Chấm dứt hợp đồng lao động vì không hoàn thành công việc

Chấm dứt hợp đồng lao động vì không hoàn thành công việc

Thưa Luật sư!

Tôi muốn hỏi: Trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật lao động 2019

Nghị định 12/2022/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Thế nào là thường xuyên không hoàn thành công việc

Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”

Theo đó, không có định nghĩa cụ thể về việc người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc được giao. Việc đánh giá người lao động có hoàn thành công việc phải căn cứ vào các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế mà doanh nghiệp đã quy định. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Trường hợp doanh nghiệp tự đặt ra quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc mà không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động thì sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

2. Chấm dứt hợp đồng lao động vì không hoàn thành công việc

Căn cứ vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 36 Bộ luật lao động 2019, người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

– Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn

– Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.

– Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

– Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Trước khi giao kết hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về tiền lương và việc người lao động phải hoàn thành công việc. Trường hợp người lao động không hoàn thành công việc không những gây thiệt hại cho người lao động mà đó còn là sự vi phạm hợp đồng lao động. Bởi vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 tạo cơ chế cho người sử dụng lao động được quyền chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người sử dụng lao động.

Lưu ý, người sử dụng lao động chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc được giao, đối với trường hợp người lao động thỉnh thoảng không hoàn thành công việc được giao thì không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động (bởi ai cũng có thời điểm gặp khó khăn dẫn đến tâm lý, trí lực, thể lực bị ảnh hưởng và không hoàn thành công việc được giao trong một khoảng thời gian nhất định nên người sử dụng lao động cần phải cảm thông cho người lao động trong trường hợp này).

Việc đánh giá người lao động hoàn thành hay không hoàn thành công việc phải thể hiện rõ tiêu chí trong quy chế của người sử dụng lao động từ trước; điều này sẽ giúp người lao động biết được quy định mà cố gắng thực hiện tốt, cũng như tránh trường hợp người sử dụng lao động lấy có người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động một cách tùy tiện làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Tuy nhiên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này thì người sử dụng lao động cần thông báo trước cho người lao động trong khoảng thời gian mà Bộ luật Lao động năm 2019 quy định; việc thông báo trước sẽ giúp người lao động có thời gian bàn giao công việc, đủ thời gian tìm việc làm mới để có thu nhập, đời sống của người lao động và gia đình họ được ổn định.

3. Xử lý vi phạm khi ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc nhưng không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Căn cứ theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Thứ nhất, Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

– Cho thôi việc đối với người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo một trong các trường hợp sau: không trao đổi ý kiến trước với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên; không thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người lao động;

– Trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không lập phương án sử dụng lao động; lập phương án sử dụng lao động nhưng không đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật hoặc không trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng phương án sử dụng lao động;

– Sử dụng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc nhưng không tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Đối với tổ chức mức phạt sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu như doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nhưng lại không tham khảo ý kiến của tổ chức này mà ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động và sử dụng nó thì doanh nghiệp có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu (đối với tổ chức).

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)