THAM NHŨNG VÀ CÁC TỘI DANH LIÊN QUAN ĐẾN THAM NHŨNG
Căn cứ pháp lý
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017
Luật phòng chống tham nhũng năm 2018
Từ lâu, tình trạng tham ô, lãng phí, tiêu cực và tham nhũng đã diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, len lỏi từ các cấp, các ngành, địa phương.
Tham nhũng là gì?
Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.
Nhận diện tham nhũng và các tội danh tham nhũng
Tham nhũng về kinh tế: Đây là dạng tham nhũng rất phổ biến, diễn ra trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, từ quan chức cấp cao đến cấp thấp và rất dễ nhận biết. Họ dùng chức vụ, quyền hạn được giao, hạch sách, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân để thu về tiền bạc, vật chất… Hành vi này xuất hiện ở cả những hành vi tham những vặt, nhận phong bì, đến những vụ tham nhũng lớn, nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng, biệt thự, đất đai, ô tô,…
Tham nhũng quyền lực: là dạng tham nhũng mà người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng vị thế để đưa những người thân tín, họ hàng và người đút lót, hối lộ vào giữ những chức vụ, vị trí quan trọng trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội nhằm vụ lợi. Tình trạng này rất đúng với một câu nói: Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ và thứ tư là trí tuệ. Đây là dạng tham nhũng rất nguy hiểm và khó phát hiện. Khi họ sắp xếp người không có đạo đức, năng lực chuyên môn vào những vị trí quan trọng, nó không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà về lâu dài, nó sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Tham nhũng chính trị: là dạng tham nhũng của những người có quyền lực, tác động vào các quyết định về cơ chế, chính sách, những quyết định lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thu lợi cho bản thân, gia đình hoặc một nhóm người. Họ có thể cấu kết với người cùng có quyền lực để thay đổi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm mưu cầu lợi ích cho ngành, địa phương, đơn vị mình hoặc nhóm người có cùng lợi ích. Như việc ra các quy định về chính sách thuế, tiền lương, tiêu chuẩn bổ nhiệm, hưu trí hoặc ra các quyết định đầu tư dự án lớn: xây dựng sân bay, cảng biển, khu đô thị,…
Các tội danh liên quan đến tham nhũng
Điều 2 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 cũng đã quy định rất chi tiết, đầy đủ về các hành vi tham nhũng. Và những hành vi này cũng tương đương với các tội danh trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, các tội phạm thuộc nhóm tội phạm tham nhũng bao gồm 6 tội cụ thể sau:
– Tội tham ô tài sản
– Tội nhận hối lộ
– Tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản
– Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
– Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
– Tội giả mạo trong công tác
Như vậy, tùy vào mức độ hành vi và thiệt hại của tội phạm mà pháp luật sẽ có những chế tài khác nhau để áp dụng đối với từng tội phạm cụ thể của nhóm tội phạm tham nhũng.
Thực trạng tham nhũng hiện nay
Một bộ phim lấy cảm hứng từ những sự kiện mang tính thời sự – đại án tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu sinh phẩm y tế, phơi bày nhiều mưu mô, thủ đoạn, những hoạt động ngầm của nhóm tội phạm, những liên minh lợi ích giữa doanh nghiệp và quan chức, đó chính là Đấu trí. Bộ phim đã phần nào phản ánh chân thực câu chuyện về cuộc chiến chống lại những kẻ có tiền, có quyền, có địa vị, có cả tri thức nhưng lại luôn có âm mưu, thủ đoạn, từ chạy án đến gây sức ép ngược lại cho cơ quan điều tra. Điều này khiến cho những chiến sỹ cảnh sát kinh tế phải rất vất vả, có thể thấy như trong vụ công ty Khải Tuấn đẩy giá sinh phẩm kít test và “lại quả” lãnh đạo những khoản hoa hồng kếch xù, hay vụ buôn lậu của Gia Thịnh mà hậu thuẫn không chỉ dừng lại ở một chi cục trưởng.
Như vậy, mặc dù chỉ là một bộ phim thôi, nhưng qua đó, chúng ta cũng có thể thấy được những thủ đoạn hết sức tinh vi, lợi dụng quyền lực, quan hệ, chủ trương chính sách để tạo nên một rào chắn vững chắc cho mình. Mà điều đáng buồn là trong số đó không chỉ có những người nắm quyền lực doanh nghiệp, mà còn có cả những người thực thi pháp luật.
Và trên thực tế, vấn đề tham nhũng cũng được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây. Có thể kể đến vụ nâng khống thiết bị xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong vụ án này, các đối tượng đã thông đồng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nâng khống giá thiết bị y tế lên đên 300%, khiến người bệnh phải trả phí cao hơn thực tế nhiều lần.
Hay vụ Đại án Việt Á: cũng nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19, trong đó có 8 quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, cơ sở y tế các tỉnh, thành phố. Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4000 tỷ đồng.
Đây chỉ là 2 trong số những vụ án tham nhũng trong những năm gần đây, ngoài ra còn rất nhiều vụ án tương tự đã được đưa ra xét xử, và cũng còn những hành vi tham nhũng chưa được phơi bày ra ánh sáng. Tuy nhiên, có thể thấy, hậu quả của những hành vi tham nhũng rất nghiêm trọng, nó ảnh hưởng tới rất nhiều người, nhất là những người không có tiền, không có địa vị, chức vụ, quyền hạn. Dịch bệnh Covid ập đến khiến biết bao người mất đi, vậy mà vẫn có những người lợi dụng hoàn cảnh ấy để trục lợi riêng cho mình. Những hành động này đáng bị xã hội lên án chung tay đẩy lùi.
Nhưng cũng từ nhưng vụ việc như thế này, Đảng và Nhà nước ta cũng cần phải quan tâm hơn nữa cuộc sống của người dân, kiểm soát, chỉ đạo sát sao, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với cán bộ thuộc quản lý của mình để không xảy ra sai phạm, cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần rèn luyện tư cách đạo đức, tạo được sự liêm chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy, kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng để đạt được kỳ vọng, niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đối với những cán bộ vi phảm, cần xử lý kỷ luật nghiêm minh, khai trừ ra khỏi Đảng và chịu sự trừng trị của pháp luật.