Quyền yêu cầu giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối

Quyền yêu cầu giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối

Câu hỏi: Xin thưa quí luật sư tư vấn, Mẹ tôi mất cách đây khoảng vài tháng. Trong thời kỳ hôn nhân, mẹ tôi được ông bà ngoại tăng riêng 1 căn nhà (có công chứng đây là tài sản cho riêng mẹ tôi) trong thời kỳ hôn nhân – khi mất căn nhà này di chúc cho em trai tôi. Ngoài ra, 1 căn nhà khác thì di chúc lại cho 2 anh em tôi. Trước khi mẹ tôi mất, cả 2 căn nhà này ba tôi đều đã làm giấy cam kết 2 căn nhà này đều là tài sản riêng của mẹ tôi (có công chứng) nên chủ quyền đều đứng tên mẹ tôi. Sau đó mẹ tôi đã làm di chúc hợp pháp (có công chứng) với nội dung đã nêu trên cho 2 căn nhà. Hàng thừa kế thứ 1 hiện nay gồm ông ngoại tôi, ba tôi và 2 anh em tôi.

Xin hỏi ba tôi đã làm cam kết tài sản riêng cho mẹ tôi và trước khi mất mẹ tôi làm di chúc hợp pháp, thì ba tôi có được quyền khiếu kiện phần di sản thừa kế hay không? Ba tôi đã tiến hành khởi kiện với mục đích chứng minh tất cả tài sản này là của ông và việc cam kết cho tài sản là dấu hiệu ba tôi bị lừa gạt. Xin hỏi thêm với các giấy tờ hợp pháp, được công chứng đầy đủ, ba tôi khởi kiện với bất cứ luận điểm nào có thể chứng minh được tài sản này của ba tôi, và hủy di chúc hợp pháp của mẹ tôi không?.

Riêng ông ngoại tôi nếu tiến hành khởi kiện tranh chấp thì có phải được phân chia là 2/3 của 1 suất thừa kế của cả 2 căn nhà dù căn nhà đó di chúc cho em tôi hay căn nhà di chúc cho 2 anh em tôi phải không?

Xin cám ơn quí luật sư đã ghi nhận

Trả lời:  (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Về câu hỏi của bạn, PHAMLAW xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Quyen Yeu Cau Giao Dich Dan Su Vo Hieu Do Bi Lua Doi
Quyền yêu cầu giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối

*Thứ nhất, xác định tính hợp pháp của các giấy tờ: Giấy tặng riêng  một căn nhà của ông bà ngoại tặng cho mẹ bạn và giấy cam kết của ba bạn

Tại Khoản 1 Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.”

Như vậy theo quy định trên của pháp luật, việc mẹ bạn được ông bà ngoại tặng riêng  căn nhà trong thời kỳ hôn nhân là có hiệu lực pháp luật. Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn nhà này thuộc về riêng mẹ bạn.

Bên cạnh đó, bạn cũng đã đề cập tới một vấn đề khác trong câu hỏi: Ngoài căn nhà mẹ bạn được ông bà ngoại tặng riêng thì còn một căn nhà khác. Trước khi mẹ bạn mất, ba bạn đã làm giấy cam kết cả hai căn nhà này đều là tài sản riêng của mẹ bạn nên chủ quyền đứng tên mẹ bạn và giấy cam kết này đã được công chứng. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì: “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”. Như vậy căn nhà này cũng thuộc quyền sở hữu và sử dụng của mẹ bạn.

*Thứ hai, trả lời câu hỏi về quyền khiếu kiện phần di sản thừa kế của ba bạn

Căn cứ tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”

Theo quy định của Điều luật trên, ba bạn được quyền khởi kiện để yêu cầu hưởng phần di sản là 2 căn nhà trên thuộc về mình bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.

*Thứ ba, trả lời câu hỏi khởi kiện về”cam kết tài sản riêng” trong thời kỳ hôn nhân khi có dấu hiệu lừa dối

Theo như thông tin bạn cung cấp thì ba bạn đã tiến hành khởi kiện với mục đích chứng minh tất cả tài sản này là của ông và việc cam kết cho tài sản là dấu hiệu ba bạn bị lừa dối. Trong trường hợp này, ông vẫn có quyền được khởi kiện  theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 127 BLDS 2015 về Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép  quy định rằng:

“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó…

Bên cạnh đó, Điều 52 Luật công chứng 2014 cũng có quy định: “Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật”.

Từ các căn cứ nêu trên, nếu ba bạn có cơ sở chứng minh việc ông ký vào bản cam kết công nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu hai căn nhà thuộc về mẹ bạn là do bị lừa dối (sự kiện nào, cơ sở nào dẫn đến việc bị lừa dối? ) hoặc có căn cứ rõ ràng hợp pháp chứng minh được văn bản công chứng đó có vi phạm pháp luật thì có thể bị Tòa án tuyên các văn bản trên vô hiệu. Điều đó có thể dẫn các hậu quả pháp lý khác.

*Thứ tư, trả lời câu hỏi về việc hưởng thừa kế của ông ngoại

Tương tự như ba của bạn, pháp luật có quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

…”

Căn cứ vào Điều luật trên thì ông bạn hoàn toàn có quyền được thừa hưởng 2/3 của một suất thừa kế của hai căn nhà trên dù trong di chúc quyền thừa kế hai căn nhà này thuộc về anh em bạn. Vì vậy ông ngoại bạn cũng có quyền khởi kiện nếu không được thừa hưởng phần di sản này.

Trên đây là ý kiến tư vấn của PHAMLAW đối với câu hỏi “Quyền yêu cầu giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối”, Nếu bạn còn vướng mắc hay cần biết thêm thông tin chi tiết, xin hãy kết nối đến tổng đài tư vấn của PHAMLAW. Muốn hỗ trợ dịch vụ, xin vui lòng liên hệ tới số hotline: 0973938866; 091 611 0508. Chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ.

Phòng tư vấn thủ tục hành chính – Luật Phamlaw

 

 

 

 

 

 

 

5/5 - (1 bình chọn)