Phân biệt đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường

Phân biệt đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường

Hiện nay, sự suy thoái và ô nhiễm môi trường đã để lại nhiều hậu quả bất lợi như: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn… gây nên sự biến đổi về môi trường, khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người. Có thể nói đây là vấn đề bức thiết mang tính toàn cầu, bảo vệ môi trường đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhận thức được các vấn đề này và nhằm chung tay cùng các quốc gia khác trên thế giới trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có công tác đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường. Để hiểu rõ hơn về đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật bảo vệ môi trường 2020

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Phân biệt đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường

Đánh giá môi trường chiến lược ( ĐMC)Đánh giá tác động môi trường ( ĐTM )
Đối tượngMôi trường của các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, chiến lược (Điều 25 LBVMT 2020)Môi trường của các dự án đầu tư cụ thể (Được quy định tại Điều 30 LBVMT 2020)
Chủ thểCơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch có trách nhiệm đánh giá môi trường chiến lược đồng thời với quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch đó. (K1 điều 26 LBVMT 2020)Chủ thể thực hiện đánh giá là chủ dự án đầu tư tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thực hiện.

(Khoản 1 Điều 31 LBVMT 2020)

Cách thức tiến hànhĐánh giá sự phù hợp của chính sách có liên quan đến bảo vệ môi trường trong chiến lược với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của LBVMT 2020(Điều 27 LBVMT 2020)Đánh giá tác động môi trường do chủ dự án đầu tư tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thực hiện. Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

(Khoản 1 điều 31 LBVMT 2020)

Thời điểm tiến hànhThời điểm đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng.(Khoản 2 Điều 29 LBVMT 2020)Thời điểm thực hiện ĐTM là đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Nội dung báo cáoNội dung đánh giá môi trường chiến lược của chiến lược và nội dung đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch được quy định tại điều 27 LBVMT 2020.Báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm những nội dung chính sau:

(1) Xuất xứ của dự án đầu tư;

(2) Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch bảo vệ môi trường

(3) Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường;

(4) Điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, đa dạng sinh học;

(5) Nhận dạng, đánh giá, dự báo các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh theo các giai đoạn của dự án đầu tư đến môi trường; quy mô, tính chất của chất thải;

(6) Công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải;

(7) Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đầu tư đến môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có);

(8) Chương trình quản lý và giám sát môi trường;

(9) Kết quả tham vấn;

(10) Kết luận, kiến nghị và cam kết của chủ dự án đầu tư.

( Điều 32 LBVMT 2020 )

Hình thức thể hiệnBáo cáoBáo cáo
Tham vấnBắt buộc (Được quy định tại điểm k khoản 2 điều 27)Bắt buộc ( K1 điều 33 LBVMT 2020)

Dự án đầu tư thuộc danh mục bí mật nhà nước không phải thực hiện tham vấn.( Khoản 6 Điều 33 LBVMT 2020)

Thẩm địnhCơ quan chủ trì thẩm định quy hoạch có trách nhiệm thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình thẩm định quy hoạch. Cơ quan phê duyệt chiến lược có trách nhiệm xem xét kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình phê duyệt. (Điều 26 LBVMT 2020)Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM bao gồm văn bản đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM; báo cáo ĐTM ; báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư.

Với dự án đầu tư xây dựng phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng, chủ dự án đầu tư được trình đồng thời hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM với hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; thời điểm trình do chủ dự án đầu tư quyết định nhưng phải bảo đảm trước khi có kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.

Cơ quan thẩm định ban hành quyết định thành lập hội đồng thẩm định gồm ít nhất là 07 thành viên; gửi quyết định thành lập hội đồng kèm theo hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM đến từng thành viên hội đồng. Hội đồng thẩm định phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là chuyên gia. (Điều 34 LBVMT 2020)

2. Thực trạng thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở Việt nam trong giai đoạn hiện nay

Thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước về môi trường. Thông qua hoạt động này, cơ quan nhà nước với tư cách là cơ quan phản biện các báo cáo ĐTM sẽ đưa ra những ý kiến phân tích, phản biện, xem xét về mặt pháp lý cũng như những nội dung khoa học trong báo cáo ĐTM.

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ĐTM đã được hoàn thiện với Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn lập báo cáo ĐTM đối với các loại hình dự án đầu tư khác nhau. Chính phủ đã hình thành bộ máy quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương cho đến địa phương, mở rộng thêm các đơn vị có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, các đơn vị tư vấn ĐTM cũng được hình thành và đi vào hoạt động.

2.1 Về ưu điểm

– Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ĐTM trong hoạt động đầu tư đã có nhiều tiến bộ.

– Số lượng người tham gia vào quá trình lập, thẩm định ĐTM đã tăng lên. Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, nơi có nhiều dự án kinh tế, dự án khai thác khoáng sản đang được chuẩn bị, đã tổ chức thẩm định được 210 báo cáo ĐTM và dự án cải tạo phục hồi môi trường và 875 kế hoạch bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng tốt nhu cầu dự báo và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động đầu tư. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện nghiêm túc về công tác bảo vệ môi trường. Chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên phạm vi tỉnh, chất lượng môi trường biển được duy trì và công khai thông tin kịp thời phục vụ cho công tác quản lý và nhu cầu xã hội.

– Việc thẩm định báo cáo ĐTM được triển khai một cách mạnh mẽ: Công tác kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các yêu cầu về BVMT của các dự án sau khi được phê duyệt ĐTM được tiến hành chặt chẽ. Việc giám sát BVMT đối với các dự án khai thác khoáng sản trọng điểm tại một số địa phương như Tây Nguyên, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bình Định,… đã được tiến hành một cách chặt chẽ.

2.2 Một số bất cập, hạn chế

Thứ nhất, chất lượng báo cáo ĐTM còn bị phụ thuộc vào chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, loại hình dự án, nguồn lực thực hiện, hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định. Công tác ĐTM và quản lý ĐTM chưa đạt hiệu quả cao.

Trên thực tế, trách nhiệm pháp lý của nhà thẩm định ĐTM cũng gặp nhiều bất cập, chưa thực sự hiệu quả, bởi lẽ chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý của hội đồng thẩm định. Đơn cử trong trường hợp nêu ý kiến của hội đồng thẩm định là sai, trái với quy định của pháp luật, thì tính chịu trách nhiệm pháp lý ở đây sẽ được thực hiện như thế nào hoặc sẽ bị xử lý ra sao, trong khi liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường hiện nay không đề cập đến vấn đề này hoặc thậm chí chưa có quy định xử lý về mặt hình sự đối với vấn đề này. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng đến hoạt động phê duyệt, triển khai các dự án, các công trình xây dựng diễn ra trong thực tế, việc xảy ra sai phạm trong bất kỳ trường hợp nào đối với hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM cũng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường hiện nay của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, ý kiến của hội đồng thẩm định hiện nay chỉ mang giá trị tư vấn ở góc độ khoa học môi trường và các góc độ liên quan chứ chưa mang giá trị pháp lý cao.

Thứ hai, năng lực giám sát sau phê duyệt còn yếu kém.

Công tác kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các nội dung BVMT trước khi dự án đi vào hoạt động chính thức tuy đã được đẩy mạnh, nhưng chưa làm được nhiều, một mặt do cơ quan quản lý nhà nước chưa có đủ điều kiện về nguồn nhân lực và các trang thiết bị máy móc cần thiết. Họ cũng chưa có đủ quyền để cưỡng chế việc thực thi các yêu cầu được ghi trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ Công ty TNHH Vedan trắng trợn vi phạm Luật BVMT – xả trái phép nước thải (chưa qua xử lý) xuống sông Thị Vải kéo dài liên tục trong 14 năm. Khi vụ việc bị lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện và điều tra thì có tới 3 hành vi không xử phạt được do đã hết thời hạn xử phạt hành chính. Cả ba hành vi này đều liên quan đến báo cáo ĐTM bổ sung và cam kết bảo vệ môi trường

Thứ ba, các biện pháp hỗ trợ cộng đồng mang tính hình thức.

Trong thực tiễn hiện nay, hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM chủ yếu vẫn tập trung vào hình thức thông qua hội đồng thẩm định. Hoạt động lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan vẫn còn ít, dẫn đến việc không thu thập được nhiều ý kiến từ các bên liên quan, trong đó ý kiến của người dân là một kênh thông tin rất quan trọng trong việc triển khai dự án. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, ý kiến tham vấn từ người dân chỉ xuất hiện trong báo cáo ĐTM và mang tính tham khảo chứ chưa đóng vai trò tiên quyết trong hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM. Hay nói cách khác, hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM hiện nay chưa có sự tham gia phản biện từ phía người dân – những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc triển khai dự án trên địa bàn nơi có khu vực dân cư ở đó đang sinh sống, dẫn đến việc vai trò giám sát từ phía người dân chưa đảm bảo trong hoạt động quản lý nhà nước.

Bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về công tác đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường theo quy định pháp luật mới nhất, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của Phamlaw  qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Phân biệt đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường – Luật Phamlaw

xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)