Trình tự, thủ tục thành lập Ban kiểm soát công ty cổ phần

Trình tự, thủ tục thành lập Ban kiểm soát công ty cổ phần

Đối với loại hình công ty cổ phần, bởi tính quy mô lớn với số lượng các cổ đông của doanh nghiệp. Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần được đánh giá là rất phức tạp. Nhiều trường hợp có thể phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích. Vì vậy Ban kiểm soát trong công ty cổ phần đóng vai trò quan trọng và cần thiết. Vậy trình tự, thủ tục thành lập Ban kiểm soát công ty cổ phần tiến hành như thế nào? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Ban kiểm soát công ty cổ phần là gì?

Ban kiểm soát trong công ty cổ phần được hiểu là cơ quan thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc và Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; kiểm tra, thẩm định các hoạt động kinh doanh, báo cáo kinh doanh, báo cáo tài chính của công ty; Ban kiểm soát nằm độc lập và có quyền hạn nhất định với Hội đồng quản trị, không chịu sự điều chỉnh của Hội đồng quản trị.

Như vậy, bản chất của ban kiểm soát công ty cổ phần chính là đảm bảo sự thận trọng và minh bạch trong hoạt động kinh doanh của công ty cổ phần.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cũng vì hoạt động kiểm tra, rà soát này mà đôi khi làm bộ máy của công ty cổ phần cồng kềnh, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường của công ty. Do vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty cổ phần có thể lựa chọn việc có Ban kiểm soát hay không trong cơ cấu tổ chức, quản lý công ty của mình.

2. Vai trò của ban kiểm soát trong công ty cổ phần

Trong công ty cổ phần, nếu Đại hội đồng cổ đông có vai trò điều hành các hoạt động của công ty, chi phối việc ra các quyết định; Hội đồng quản trị có vai trò quản lý, giám sát , chỉ đạo trong việc điều hành công việc kinh doanh của công ty, thì vai trò của Ban kiểm soát là kiểm tra, giám sát các hoạt động của cả Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông để các hoạt động của công ty được minh bạch vì lợi ích của các cổ đông và công ty.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Ban kiểm soát. Thực tế thì, khi quy mô của công ty cổ phần nhỏ, số lượng cổ đông ít, thường không có sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người điều hành trực tiếp, mà các cổ đông thường đồng thời là người điều hành công ty, tức là Đại hội đồng cổ đông sẽ đồng thời là thành viên của Hội đồng quản trị.

Tuy nhiên, khi quy mô công ty lớn hơn, số lượng cổ đông nhiều hơn, người điều hành trực tiếp công ty có thể không phải là cổ đông, sự điều hành và quản lý công ty sẽ trở nên phức tạp hơn và do đó, cần có một đội ngũ quản trị chuyên nghiệp. Mối lo ngại của các cổ đông – người sở hữu thực sự của công ty – về việc điều hành công ty của hội đồng quản trị và ban giám đốc là một mối lo ngại chính đáng và có cơ sở. Đây là một trong những lý do dẫn đến sự ra đời của ban kiểm soát. Theo điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020, ban kiểm soát sẽ phải được thành lập khi công ty có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty.

Với các chức năng được quy định trong Luật Doanh nghiệp và điều lệ của công ty, ban kiểm soát thực hiện việc giám sát hội đồng quản trị, ban giám đốc (giám đốc hoặc tổng giám đốc) trong việc quản lý và điều hành công ty, kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính cũng như thẩm định báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hàng năm và sáu tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của hội đồng quản trị.

3. Tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên

Theo quy định tại Điều 169 Luật Doanh nghiệp 2020, Kiểm soát viên phải có tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

Thứ nhất, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.

Thứ hai, được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác (Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột…)

Thứ tư,  không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

Ngoài ra, Kiểm soát viên phải thỏa mãn các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.

4. Trình tự, thủ tục thành lập Ban kiểm soát công ty cổ phần

Bước 1: Họp Đại hội đồng cổ đông

Theo Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020 thì việc bầu miễn nhiệm, bãi nhiệm kiểm soát viên sẽ do hội đồng cổ đông quyết định thông qua cuộc họp đại hội đồng cổ đông.

Bước 2: Thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông

Điều kiện để thông qua nghị quyết của Đại hội đồng thành viên là được số cổ đông đại diện cho trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành (khoản 2 Điều 148 Luật doanh nghiệp 2020).

Bước 3: Bầu Trưởng Ban kiểm soát

Điều 168 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định Trưởng Ban kiểm soát do Ban kiểm soát bầu trong số các Kiểm soát viên; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo nguyên tắc đa số.

Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số Kiểm soát viên thường trú tại Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.

Lưu ý: Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu được quy định tại Khoản 3 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020

Trên đây là bài viết về Trình tự, thủ tục thành lập Ban kiểm soát công ty cổ phần? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Rate this post