảm bảo không tương xứng với giá trị của nghĩa vụ mà công ty phải thực hiện.

Tuy nhiên, trong thực thể có những tài sản pháp luật cho phép được góp vốn nhưng việc định giá thực sự khó khăn và có thể dẫn đến trình trạng bất hợp lý. Chẳng hạn, đối với việc góp vốn bằng công nghệ (quyền sở hữu công nghiệp) thì yêu cầu phải có sự chuyển giao công nghệ. Nhưng trường hợp này định giá như thế nào hay căn cứ vào những tiêu chí gì. Đồng thời sau khi tài sản này được định giá rồi thì nó được khấu hao vào sản xuất hay không? Hiện nay, pháp luật cho phép các bên tự định giá với nhau như vậy có thể sẽ không hợp lý.

4. Thời hạn góp vốn vào công ty cổ phần

Thời hạn góp vốn được quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau: Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua. Theo đó, kể từ thời điểm cam kết góp vốn, các thông tin cụ thể về thời điểm góp vốn phải được CTCP ghi trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Việc góp vốn có thể được các cổ đông đăng ký góp thành nhiều đợt, đợt đầu tiên được tính từ ngày CTCP bắt đầu thực hiện các hoạt động kinh doanh và đợt cuối chậm nhất không quá 90 ngày, kể từ ngày CTCP được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Quy định này kế thừa nội dung của Luật doanh nghiệp 2014 nhằm thiết lập một thời hạn nhất định thay vì cổ đông sáng lập được quyền tự thả thuận thời điểm cam kết góp vốn. Thời hạn mà pháp luật đặt ra giải quyết đực tình trạng các cổ đông sáng lập thỏa thuận thời hạn góp vốn kéo dài hoặc cố tình chây ì không thực hiện đúng việc góp vốn. Mặt khác, quy định nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền trong quản lý kinh doanh trong việc theo dõi quá trình thực hiện nghĩa vụ góp vốn của các cổ đông sáng lập.

5. Phương thức góp vốn

Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phiếu ra thị trường để công khai huy động vốn. Cổ phiếu là một trong những phương thức huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp bên cạnh trái phiếu. Việc phát hành cổ phiếu của công ty cổ phần được thực hiện thông qua ba hình thức: Phát hành cổ phiếu nội bộ và phát hành cổ phiếu công khai trên thị trường chứng khoán. Cụ thể là:

Phát hành cổ phiếu lần đầu khi thành lập công ty:

Căn cứ theo quy định tại Điều 112 Luật doanh nghiệp 2020, quy định về vốn của công ty cổ phần khi thành lập.

Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Cổ phần đã bán là cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua.

Cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn. Số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng số cổ phần các loại mà công ty sẽ chào bán để huy động vốn, bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua và cổ phần chưa được đăng ký mua.

Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần chưa bán là tổng số cổ phần các loại chưa được đăng ký mua.

Như vậy, khi mới thành lập việc hình thành vốn của công ty cổ phần thông qua việc góp vốn của các cổ đông dựa trên việc đăng ký góp vốn theo tỉ lệ vốn điều lệ của công ty.

Phát hành cổ phiếu thông qua việc chào bán cổ phần được quy định tại Điều 123 Luật doanh nghiệp 2020. Trong đó bao gồm các phương thực: Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu (quy định tại Điều 124 Luật doanh nghiệp 2020) và chào bán cổ phần riêng lẻ (quy định tại Điều 125 Luật doanh nghiệp 2020). Đây là một trong những phương thức huy động vốn phổ biến hiện nay đối với các công ty chưa niêm yết trên sàn chứng khoán

Phát hành cổ phiếu công khai trên thị trường chứng khoán: Pháp luật quy định cho công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phiếu để công khai huy động vốn. Tuy nhiên, việc phát hành các loại chứng chỉ này phải tuân thủ những quy định của pháp luật có liên quan.

Như vậy, quá trình thành lập công ty cổ phần chỉ kết thúc khi các cổ phần dự định phát hành (toàn bộ hay một phần) đã được các cổ đông mua hoặc ít nhất là thỏa thuận đăng ký mua. Sau khi ra đời, công ty sẽ bắt đầu đi vào hoạt động, lúc này nguồn vốn của công ty chuyển hóa thành tài sản của công ty để phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, muốn phát huy hiệu quả tối đa.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw đối với nội dung Quá trình hình thành vốn trong công ty cổ phần? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)