Sở hữu trí tuệ là gì?

Sở hữu trí tuệ được hiểu là việc sở hữu các tài sản trí tuệ – những kết quả từ hoạt động tư duy, sáng tạo của con người. Đối tượng của loại sở hữu này là các tài sản phi vật chất nhưng có giá trị kinh tế, tinh thần to lớn góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền văn minh, khoa học, công nghệ của nhân loại. Đó là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình khoa học kỹ thuật ứng dụng cũng như các tên gọi, hình ảnh được sử dụng trong các hoạt động thương mại.
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của cá nhân, pháp nhân đối với các sản phẩm trí tuệ do con người sáng tạo. Đó là độc quyền được công nhận cho một người, một nhóm người hoặc một tổ chức, cho phép họ được sử dụng hay khai thác các khía cạnh thương mại của một sản phẩm sáng tạo.Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: (i) Quyền tác giả các tác phẩm văn học và nghệ thuật; (ii) Sáng chế, giải pháp hữu ích; (iii) bí mật kinh doanh; (iv) kiểu dáng công nghiệp; (v) nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ; (vi) chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hoá; (vii) tên thương mại; (viii) giống cây trồng mới; (ix) thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; (x) quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp.

Quyền tác giả 

Đối tượng được bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được sáng tạo, thể hiện dưới một hình thức nhất định và có tính nguyên gốc, không phân biệt hình thức, ngôn ngữ thể hiện và chất lượng của tác phẩm.

Quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức nhất định. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không bắt buộc phải đăng ký quyền tác giả tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tác phẩm dù có đăng ký hay không đăng ký quyền tác giả đều được hưởng sự bảo hộ như nhau từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, việc đăng ký quyền tác giả lại cần thiết và rất có ý nghĩa trong việc chứng minh quyền tác giả khi có tranh chấp xảy ra.

 Sáng chế, giải pháp hữu ích 

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Người muốn được hưởng quyền đối với sáng chế/giải pháp hữu ích phải làm đơn xin cấp Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn phải thể hiện đầy đủ bản chất của giải pháp kỹ thuật xin bảo hộ theo những hình thức được quy định chặt chẽ bởi pháp luật về sáng chế/giải pháp hữu ích.  Đơn sẽ được xét nghiệm theo trình tự và thủ tục luật định. Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp nếu đơn được trình bày theo đúng quy định, sáng chế/giải pháp hữu ích trong đơn thỏa mãn các tiêu chuẩn bảo hộ, và người nộp đơn đã nộp đủ các khoản lệ phí quy định. Phạm vi, nội dung, thời hạn bảo hộ quyền đối với sáng chế/giải pháp hữu ích được xác định theo Bằng độc quyền được cấp.

Quyền đối với sáng chế/giải pháp hữu ích được bảo hộ trong thời hạn Bằng độc quyền có hiệu lực. Bằng độc quyền sáng chế, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ.

Kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Người muốn được hưởng quyền đối với Kiểu dáng công nghiệp phải làm đơn xin cấp Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ . Đơn phải thể hiện đầy đủ bản chất của Kiểu dáng công nghiệp xin bảo hộ theo những hình thức được quy định chặt chẽ bởi pháp luật về Kiểu dáng công nghiệp. Đơn sẽ được xét nghiệm theo trình tự và thủ tục luật định. Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp được cấp nếu đơn được trình bày theo đúng quy định, Kiểu dáng công nghiệp trong đơn thỏa mãn các tiêu chuẩn bảo hộ, và người nộp đơn đã nộp đủ các khoản lệ phí quy định. Phạm vi, nội dung, thời hạn bảo hộ quyền đối với Kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền được cấp.

Thời hạn bảo hộ quyền đối với Kiểu dáng công nghiệp là thời hạn Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực. Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ và có thể được gia hạn liên tiếp 2 lần, mỗi lần 5 năm.

Nhãn hiệu hàng hóa 

Nhãn hiệu hàng hóa là dấu hiệu dùng để nhận biết hàng hóa hoặc dịch vụ của một cơ sở kinh doanh, giúp phân biệt chúng với hàng hóa hoặc dịch vụ của các cơ sở kinh doanh khác. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là chữ cái hoặc chữ số, từ, hình ảnh hoặc hình vẽ, hình khối (03 chiều) hoặc sự kết hợp các yếu tố này. Nhãn hiệu hàng hoá được hiểu bao gồm cả nhãn hiệu dịch vụ.

Nhãn hiệu tập thể là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm hoặc dịch vụ của các thành viên thuộc một hiệp hội với sản phẩm hoặc dịch vụ của các cơ sở không phải là thành viên.

Nhãn hiệu nổi tiếng là loại nhãn hiệu hàng hóa đã được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi.

Người muốn được hưởng quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá phải làm đơn xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn phải tuân theo những hình thức được quy định chặt chẽ bởi pháp luật về nhãn hiệu hàng hoá Đơn sẽ được xét nghiệm theo trình tự và thủ tục luật định. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá được cấp nếu đơn được trình bày theo đúng quy định, nhãn hiệu hàng hoá trong đơn thỏa mãn các tiêu chuẩn bảo hộ, và người nộp đơn đã nộp đủ các khoản lệ phí quy định. Phạm vi, nội dung, thời hạn bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá được xác định theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá được cấp.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần 10 năm. Thời hạn bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá phát sinh trên cơ sở đăng ký quốc tế theo Thoả ước madrid được Nhà nước bảo hộ từ ngày đăng ký quốc tế được công bố trên Công báo nhãn hiệu hàng hoá quốc tế của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đến hết thời hạn hiệu lực đăng ký quốc tế theo Thoả ước Madrid. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ vô thời hạn tính từ ngày nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng ghi trong Quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.

Chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa

Chỉ dẫn địa lý là những từ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, địa phương đó với điều kiện những mặt hàng này có các tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó.

Tóm lại, chỉ dẫn địa lý không chỉ là tên gọi mà còn là những từ, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh trong khi đó tên gọi xuất xứ chỉ là tên địa lý.

Chỉ dẫn địa lý (không bao gồm tên gọi xuất xứ hàng hoá) được bảo hộ mà không cần phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tên gọi xuất xứ hàng hoá chỉ được bảo hộ thông qua việc đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Giấy chứng nhận đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hoá có hiệu lực vô thời hạn.

Tên địa lý nước ngoài chỉ được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam nếu đang được bảo hộ tại nước mang tên hoặc có địa phương mang tên đó.

 Tên thương mại 

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại thì tên gọi đó phải là tập hợp các chữ cái (có thể kèm theo chữ số) phát âm được; và có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh.

Tên thương mại sẽ không được bảo hộ nếu gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã được sử dụng từ trước trên cùng một địa bàn và trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đã được bảo hộ từ trước khi bắt đầu sử dụng tên thương mại đó, hoặc thuộc các đối tượng không  hộ, như tên gọi của các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

Tên thương mại được tự động bảo hộ (không cần phải đăng ký) khi đáp ứng các yêu cầu nêu trên. Tên thương mại được bảo hộ chừng nào chủ sở hữu vẫn còn duy trì hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

Mọi hành vi sử dụng bất kỳ chỉ dẫn thương mại nào trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại.

Bí mật kinh doanh 

Để được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh, thông tin phải có đủ các điều kiện sau đây: (i) Không phải là hiểu biết thông thường; (ii) Có giá trị thương mại đối với người nắm giữ thông tin đó và đem lại cho chủ sở hữu lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh những người không nắm giữ thông tin đó; (iii) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Bí mật kinh doanh được bảo hộ mà không cần phải nộp đơn đăng ký, và được bảo hộ khi bí mật kinh doanh còn đáp ứng đủ các điều kiện bảo hộ như đã nêu trên.

Giống cây trồng mới

Theo Pháp lệnh về giống cây trồng mới, Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới được cấp cho người chọn tạo giống cây trồng mới bao gồm giống cây nông nghiệp và giống cây lâm nghiệp.

Để được bảo hộ thì giống cây trồng mới phải thuộc các chi, loài cây trồng trong danh mục được bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, phải có tính khác biệt; có tính đồng nhất; có tính ổn định; có tính mới về mặt thương mại và có tên gọi phù hợp.

Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp. Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ có quyền cho phép hay không cho phép người khác sử dụng vật liệu nhân của giống được bảo hộ, sản phẩm thu hoạch nhận được từ việc gieo trồng vật liệu nhân của giống được bảo hộ trong các hoạt động kinh doanh hoặc nhằm mục đích kinh doanh.

Thời hạn bảo hộ giống cây trồng mới là 20 năm, đối với cây thân gỗ và nho là 25 năm. Thời gian bắt đầu được bảo hộ tính từ ngày hồ sơ yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới được Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới chấp nhận là hồ sơ hợp lệ.

Thiết kế bố trí mạch tích hợp 

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và các mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.

Để được bảo hộ thì Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn phải có tính nguyên gốc -Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn  là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn  và chưa được biết đến rộng rãi trong giới những người sáng tạo Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn tại thời điểm được tạo ra.

Để được hưởng quyền đối với Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn thì phải làm đơn xin cấp Bằng độc quyền Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn  và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Bằng độc quyền Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được cấp nếu đơn được trình bày theo đúng quy định, Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ, và người nộp đơn đã nộp đủ các khoản lệ phí quy định.

Chủ sở hữu công nghiệp đối với Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có quyền thực hiện hoặc ngăn cấm người khác thực hiện bất kỳ hành vi nào sau đây đối với Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ nhằm mục đích kinh doanh: (i) Sao chép Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn theo Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn  được bảo hộ; (ii) Phân phối, nhập khẩu bản sao Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ.

Bằng độc quyền Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thời hạn bảo hộ Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn bắt đầu từ ngày cấp Văn bằng bảo hộ và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau: (i) Ngày kết thúc 10 năm, kể từ ngày cấp Văn bằng; (ii) Ngày kết thúc 10 năm, kể từ ngày Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được người có quyền nộp đơn hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới; (iii) Ngày kết thúc 15 năm, kể từ ngày tạo ra Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.

Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh

Theo quy định của pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh của Việt Nam thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm: (i) Sử dụng các chỉ dẫn thương mại để làm sai lệch nhận thức và thông tin về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ; (ii) Chiếm đoạt, sử dụng thành quả đầu tư của người khác mà không được người đó cho phép.

Tóm lại, pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh quy định cơ sở pháp lý để thực hiện việc chống lại các hành vi vi phạm nhãn hiệu chưa đăng ký bảo hộ, các trang trí, bao gói sản phẩm, và thông tin bí mật. Quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh cũng có thể áp dụng nếu một bên sử dụng một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu hàng hóa của người khác đã đăng ký cho các sản phẩm/dịch vụ khác với sản phẩm/dịch vụ của nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký và việc sử dụng đó có khả năng gây nhầm lẫn.

 

3/5 - (3 bình chọn)