Bàn về điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật hiện hành

Bàn về điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật hiện hành- Phamlaw

Chỉ dẫn địa lý – một trong những đối tượng của bảo hộ sở hữu công nghiệp, là dấu hiệu để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Đó có thể là tên địa phương, vùng, khu vực hoặc tên quốc gia nhằm xác định sản phẩm đến từ khu vực địa lý đặc biệt; ngoài ra chỉ dẫn địa lý còn bao gồm cả những dấu hiệu như biểu tượng để chỉ nơi hàng hoá được sản xuất ra. Chẳng hạn một số chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại Việt Nam: nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, chè xanh Mộc Châu, bưởi Đoan Hùng,….

Ban Ve Dieu Kien Bao Ho Doi Voi Chi Dan Dia Ly Theo Quy Dinh Cua Phap Luat Hien Hanh
Bàn về điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật hiện hành

Tuy nhiên, bảo hộ chỉ dẫn địa lý vẫn còn là khái niệm khá mới ở Việt Nam, tính đến tháng 07/2013 chỉ có 35 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, mặc dù thuật ngữ này đã được bắt đầu ở Pháp vào đầu thế kỷ 20 với tên gọi “chỉ dẫn nguồn gốc” và “tên gọi xuất xứ hàng hóa”. Được đề cập lần đầu tiên trong Công ước Paris (1883) về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, sau đó dần dần được quy định rõ hơn trong Thỏa ước Madrid năm 1981, và tại khoản 1 Điều 22 của Hiệp định TRIPs, chính thức đưa bảo hộ chỉ dẫn địa lý được thừa nhận trên phạm vi quốc tế. Ở Việt Nam, thuật ngữ này được xuất hiện lần đầu vào năm 1989 trong Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và Bộ luật Dân sự 1995 với tên gọi “Tên gọi xuất xứ hàng hóa”. Với tên gọi “Chỉ dẫn địa lý” được quy định lần đầu tại Nghị định số 54/2000/NĐ-CP.

Hiện nay, với tư cách là một thành viên của Thỏa ước Madrid, Hiệp định TRIPs, các quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ta có nhiều điểm tương đổng, dựa trên những quy định của thỏa ước quốc tế nêu trên. Cụ thể quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam như thế nào về bảo hộ chỉ dẫn địa lý? Sau đây Công ty Luật PhamLaw sẽ cùng với quý Khách bàn về điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn đia lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể:

Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý như sau:

Thứ nhất, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương đương.

Trong đó, có nguồn gốc từ khu vực địa lý được hiểu là sản phẩm phải được sản xuất, gia công, chế biến từ vùng địa lý đó. Mà theo đó nếu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải liên quan đến khu vực địa lý đặc biệt, nếu sản xuất ở nơi khác sẽ không đảm bảo được chất lượng, uy tín như vậy.

Quá trình làm nên sản phẩm là yếu tố có ảnh hưởng đến việc quyết định chất lượng sản phẩm, bao gồm nhiều công đoạn khác nhau, có những công đoạn có thể thực hiện ở nơi khác ngoài khu vực địa lý đó mà hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến chất lượng, đặc tính của sản phẩm, nhưng cũng có những công đoạn đặc biệt phải được tiến hành tại khu vực địa lý đã xác định. Có những sản phẩm nguyên liệu có thể khai thác từ những địa phương khác nhau nhưng phương pháp chế biến mới là yếu tố quyết định nên sự khác biệt của sản phẩm. Vậy có cần toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến cho đến khi tạo ra thành phẩm để đưa ra thị trường phải được tiến hành tại khu vực địa lí đó không hay chỉ một số công đoạn nhất định?

Có thể thấy, quy định hiện nay của pháp luật hiện hành là chưa rõ ràng, nhưng có thể hiểu điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lí là chỉ cần có một hoặc một số công đoạn sản xuất có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, uy tín của sản phẩm được tiến hành tại địa phương đó đã đủ điều kiện tạo nên đặc tính của sản phẩm mà không nhất thiết toàn bộ quy trình sản xuất được tiến hành ở đó

Thứ hai, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. Điều kiện này bao gồm 02 nội dung như sau:

+ Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu. Theo đó, chất lượng, đặc tính chủ yếu có thể hiểu là tổng thể các thuộc tính bao gồm: các chi tiêu, thông số kỹ thuật, các đặc trưng về cảm quan, bảo quản,… cùng với các chỉ dẫn quy trình sản xuất để xác định phẩm chất riêng biệt của sản phẩm. Và những chỉ tiêu về chất lượng phải được xác định bằng các thông số có thể đo được, so sánh được.

+ Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng. Danh tiếng ở đây được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm thông qua mức độ rộng rãi của người tiêu dùng biết đến và lựa chọn sản phẩm. Danh tiếng của sản phẩm có thể gắn liền với các yếu tố lịch sử, hay các lễ hội truyền thống.

Đối với điều kiện thứ hai này, có thể hiểu sản phẩm cần đáp ứng hai yếu tố: có danh tiếng và chất lượng hoặc có danh tiếng hoặc đặc tính, bởi vì như đã phân tích, chất lượng và đặc tính là yếu tố xác định tính riêng biệt của sản phẩm.

Trên đây là tư vấn của công ty TNHH tư vấn PhamLaw về Điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định. Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.

Rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng!

Trân trọng!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4.3/5 - (3 bình chọn)