Tóm tắt câu hỏi: Chủ thể có quyền ký kết hợp đồng lao động
(gửi từ bạn có địa chỉ email: nguyentam123@…)
Xin chào Luật sư Phạm Law! Tôi có câu hỏi muốn được Luật sư Phạm Law tư vấn như sau: Gia đình tôi có mở một cửa hàng tạp hóa, đã đăng ký thành lập hộ kinh doanh tại UBND cấp huyện. Sắp tới chúng tôi có nhu cầu thuê thêm ba lao động để trông coi và dọn dẹp của hàng. Vậy Luật sư có thể tư vấn cho tôi biết, nếu ký kết hợp đồng lao động thì ai là người được ký kết và chúng tôi có thể ký kết hợp đồng lao động với người dưới 18 tuổi không? Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư!
Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến tổng đài tư vấn pháp luật của công ty Luật Phạm Law. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật Lao động năm 2019;
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của bộ luật Lao động.
2. Chủ thể của hợp đồng là gì?
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì chủ thể của hợp đồng được hiểu là cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác đáp ứng được các quy định của pháp luật dân sự như có năng lực hành vi dân sự và thỏa thuận với nhau về hình thức hợp đồng để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng.
Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự thì chủ thể của hợp đồng có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.
– Trường hợp chủ thể hợp đồng là cá nhân thì phải đáp ứng được các điều kiện sau:
+ Cá nhân từ 18 tuổi trở lên phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự được phép tham gia tất cả các hợp đồng dân sự và tự mình chịu trách nhiệm về việc thực hiện hợp đồng đó.
+ Cá nhân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi thì được ký kết các hợp đồng dân sự nếu tự mình có tài sản để thực hiện hợp đồng đó.
+ Cá nhân dưới 16 tuổi được phép tham gia các hợp đồng có giá trị nhỏ phục vụ nhu cầu tối thiểu của mình.
– Trường hợp chủ thể hợp đồng là các pháp nhân thì phải đáp ứng được các điều kiện sau:
+ Phải có năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân.
+ Phải có tài sản riêng, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Lưu ý: Dù là cá nhân hay pháp nhân thì khi tham gia ký kết hợp đồng và để hợp đồng có hiệu lực, các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng đều phải tuân thủ nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, không bên nào ép buộc bên nào trong việc ký kết hợp đồng.
3. Chủ thể có quyền ký kết hợp đồng lao động
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động được hiểu là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc và quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Như vậy, hợp đồng lao động là hình thức pháp lý minh chứng cho mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trên thực tế, có nhiều trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu do người ký kết hợp đồng không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Vì vậy, người lao động cũng như người sử dụng lao động khi ký kết hợp đồng tham gia quan hệ lao động cần lưu ý đối với vấn đề này.
Theo đó, khoản 2 Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về nghĩa vụ giao kết hợp đồng như sau:
“Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phả giao kết hợp đồng với người lao động”.
Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 khá rộng, đó là:
Thứ nhất, đối với phía người sử dụng lao động, người có thể có thẩm quyền giao kết hợp đồng đó là:
+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
+ Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
+ Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
Thứ hai, đối với phía người lao động, người có thể có thẩm quyền giao kết hợp đồng đó là:
+ Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
+ Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
+ Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.
Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.
Khi giao kết hợp đồng lao động, về nguyên tắc, người lao động không được ủy quyền cho người khác, điều này thể hiện ý chí của các chủ thể, tôn trọng nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, một số trường hợp pháp luật cho phép người lao động có thể ủy quyền cho người đại diện của nhóm người lao động ký kết hợp đồng. Đó là đối với công việc theo mùa vụ theo quy định tại Điều 18 Bộ luật lao động 2019.
Về phía người sử dụng lao động là tất cả doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đinh, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ..
Nếu người sử dụng lao động tại Việt Nam muốn giao kết hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài thì người lao động nước ngoài đó cần có các điều kiện quy định tại Điều 151 Bộ luật lao động 2019 như: Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam; Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này.
Như vậy, đối chiếu trường hợp của chị với quy định của pháp luật, hộ kinh doanh được định nghĩa theo Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP là do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
KẾT LUẬN: Trường hợp của chị, chị chính là chủ hộ kinh doanh và là người có quyền ký kết hợp đồng lao động (theo Điều 18 Bộ luật lao động 2019 trình bày ở trên), và có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác. Ngoài ra, chị có thể ký kết hợp đồng lao động với người dưới 18 tuổi, tuy nhiên, khi ký kết hợp đồng lao động với người dưới 18 tuổi, chị phải lưu ý điều kiện luật định với từng trường hợp như: người lao động từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động; người lao động dưới 15 tuổi, hợp đồng lao động sẽ do người đại diện theo pháp luật ký kết và phải có sự đồng ý của người lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw đối với câu hỏi về “Chủ thể có quyền ký kết hợp đồng lao động”. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.